Người Đức bản lĩnh hay Thụy Điển trả giá vì đá tiêu cực

Đội tuyển Đức bước vào lượt trận thứ hai bảng F VCK World Cup 2018 gặp Thụy Điển với nhiệm vụ buộc phải có 3 điểm, bởi trận đầu tiên thầy trò HLV Low đã "ngã ngựa" 0-1 trước Mexico.

Trước khi World Cup 2018 khai mạc, không ai có thể tưởng tượng nổi tuyển Đức sẽ gặp khó khăn như thế ngay ở vòng bảng. Nhất là người ta thường nói, tuyển Đức có thể đem đến World Cup 2018 bốn đội hình mạnh đều như nhau và có thể bảo vệ ngôi vô địch thế giới.

Tuyển Đức nhiều phe lúng túng trước "chiếc xe buýt hai tầng" Thụy Điển

Vậy nhưng người Đức lại khởi đầu World Cup với sự bạc nhược khó tin, họ thua Mexico 0-1 trong thế trận mà hàng thủ Đức như chốn không người trông coi, để mặc cho Mexico thực hiện những pha phản công trực diện.

Sau trận thua đó, nội bộ tuyển Đức lủng củng khi người này tố người kia không chơi hết sức, làm hại đội tuyển. Không biết HLV Low đã họp nội bộ thế nào nhưng đội hình xuất phát của Đức gặp Thụy Điển vắng ba cái tên đều là trụ cột, đó là Ozil, Hummels và Khedira.

Tuyển Đức khởi đầu trận gặp Thụy Điển với sự quyết tâm cao và họ sớm dồn ép đối thủ nhưng những lỗ hổng chết người khi bị đối phương phản công vẫn không được người Đức khắc phục. Kết quả là họ phải trả giá đắt bằng bàn thua trước.

Trước khi dẫn bàn tuyển Đức, người Thụy Điển đã chủ động chơi phòng ngự phản công nhưng cách phòng ngự của họ khá tiêu cực, cả 10 cầu thủ Thụy Điển đều là những hậu vệ. Thụy Điển chỉ chơi phản công và có được bàn thắng từ chính sai lầm mất bóng chết người của người Đức. Nói khác đi, người Đức đã tự sát hơn là Thụy Điển chơi phản công hay.

HLV Low phải sống trong lo âu thấp thỏm đến những giây cuối cùng.

Thụy Điển chỉ cần 1 điểm là đạt được mục tiêu nhưng họ còn làm được nhiều hơn thế là vươn lên dẫn trước người Đức. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Thụy Điển tiếp tục chơi đổ bê tông bên phần sân nhà. Lúc này, người ta chờ đợi bản lĩnh Đức sẽ trỗi dậy như huyền thoại bóng đá Anh, Lineker từng cay đắng thốt lên, “Bóng đá là cuộc chơi của 22 cầu thủ nhưng cuối cùng người Đức luôn chiến thắng”.

Bóng đá Đức nổi tiếng với biệt danh “cỗ xe tăng” cứ lầm lũi tiến lên, họ cũng nổi tiếng với bản lĩnh và thần kinh thép, dù bị dẫn bàn nhưng luôn viết cách vượt khó và ngược dòng. Thần kinh thép cũng giúp Đức thường thắng khi hai đội "đấu súng" trên chấm penalty. Đó là đặc sản, là thương hiệu Đức từ trước đến nay.

Tuy nhiên, kể từ khi tuyển Đức thay máu lực lượng và thay đổi cả hệ thống bóng đá Đức để làm lại sau thất bại ở Euro 2004, tuyển Đức đã sản sinh ra một thế hệ cực kỳ tài năng, chơi tấn công quyến rũ và kỹ thuật rất khác với phong cách Đức thường thấy.

Người ta không còn thấy những thủ lĩnh hét ra lửa, đá không biết sợ kiểu như Ballack, Kahn, Effenberg, Matthaus. Thay vào đó là những nghệ sĩ sân cỏ tiêu biểu là Ozil. Mà đã là nghệ sĩ thì không thể nào đá bặm trợn, có tư chất thủ lĩnh, vực dậy cả đội bóng trong thời điểm khó khăn và khiến đối thủ khiếp sợ được. Chẳng thế mà sự ẻo lả của Ozil trong trận gặp Mexico khiến ngay cả những đồng đội cũng sôi máu chỉ trích. Huyền thoại Matthaus chửi thẳng Ozil là “không có trái tim, đam mê và niềm vui chơi bóng”.

Người Đức ăn mừng bàn thắng của Kroos như thể vừa bảo vệ thành công chức vô địch thế giới.

Bên cạnh đó, người ta cũng không còn nhiều lần chứng kiến bản lĩnh Đức thể hiện. Cũng có thể với lực lượng quá mạnh, người Đức ít khi nào rơi vào thế bị dẫn nên Đức không có cơ hội thể hiện… bản lĩnh.

Nhưng có một sự thật rằng thế hệ hiện tại của tuyển Đức khi bị đối thủ dẫn bàn ít khi nào lội ngược dòng thành công. Có thể liệt kê ra vô số trường hợp như vậy và đều là những trận rất quan trọng. Đó là trận chung kết Euro 2008 Đức thua Tây Ban Nha 0-1. Đó là trận bán kết Euro 2012 Đức thua Ý 1-2. Đó là trận bán kết World Cup 2010 Đức lại thua Tây Ban Nha 0-1 và gần đây nhất là thất bại cũng với tỉ số 1-0 trước Mexico của người Đức.

Vậy nên, màn ngược dòng thắng Thụy Điển 2-1 của Đức rạng sáng nay (24-6), trong đó có bàn thắng quyết định ở phút bù giờ cuối cùng 90+5 của Toni Kroos cũng không hẳn là thể hiện bản lĩnh Đức. Bản lĩnh Đức phải là lối chơi máu lửa, chơi không biết run sợ, không biết lúng túng trước mọi đối thủ trong thế bị dẫn trước.

Bàn thắng quý hơn vàng của Kroos.

Ở trận thắng ngược Thụy Điển, người Đức không hề có những điều đó. Nhiều thời điểm, đứng chơi lúng túng và bế tắc, chuyền sai địa chỉ rất nhiều lần gần như suốt trận đấu. Nếu công bằng mà xét, người Đức chỉ thể hiện bản lĩnh trong khoảng 10 phút cuối trận, kể từ khi Boateng bị đuổi khỏi sân và Đức chỉ còn chơi 10 người.

Lúc này, Đức chơi như thể không còn gì để mất, đặc biệt là trong khoảng thời gian bù giờ, Đức tạo ra hàng loạt cơ hội, hết Gomez đánh đầu cực mạnh bị thủ thành Olsen xuất thần bay người đẩy bóng cứu thua lại đến Julian Brandt tung cú sút như búa bổ bật cột dọc.

Bàn thắng của Kroos ở phút bù giờ cuối cùng là sự kết hợp giữa yếu tố may mắn cũng như bất ngờ hơn là bản lĩnh Đức. Ở đội tuyển cũng như CLB, Kroos chỉ phụ trách những quả đá phạt góc hay những quả phạt treo bóng vào cho đồng đội. Sút phạt trực tiếp chưa bao giờ là điểm mạnh của Kroos.

Người Đức đã gây bất ngờ bởi chính yếu tố này. Các cầu thủ Thụy Điển tưởng rằng Kroos sẽ tạt bóng vào như thường lệ nhưng cuối cùng siêu sao của Real Madrid lại phối hợp với Reus rồi tung cú dứt điểm vòng qua hàng rào đi vào góc lưới trước sự ngỡ ngàng của tất cả.

Sebastian Larsson hét lên đầy thất vọng và tiếc nuối khi Thụy Điển chỉ cách mục tiêu 1 điểm có vài giây.

Vậy Đức không thắng nhờ bản lĩnh thì chỉ có thể là do Thụy Điển đá quá tiêu cực nên phải trả giá. Phút 81, Đức mất Boateng do nhận hai thẻ vàng phải rời sân. Thi đấu hơn người nhưng Thụy Điển vẫn chọn lối chơi phòng ngự nhiều tầng nhằm bảo toàn tỉ số 1-1 kiếm 1 điểm. Chính điều này khiến người Đức dù chơi ít người hơn nhưng vẫn có cơ hội tấn công và dồn ép Thụy Điển.

Thật ra, đây cũng là một yếu tố may mắn khác của Đức. Khi thời gian đã trôi dần về cuối, việc Thụy Điển vẫn chọn lối chơi phòng ngự là điều rất dễ hiểu và phù hợp với hoàn cảnh, bởi chỉ cần hòa với Đức, 99% Thụy Điển sẽ cùng với Mexico đi tiếp. Và tất nhiên, khi đó người Đức sẽ bị loại ngay từ vòng bảng.

Nếu chiếc thẻ đỏ (hai thẻ vàng) của Boateng đến ở thời điểm đầu hay giữa hiệp 2 thì người Đức chưa chắc đã có cơ hội ép sân Thụy Điển trong thế thiếu người rồi ghi bàn quyết định như vậy.

May mắn thay...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm