Trung Quốc có thật sự hào phóng trong viện trợ?

Trung Quốc có thể sẽ sớm vượt qua Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về viện trợ tài chính cho các nước phát triển, theo các nhà nghiên cứu thuộc dự án AidData (Mỹ) theo dõi quá trình hỗ trợ phát triển của thế giới.

Chỉ trong vài thập niên, nhờ kinh tế phát triển, Trung Quốc chuyển từ một nước nhận viện trợ trở thành nước đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, đi viện trợ cho nước khác. Tuy nhiên, theo AidData, điểm khác biệt với Mỹ là Trung Quốc ưu tiên viện trợ cho các dự án hỗ trợ quyền lợi thương mại của mình, thay vì các dự án phát triển đơn thuần.

Để có kết luận này, AidData đã rà soát 4.368 dự án sử dụng tiền từ Trung Quốc trong vòng 14 năm (2000-2014). AidData cũng khảo sát chứng từ từ tài liệu chính phủ Trung Quốc, từ các tổ chức phi chính phủ và cả từ các bài viết trên truyền thông.

Trong thời gian 14 năm này, Trung Quốc chi gần 354,4 tỉ USD cho viện trợ và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho 140 nước. Cùng thời gian, Mỹ chi 394,6 tỉ USD.

“Trung Quốc và Mỹ đang đuổi sát nhau trong lĩnh vực viện trợ. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong kết cấu viện trợ của hai nước” - ông Bradley Parks, một trong năm nhà nghiên cứu về dự án AidData, nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi cuối tháng 9. Ảnh: SCMP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi cuối tháng 9. Ảnh: SCMP

Dù con số tương đương nhưng chỉ có 23% tổng tiền viện trợ của Trung Quốc thuộc dạng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó tỉ lệ này ở Mỹ tới 93%. ODA là một hình thức đầu tư nước ngoài nhưng cũng còn được gọi là tiền viện trợ. Tiền từ ODA thường được cho các nước vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp trong thời gian dài, nhằm vào các dự án phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi ở các nước vay.

77% còn lại của Trung Quốc quy về dạng các dòng vốn chính thức khác (OOF). Các dự án vay tiền từ OOF thường không đủ tiêu chuẩn vay ODA và thường không vì mục đích phát triển cho cộng đồng, có thể vì mục đích thương mại, lãi suất có thể thay đổi.

Theo nhà nghiên cứu Parks, trong tương lai dù tổng số tiền viện trợ nước ngoài của Trung Quốc có vượt Mỹ đi nữa, Trung Quốc cũng sẽ không qua được Mỹ về khoản đóng góp cho ODA.

Theo nhà phân tích Parks, “sự thiếu cân đối về tỉ lệ tiền cho ODA và OOF cho thấy Trung Quốc thiên về thúc đẩy các quyền lợi thương mại của mình ở nước ngoài… không có sự hào phóng đơn thuần”.

Trong khi đó, nghiên cứu kết luận: “So với Trung Quốc, tác động đến tăng trưởng kinh tế từ công tác viện trợ của các nhà tài trợ phương Tây không bằng. Vì phần lớn tiền tài trợ của các nước này được chi cho các dự án đơn thuần phát triển”.

Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos khen ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Liên minh châu Âu-Á Âu-Trung Quốc ngày 9-10 ở Athens (Hy Lạp). Ảnh: THX

Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos khen ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Liên minh châu Âu - Á Âu - Trung Quốc ngày 9-10 ở Athens (Hy Lạp). Ảnh: THX

Lâu nay không ít người vẫn nghĩ rằng khu vực nhận nhiều viện trợ nhất của Trung Quốc là châu Phi, tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Parks, không dự án nào trong năm dự án lớn nhất do Trung Quốc tài trợ trong thời gian 14 năm này diễn ra ở châu Phi. Và chỉ có một trong năm dự án đó dùng tiền ODA.

Hai dự án lớn nhất chiếm gần 34 tỉ USD tiền OOF, do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft vay năm 2009, theo nghiên cứu. Còn rất nhiều chi tiết về viện trợ nước ngoài không được chính phủ Trung Quốc công khai.

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Với các nước phương Tây, đây là kế hoạch tạo một hành lang hạ tầng nối từ Trung Á đến châu Âu qua các mạng lưới đường sắt và các tuyến vận tải biển. Nhiều ý kiến còn chỉ trích đây là một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 tuyên bố muốn cắt giảm 32%, tương đương 13,5 tỉ USD mỗi năm cho tất cả khoản chi tiêu phi quân sự ở nước ngoài. Đây là một cơ hội để Trung Quốc mở rộng thêm quyền lực mềm của mình ra thế giới thông qua viện trợ tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm