Sài Gòn trở lại thú nghe dĩa nhựa

Người bạn tôi (xin giấu tên vì ông hay mắc cỡ) có thú chơi rất lạ: Nghe nhạc bằng máy magnetophone. Máy magnetophone có nhiều thương hiệu như Teac, Sony, Panasonic, Akai... nhưng sau cùng người ta thường dùng chữ Akai để chỉ loại máy này. Ở Sài Gòn chắc không còn nhiều người giữ lại máy Akai “cổ lỗ” này!

Anh giải thích rằng anh không phải là người chơi nhạc sành điệu, không phải dân hi-end, anh chỉ muốn lưu giữ những gì còn sót lại của một thời kỳ âm nhạc của Sài Gòn trước 1975. Tất cả đều nằm trong những cuốn băng magnet thường được gọi là băng cối. Thật tình tôi tưởng là loại máy này không còn nghe được nữa vì thiếu... băng. Trước khi máy cassette ra đời với băng nhỏ gọn, người yêu nhạc thường nghe nhạc với máy Akai có hai cuốn băng tròn to như mặt cối. Có một thời các trung tâm băng nhạc đã ra đời để sản xuất cũng như sang băng lại cho khách như Jo Marcel, Trường Kỳ, Trường Hải... Từ những trung tâm này đã ra đời những ban nhạc Sơn Ca, Shotgun, Dạ Lan, Hoàng Thi Thơ... Băng nhạc mới nhất chắc ra đời cách đây khoảng... 41 năm (1975) - mà băng nhựa rất dễ hư hỏng vì khí hậu. Nhưng không ngờ những cuốn băng cối anh còn giữ lại đều sử dụng tốt.

Khi anh bật máy, băng bắt đầu quay vòng thì tiếng hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên. Nhạc Trịnh Công Sơn (nghe nhạc Trịnh phải nghe băng này mới đã, mới “gin” vì đây là thời kỳ của anh) với giọng hát của chính nhạc sĩ và ca sĩ Khánh Ly được đệm bằng tiếng đàn guitar thùng đã một thời réo rắt trong âm hưởng Ta phải thấy mặt trời, Người con gái Việt Nam da vàng... hoặc Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương với ban Thăng Long, Hòn vọng phu của Lê Thương với giọng ca Hoàng Oanh, Duy Khánh, hay những bài tình ca bất hủ của Phạm Duy được chuyển tải bằng giọng hát Thái Thanh. Rồi Tuấn Ngọc, Đức Huy, Elvis Phương... tất nhiên là ở thời trai trẻ.

Người ta có thú chơi sách cổ, xe cổ, tiền cổ, tem... thì anh là người chơi “băng cổ”. Với gần 1.000 cuộn băng cối, xem như anh đã lưu giữ được một số lượng đáng kể nhạc ngày xưa, đủ thể loại, kể cả cải lương và nhạc nước ngoài. Anh xác định mình không phải là dân nghe nhạc chuyên nghiệp, hi-end mà chỉ là “người giữ lại những gì sắp mất đi...”.

Anh bạn thuyết minh thú chơi băng cũ này của mình: Nghe nhạc bằng CD không thích vì mình không thấy nó vận chuyển như thế nào để tiếng nhạc được phát ra, cứ đưa cái đĩa vào là xong.

Còn với máy Akai phải đặt băng vào, nhìn băng quay, nhìn hai cây kim chỉ âm thanh trên máy Akai di chuyển theo âm treble hoặc bass thì sướng hơn nhiều... Cũng như đi xem vẫn sướng hơn nghe ca sĩ hát, phải không? Điều đáng nể hơn là anh đang sở hữu tròm trèm vài ngàn đĩa hát gồm nhạc quốc tế (thính phòng, country, nhạc trẻ...) cũng như những đĩa hát Việt Nam. Xưa nhất trong đống đĩa nhà anh là loại đĩa đá 78 vòng với các vở cải lương, cổ nhạc từ những năm 1913, thời kỳ phôi thai của cải lương với Tư Chơi, Phùng Há... Dĩa của Unesco thu nhạc cổ truyền Việt Nam trước 1975 tại Sài Gòn... Hoặc tiếng hát của cố tài tử Ngọc Bảo, giọng ca Phạm Duy thời trai trẻ với đĩa Pathé được làm từ bên Pháp. Loại đĩa còn lại là đĩa nhựa của các hãng Việt Hải, Hồng Hoa, Trường Sơn... Loại đĩa lớn 33 vòng thường ghi lại nguyên tuồng cải lương như Áo vũ cơ hàn, Con gái chị Hằng, Sông dài...

Loại đĩa nhựa nhỏ 45 vòng thì nhiều nhất là tân nhạc với những giọng ca ngày đó như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Elvis Phương. Anh đã tặng ca sĩ Elvis Phương đĩa hát mà ca sĩ này thu lúc còn hát trong ban Phượng Hoàng nhân sinh nhật của Elvis Phương. Trước đó anh đã tặng NSND Bảy Nam một đĩa hát của bà thu ngày xưa. Còn nói về nhạc quốc tế, nếu là tín đồ của Beatles, Rolling Stones, Frank Sinatra, Sylvie Vartan hay Edith Piaff... bạn có thể nghe được từ đĩa của chính nước họ sản xuất lúc họ còn đương thời chứ không phải nghe thu lại vào đĩa CD... Lạ nhất là những đĩa hát không đụng hàng như quốc thiều của một số nước, những bài hát Giáng sinh của thế giới thu lại từ nhiều giọng hát cũng như các dàn nhạc từ giao hưởng đến Jazz, Rock. Những bộ đĩa ghi lại buổi biểu diễn của những dàn nhạc giao hưởng lớn trước Chiến tranh thế giới thứ hai; diễn văn của các tổng thống Mỹ qua chính giọng đọc của họ... Thật là không chịu nổi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm