Châu Á muốn thoát phận lót đường

Lịch sử bóng đá thế giới từng ghi nhận CHDCND Triều Tiên tại World Cup 1966 vào đến tứ kết sau khi loại cả đội Ý hùng mạnh. Sau đó tại World Cup 2002, đồng chủ nhà Hàn Quốc còn gây sốc hơn khi vào đến bán kết sau khi loại cả Ý lẫn Tây Ban Nha. Giấc mơ châu Á còn muốn bay cao, bay xa hơn nữa và lần này năm đại diện của châu Á đều đặt khởi điểm là vượt qua vòng bảng. Đó là mệnh lệnh, là điểm đến tối thiểu chứ không phải mục tiêu. Và nếu không qua được điểm đầu đấy thì sẽ rất nhiều HLV đang dẫn dắt các đội bóng châu Á bị trảm.

Iran nếu không vượt qua được vòng bảng xương xẩu trước ông lớn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Morocco thì HLV Carlos Queiroz phải ra đi. Tương tự, sứ mệnh của HLV Shin Tae-yong của Hàn Quốc sẽ được định đoạt sau thành tích tại World Cup mà chỉ có vào vòng trong thì LĐBĐ quốc gia này mới đàm phán tiếp cùng ông. Oái oăm thay, Hàn Quốc lại rơi vào bảng còn “xương” hơn cả Iran. Bảng đấu bao gồm đương kim vô địch Đức, “ông trùm” vùng Bắc - Trung Mỹ - Caribe Mexico và Thụy Điển…

Châu Á từng gây tiếng vang với hình ảnh Hàn Quốc vào bán kết sau khi loại Ý, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY IMAGES

Saudi Arabia cũng lấy điểm mốc đầu tiên là vượt qua vòng bảng bất chấp cùng “xuồng” với chủ nhà Nga, Ai Cập và Uruguay. Úc thì chung bảng với Pháp, Peru và Đan Mạch cũng khó nhai. Còn lại Nhật tương đối dễ thở một tí khi cùng bảng với Senegal, Ba Lan và Colombia.

Châu Á luôn mang lại những giá trị thương mại lớn ở những giải đấu bóng đá mạnh toàn cầu vì có dân số đông nhất, người xem thuê bao bóng đá nhiều nhất…, mang lại bản quyền truyền hình cao nhất (có những giải hướng về múi giờ thuận tiện để phục vụ số đông khán giả châu Á) nhưng bóng đá châu Á thì được xếp vào loại yếu.

Các đại diện châu Á khi tham dự thường chỉ đá xong ba trận vòng bảng, trong đó có những trận thua đậm rồi về. Danh hiệu “những kẻ lót đường” hay dành cho các đội châu Á và có lúc họ bị xem là mục tiêu chạy đua hiệu số bàn thắng của những ông lớn.

Ngày đội tuyển Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn để đến Nga đá giải thì Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, gặp đội tuyển quốc gia mình và nói thẳng: “Iran phải vào vòng 16 đội, nếu không HLV Carlos Queiroz phải ra đi. Không thể góp mặt đá ba trận rồi về như bốn lần trước nữa!”.

Úc cũng ra chỉ tiêu cho HLV Van Marjik (người Hà Lan) rằng nếu Úc thi đấu ấn tượng tại World Cup thì bản hợp đồng mới được gia hạn, còn không thì chia tay ngay sau World Cup.

Với HLV Shin Tae-yong thì LĐBĐ Hàn Quốc tạo điều kiện cho thầy nội thể hiện nhưng dường như họ cũng không quá trông đợi và đã nhắm đến người cũ Guus Hiddink có thể trở lại sau World Cup.

LĐBĐ Nhật Bản thì xác định bóng đá quốc gia mình trên đấu trường quốc tế đang đi xuống do đội tuyển thể hiện kém, HLV nội Nishino Akira mới chỉ là giải pháp tình thế nhưng Nhật Bản vẫn đặt mục tiêu vào vòng knock out. World Cup này sẽ là cơ hội cho HLV Nishino Akira chứng minh khả năng.

Có thể nói “án trảm đồng loạt” của các LĐBĐ châu Á cũng chính là thông điệp khẳng định với các đối thủ rằng châu Á quyết thoát khỏi phận lót đường.

CHDCND Triều Tiên từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng

Năm 1966, tại Ayresome Park (Anh), đội tuyển Ý của những Giacinto Facchetti, Gianni Rivera, Sandro Mazzola phải ngậm ngùi tủi hổ rời sân khi thua một đại diện châu Á bởi bàn thắng duy nhất của cầu thủ Triều Tiên Pak Doo Ik. Tiếp theo, bốn ngày sau tại Goodison Park, thế giới lại ngỡ ngàng khi Bồ Đào Nha mới vào trận có 25 phút đã bị Triều Tiên sút thủng lưới ba bàn. May mà hồi đó Bồ Đào Nha có huyền thoại Eusebio một mình dẫn dắt đội nhà lội ngược dòng. Triều Tiên thất bại nhưng người hâm mộ lại đứng hết lên vỗ tay thán phục đại diện châu Á vì lối chơi quả cảm với cuộc chia ly màu đỏ như những kẻ chiến thắng.

HUY KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm