Ký ức World Cup: Bí ẩn 'bàn thắng ma' định đoạt trận chung kết

VCK World Cup 1966 là giải lần thứ 8 được tổ chức từ ngày 11 đến 30-7-1966 tại Anh. Đây là lần đầu tiên đất nước được cho là khai sinh ra môn bóng đá đăng cai giải vô địch thế giới và người Anh đã tận dụng rất tốt cơ hội này để đăng quang. Đây cũng là trận chung kết giải lớn (gồm World Cup và Euro) duy nhất đến tận bây giờ mà người Anh góp mặt.

Video trận chung kết World Cup 1966 Anh - Đức (4-2)

90 phút kịch tính trận chung kết

Trước khi bước vào trận chung kết, cả Đức và Anh đều trải qua 5 trận bất bại, họ cùng thắng 4 hòa 1. Chủ nhà Anh lần lượt hòa Uruguay (0-0), thắng Mexico và Pháp cùng tỉ số 2-0 ở vòng bảng. Tại tứ kết, Anh hạ Argentina 1-0 rồi tiếp tục đánh bại Bồ Đào Nha 2-1 ở bán kết để lọt vào chung kết.

Trong khi đó, ở vòng bảng, Đức lần lượt thắng Thụy Sĩ (5-0), hòa Argentina (0-0) và thắng Tây Ban Nha (2-1). Tại tứ kết Đức hạ gục Uruguay 4-0 và thắng luôn Liên Xô 2-1 ở bán kết.

Tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966 trên sân nhà.

Ngày 30-7-1966, Anh và Đức bước vào trận chung kết được chờ đợi nhất giải. Và cả hai đội đã cống hiến cho gần 100.000 khán giả (chính xác là 96.924 khán giả) trên sân Wembley một trận cầu cực kỳ hấp dẫn, kịch tính và cả tranh cãi.

Ngay phút 12, sau pha đánh đầu phá bóng lỗi của hậu vệ tuyển Anh, Haller nhanh chân lao tới xoay người rất nhanh sút bóng sệt vào góc xa mở tỉ số cho Đức trong sự chết lặng của khán giả chủ nhà. Tuy nhiên, chỉ 6 phút sau, tức phút 18, Hurst đã lập lại thế cân bằng khi đánh đầu thoải mái mà không có hậu vệ Đức nào theo kèm khiến thủ thành Hans Tilkowski chỉ biết đứng nhìn bóng vào lưới.

Cũng từ đây, hai đội thi đấu thận trọng hơn khiến trận đấu rơi vào bế tắc, ít nhất là ở khía cạnh bàn thắng. Mãi đến phút 78, cả SVĐ Wembley như vỡ òa bởi bàn thắng của Martin Peters. Ở tình huống này, Geoff Hurst có pha dứt điểm từ xa không quá nguy hiểm nhưng hậu vệ Horst-Dieter Höttges lại “quăng chân” phá bóng lỗi tạo điều kiện cho Peters nhanh chân băng vào sút bóng cận thành nâng tỉ số lên 2-1 cho Anh.

Những tưởng bàn thắng này đã định đoạt kết quả trận đấu thì một lần nữa người Đức lại cho thấy thần kinh thép, bản lĩnh vững vàng và ý chí chiến đấu không biết mệt mỏi cho đến khi trận đấu kết thúc. Phút 89, từ tình huống hãm thành của tuyển Đức tạo nên pha lộn xộn trước khung thành tuyển Anh, Weber băng vào dứt điểm bồi ở cự ly gần san bằng tỉ số 2-2 cho Đức và buộc hai đội phải đá tiếp hai hiệp phụ.

Trọng tài biên định đoạt kết quả trận đấu

Khoảnh khắc định mệnh quyết định số phận trận đấu diễn ra ở phút 101 của hiệp phụ thứ nhất. Alan Ball đi bóng bên cánh phải rồi tạt vào cho Geoff Hurst “bắt bước 1” đưa bóng vào thế thuận lợi rồi xoay người sút bóng cực mạnh và căng, bóng chạm xà ngang bật xuống rồi đi ra ngoài.

Cận cảnh bàn thắng gây nhiều tranh cãi của Geoff Hurst.

Các cầu thủ Anh đồng loạt giơ tay cho rằng bóng đã qua vạch vôi. Trọng tài chính người Thụy Sĩ, Gottfried Dienst cũng không thể xác định được bóng qua vạch vôi hay chưa và ông phải tham khảo ý kiến của trọng tài biên Bahramov. Thật ngạc nhiên khi vị trọng tài biên này lại quả quyết bóng đã qua vạch vôi và ông trọng tài chính Gottfried Dienst đã công nhận bàn thắng cho người Anh. Thông thường, ở những tình huống nhạy cảm như thế, đa số các trọng tài sẽ không công nhận bàn thắng nhưng điều ngược lại đã xảy ra.

Các cầu thủ Anh và cả sân vận động Wembley vỡ òa còn người Đức lao đến trọng tài biên phản đối nhưng không thể thay đổi được tình hình. Đúng phút 120, lại là Geoff Hurst đóng đinh trận đấu bằng cú sút tung nóc lưới Đức ấn định chiến thắng 4-2 cho Anh.

Tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup trên sân nhà trong sự ấm ức của người Đức. Đến thời điểm này Geoff Hurst chính là cầu thủ duy nhất lập được hat-trick trong trận chung kết World Cup.

 Người Anh tung video khẳng định bóng đã qua vạch vôi.

Còn đây là video cho thấy bóng chưa qua vạch vôi.

Tranh cãi Đức - Anh và giải mã bàn thắng ma

Có thể nói rằng, chính bàn thắng thứ ba gây nhiều tranh cãi của Geoff Hurst đã khiến người Đức ôm hận. Nếu không có bàn thắng đó, mọi thứ có lẽ đã khác. Công nghệ thời bấy giờ chưa hiện đại như hiện nay nên không thể xác định được pha bóng đó có thật sự qua vạch vôi hay chưa. Đó là lí do khiến người Anh và Đức tranh cãi không dứt suốt một thời gian rất dài và có lẽ là đến tận bây giờ.

Người Anh thì tung clip khẳng định pha sút bóng của Geoff Hurst đã qua vạch vôi và đó là một bàn thắng hợp lệ được trọng tài quyết định chính xác. Còn người Đức cũng đưa ra đoạn clip chứng minh bóng chưa hề qua vạch vôi và đó là bàn thắng ma, bàn thắng tưởng tượng của trọng tài.

Người Anh giơ tay báo hiệu bóng đã qua vạch vôi trong khi người Đức cũng giơ tay cho rằng bóng chưa đi vào lưới.

Với công nghệ hiện đại bây giờ, người ta đã phân tích rất kỹ tình huống đó và xác định rằng bóng hoàn toàn chưa qua vạch vôi. Người Đức đã nhận một trận thua oan uổng. Trong khi đó, người Anh thì phớt lờ đi hoặc họ vẫn khăng khăng khẳng định đó là bàn thắng hợp lệ.

Kịch tính chưa dừng lại ở đây, khi sau này, vị trọng tài biên, người đã quả quyết bóng đã qua vạch vôi, Bahramov có những lời nói đầy bí ẩn về tình huống đó, “Họ là người Đức. Tôi đã phải chờ mãi, từ cuộc chiến tranh thế giới để có thể có một cơ hội như thế này”.

Pha sút xa của Lampard đã đi vào lưới tuyển Đức.

Đến World Cup 2010, người Đức đã có màn trả thù ngọt ngào người Anh trên sân nhà của mình. Ở vòng knock-out 16 đội, chủ nhà Đức gặp tuyển Anh. Khi Đức đang dẫn 2-1 thì Frank Lampard tung cú sút từ xa rất căng đưa bóng chạm xà ngang đi qua vạch vôi rất sâu.

Lúc này, công nghệ hiện đại đã có thể xác định ngay là bàn thắng nhưng bằng cách nào đó trọng tài Jorge Larrionda người Uruguay lại không công nhận bàn thắng đó. Để rồi sau đó người Đức ghi thêm hai bàn nữa để thắng chung cuộc 4-1 đồng thời loại người Anh khỏi cuộc chơi.

Đội hình ra sân trận chung kết World Cup 1966 Anh - Đức:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm