Park Hang-seo, người ‘lột xác’ bóng đá Việt Nam

Đúng một năm sau khi ký vội bản hợp đồng với VFF, ông Park Hang-seo đã liên tục ghi tên bóng đá Việt Nam vào các “bảng danh vị” cùng những kỷ lục: Lọt vào vòng chung kết Asian Cup 2019, HCB giải U-23 châu Á, đại diện Đông Nam Á vào đến bán kết Asiad 2018, lần đầu bước vào top 100 thế giới, vô địch AFF Cup 2018. Đó là chưa kể chiếc cúp vô địch giải giao hữu tiền Áiad bà hạng ba giải M.150 do Thái Lan tổ chức.

Từ “Mr. Ngủ gật” và “ông hết thời”…

Rất nhiều người thắc mắc về bản hợp đồng ký vội giữa ông Park Hang-seo với VFF sau khi HLV Hữu Thắng từ chức. Nó giống như giải pháp tình thế trong lúc bóng đá Việt Nam đang rối ren sau hai đời HLV Miura và Hữu Thắng.

Khi VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo thì ông còn đang dẫn dắt CLB Changwon. Một đội nghiệp dư chơi giải hạng ba Hàn Quốc, có thành tích tệ hại sau chuỗi 15 trận không thắng. vì thế, khi ông Park làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, có tờ báo đã châm biếm: “HLV hết thời bỗng dưng trở lại và dẫn dắt đội tuyển Việt Nam”; có báo còn đưa lại hình ảnh ông ngồi nhắm mắt trong khu kỹ thuật và chế giễu là “Mr. Ngủ gật giờ làm HLV trưởng một đội tuyển quốc gia ở Đông Nam Á”. trong ngày ký hợp đồng với VFF, một phóng viên Việt Nam đã hỏi sốc ông Park về chi tiết này nhưng ông vẫn nhẹ nhàng trả lời là “truyền thông Hàn Quốc chọc tôi…”.

Đề cập hoàn cảnh ông đến làm HLV trưởng để thấy rằng mối liên kết giữa thầy Park với bóng đá Việt Nam giống như một cái duyên trời định từ sự quyết liệt của bầu Đức. sau này chính ông bầu phố núi bật mí rằng ông vội vã dẫn dắt hai quan chức của VFF sang Hàn Quốc gặp, thương thảo với ông Park Hang-seo vì sợ “các quan” VFF đưa người bất tài và cơ hội lên nắm đội tuyển.

Chính báo chí Hàn Quốc cũng không ngờ rằng chỉ sau một năm “ăn, ngủ” với bóng đá Việt Nam, ông Park Hang-seo đã được Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc chọn là một trong những công dân Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng lớn của xứ sở kim chi. ông là người đem bóng đá Đông Nam Á đến cho đông đảo cộng đồng ở Hàn Quốc đến độ đài truyền hình Hàn Quốc phải mua bản quyền Asiad và AFF Cup 2018, cắt sóng phim Hàn và thay bằng những trận có công dân Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Các học trò tung hô thầy Park, người mang đến niềm tin và diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam.  Ảnh: NGỌC DUNG

Mày mò định hướng và tìm lối đi mới cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: CTV

… Đến “ông bố lột xác bóng đá Việt”

Nếu ông Calisto, người đưa bóng đá Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup năm 2008 được ví là thầy phù thủy thì ông Park Hang-seo lại được xem như người nâng cấp và “lột xác” nền bóng đá Việt. Sự “lột xác” đấy không chỉ đến từ thành tích mà từ lối chơi và sự trưởng thành của các cầu thủ dưới sự dìu dắt của ông.

Thầy Park dù mang ơn bầu Đức làm cầu nối và trả lương cho mình nhưng vẫn không thiên vị với quân HA Gia Lai. Ông chọn những con người tốt nhất và định ra lối chơi phù hợp nhất từ tố chất của các học trò ông nhọc công tuyển chọn.

Thành công ban đầu của thầy Park là không để xảy ra nghi kỵ trong việc tuyển chọn “quân ông này, người xứ kia” như các HLV tiền nhiệm.  Ông cũng nổi tiếng với kiểu dụng quân khiến học trò xóa được khoảng cách giữa cầu thủ chính thức và dự bị. Điều mà ông luôn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi có đến 23 cầu thủ và ai cũng luôn sẵn sàng ra sân”. Nói như các chuyên gia là 12 cầu thủ còn lại ngồi ở khu kỹ thuật là 12 cầu thủ sẵn sàng cho những phương án khác nhau.

Không chỉ là sự công bằng trong tuyển chọn, thầy Park còn giáo dục cả những cầu thủ bị loại để họ trưởng thành. Rõ nét nhất là đội trưởng Quế Ngọc Hải từng bị ông gạch tên chỉ vì lối vào bóng nguy hiểm, lại hay cự cãi trọng tài. Sau lần loại để Hải trưởng thành hơn, ông gọi lại trung vệ này cùng những lời chỉ bảo ân cần và phân tích cặn kẽ. Kết quả là Hải tại AFF Cup này với chiếc băng đội trưởng trên tay đã “lớn lên” rất nhiều và trở thành một trung vệ thép mẫu mực.

Lạ nhất là cái cách ông sử dụng Quang Hải từ một chân sút “son” ở Thường Châu (Trung Quốc) sang một tiền vệ có lúc lùi rất sâu (ở Asiad và AFF Cup). Cách sử dụng từng bị quy kết là hy sinh vị trí tốt của Quang Hải cho những cầu thủ khác tỏa sáng. Thế nhưng đến khi Quang Hải tỏa sáng ở AFF Cup và nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải thì nhiều người mới hiểu dụng ý của ông khi nâng cấp học trò mình. 

Một năm dưới tay thầy Park, những cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng… trưởng thành rất nhanh. Quan trọng hơn là thầy Park đã làm thay đổi được hình hài của một đội tuyển. Họ là một tập thể̉ kết dính với nhau và ứng xử với nhau như trong một gia đình. Đó là lý do những cựu binh như Văn Quyết, Anh Đức, Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải… đã trải qua nhiều đời HLV ngoại lẫn nội nhưng khi nói về thầy Park vẫn luôn trân trọng: “Thầy Park không chỉ là một HLV mà còn như một người bố trong một gia đình bóng đá vậy”.

Sức mạnh từ niềm tin

Từ Thường Châu, Trung Quốc đến Asiad ở Indonesia rồi AFF Cup 2018, điều nổi bật nhất thầy Park mang đến là niềm tin. Ông giống như người truyền lửa cho các học trò mình tin vào bản thân để vượt qua các rào cản tâm lý như trước đây. Ông xóa đi sự tự ti hay tính toán mà những thế hệ cầu thủ trước nhiều lúc hay lựa chọn giải nào đá cho có vì tầm cao quá, còn giải nào “ăn thật”.

Niềm tin từ các cầu thủ qua từng giải đã lan tỏa đến niềm tin của người hâm mộ. Tin ở 11 vị trí trên sân không có mắt xích “gãy” như những giải trước của những người tiền nhiệm đội tuyển đi đâu cũng phải kè kè cán bộ an ninh. Niềm tin đã xóa đi những dấu hỏi mà người xem trước đây (kể cả lãnh đạo VFF) cứ nghi vấn về những trận thua hay bàn thua khó hiểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm