Gốc rễ làn sóng đòi tự trị làm rung chuyển châu Âu

Chính phủ Tây Ban Nha đang phải chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất bốn thập niên dân chủ qua: Vùng tự trị Catalonia đòi độc lập. Ngoài Catalonia phải giải quyết thì Tây Ban Nha còn đang lo các phong trào đòi ly khai ở hai khu tự trị xứ Basque và Galicia ở phía Bắc sẽ noi gương.

Không chỉ Tây Ban Nha mà cả châu Âu đang choáng váng với nỗ lực tìm kiếm độc lập của Catalonia và hệ lụy từ nó. Sau sự kiện Catalonia trưng cầu độc lập, cuối tuần trước, hai vùng Lombardy và Veneto ở Bắc Ý cũng trưng cầu đòi tăng quyền tự trị, muốn có tiếng nói lớn hơn và độc lập tài chính hơn với chính phủ trung ương. Tỉ lệ bỏ phiếu thuận ở hai vùng đều trên 95%.

Quần đảo New Caledonia, một lãnh thổ thuộc Pháp ở Thái Bình Dương sẽ trưng cầu độc lập vào năm 2018. Scotland năm tới sẽ trưng cầu rời khỏi Liên hiệp Anh. Anh thì đang trong quá trình đàm phán Brexit - rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo nhận định của giới quan sát, sở dĩ hai vùng Lombardy và Veneto của Ý trưng cầu tăng quyền tự trị trong thời điểm này cũng vì chịu tác động từ sự kiện Catalonia muốn độc lập khỏi Tây Ban Nha, hay xa hơn là Anh muốn ra khỏi Liên minh châu Âu.

Người Catalonia ủng hộ thống nhất biểu tình ở Barcelona ngày 29-10, mang biểu ngữ “38% không phải Catalonia” – chỉ tỷ lệ dân Catalonia đi bỏ phiếu trong ngày trưng cầu độc lập. Ảnh: AFP

Người Catalonia ủng hộ thống nhất biểu tình ở Barcelona ngày 29-10, mang biểu ngữ “38% không phải Catalonia” - chỉ tỉ lệ dân Catalonia đi bỏ phiếu trong ngày trưng cầu độc lập. Ảnh: AFP

Có thể nói châu Âu thời điểm này đang rung chuyển với làn sóng đòi độc lập, tự trị. Tại sao? Theo nhà bình luận kinh tế Paul Mason (Anh), nguyên nhân nằm ở kinh tế. Một hỗn hợp của thắt lưng buộc bụng khắc khổ, tham nhũng, trì trệ về chính trị đã hạn chế tính chân thực của nền dân chủ châu Âu. Chính hỗn hợp này đã thúc đẩy các khu tự trị như Catalonia đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha, hay các vùng Lombardy và Veneto ở Ý đòi tự trị.

Cần chú ý, Catalonia là một vùng tự trị giàu có nhất Tây Ban Nha, kinh tế chiếm 20% tổng GDP nước này. Hàng năm trời chịu đựng các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt đã khiến các đảng dân túy ở Catalonia trỗi dậy, cũng như gia tăng sự thất vọng của giới giàu có ở vùng tự trị này. Nhiều người Catalonia cảm thấy họ đang bị cưỡng bức phải choàng gánh kinh tế cho các vùng khác của Tây Ban Nha, tin rằng mình sẽ giàu và thành công hơn nếu tách ra khỏi Tây Ban Nha.

Catalonia xúc tiến trưng cầu độc lập trong thời điểm Tây Ban Nha đang đối mặt một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Tây Ban Nha là một trong bốn nước nợ nần nhiều nhất khối sử dụng đồng euro, cùng với Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp, đã phải nhờ gói giải cứu 100 tỉ euro của EU.

Người dân Catalonia biểu tình ở Barcelona ngày 29-10 phản đối độc lập. Ảnh: AFP

Người dân Catalonia biểu tình ở Barcelona ngày 29-10 phản đối độc lập. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Lombardy và Veneto cũng đều là hai vùng giàu có hàng đầu nước Ý. Lombardy với kinh đô thời trang và tài chính Milan đóng góp 20% kinh tế Ý. Veneto đóng góp khoảng 10%.

Và vì ngán ngẩm với viễn cảnh kinh tế của các nước trong khối và để bảo vệ quyền lợi mình, Anh đã chọn Brexit. Lý do Scotland năm 2018 trưng cầu khả năng rời khỏi Liên hiệp Anh vì cho rằng quyết định của Anh sẽ ảnh hưởng quyền lợi của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ như Pháp, Đức, Mỹ, Mexico tuyên bố không công nhận, ủng hộ các nỗ lực của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy bảo vệ sự thống nhất nước này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói việc Catalonia tuyên bố độc lập chẳng thay đổi được điều gì và Liên minh châu Âu sẽ chỉ làm việc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha.

Các lãnh đạo châu Âu lo sợ cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha sẽ lan rộng, hành động đòi độc lập của Catalonia sẽ kích động thành phần đòi ly khai ở khắp châu lục. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm