Trào lưu làm đám cưới... một mình

Đối với những thanh niên thích sống một mình, đây là cách để thoát ra khỏi áp lực hằng ngày của xã hội, để dành thời gian nhiều hơn cho chính bản thân mình. Để mô tả cách sống này, giới trẻ Hàn Quốc có từ “YOLO”, viết tắt từ tiếng Anh “You Only Live Once” - “đời chỉ có một lần”.

Ăn một mình cho… đỡ tốn tiền

Số thanh niên chọn cách sống như thế ngày càng tăng và khác với chỉ vài năm trước đây, người Hàn Quốc giờ không còn xem hiện tượng này là “khó coi” nữa. Theo GS Jeon Mi-young thuộc ĐH Quốc gia Seoul, đây là một bước ngoặt chưa từng có trong cách tiếp cận cuộc sống của giới trẻ hiện nay tại Hàn Quốc, họ chăm bẵm vào chuyện hiện tại hơn là quan tâm đến tương lai. Một cách sống thiên về cảm xúc hơn là lý trí.

Nữ GS Katharine Moon thuộc một trường đại học dành cho nữ là Wellesley College tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ giải thích: “Cho mãi đến những năm gần đây, nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để đối phó với những áp lực xã hội trong sinh hoạt tập thể. Nay thì họ muốn lao vào những trải nghiệm theo xu hướng cá nhân chủ nghĩa”. Đơn cử như trong giờ ăn trưa, thay vì phải quây quần cùng bạn bè hay với gia đình thì ta lại thích lang thang trong siêu thị hơn, đơn giản là vậy.

Sinh viên Lee Ju-yeol, học năm thứ ba ngành tài chính của ĐH Ajou, đã thổ lộ: “Một phần văn hóa ứng xử khá là tiêu cực trong xã hội Hàn Quốc là không tôn trọng thời gian riêng và những giá trị riêng của bạn. Cho nên khi bạn đi ăn một mình thì bạn sẽ ít mất thời gian hơn và tiết kiệm được tiền bạc hơn là khi bạn đi ăn với nhóm đông”.

Thế nhưng trong con mắt của những người châu Âu, cách ứng xử “đơn thân độc mã” của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay dường như vẫn còn là một điều gì đó bất thường. Ông Michael Breen, người đã sống lâu năm tại Hàn Quốc và hiện là chủ bút của ấn bản The New Korean, nói: “Đối với người châu Âu như chúng tôi, việc đi dã ngoại hay đi chơi xa một mình là không hiếm nhưng ở người Hàn Quốc, khi bạn bắt gặp hình ảnh một người trẻ đi chơi một mình thì bạn bỗng có cảm giác người đó đang có một cái gì không ổn bên trong hoặc người đó là một đối tượng lập dị”.

Chị Park Da-som, một nhân viên ngân hàng 25 tuổi, nói khi bước vào quán mì ramen Ichi-Men: “Trước đây, mọi người thường nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm khi tôi đi ăn một mình nhưng giờ thì tôi nghĩ rằng không ai cho đó là chuyện dị hợm nữa. Đây đã trở thành một xu hướng mang tính xã hội tại Hàn Quốc rồi”.

Cô dâu đơn thân trong “ngày cưới” theo trào lưu YOLO.

Cưới và hưởng trăng mật… một mình

Khi nghĩ về hôn nhân, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giờ đây tuyên bố hùng hồn rằng mình chỉ muốn làm “đám cưới đơn thân” mà thôi! Tức là cũng có tiệc cưới, có áo cưới, có khách mời, có tiền mừng nhưng trên sân khấu chỉ có… cô dâu thôi! Vì sao? Các cô lý giải rằng là con gái thì ai cũng muốn một lần được mặc áo cô dâu, chỉ vậy thôi.

Tháng 3 vừa rồi, cô Yang Eun-joo, 32 tuổi, làm việc cho hãng LG Electronics, đã tự mình đi chụp ảnh cưới sau khi hủy lễ hỏi với bạn trai và bạn trai cô cũng không có ý định kết hôn nữa. Cô cũng vậy: “Có khi là lâu nữa về sau này tôi sẽ lấy chồng nhưng giờ thì tôi muốn mặc ngay một chiếc áo cưới khi mà… tôi đang còn trẻ”.

Mà đâu chỉ có phái nữ. Mới đây công ty kinh doanh mỹ phẩm Lush của Anh tại Hàn Quốc đã “ủng hộ phong trào” khi chúc mừng đám cưới đơn thân của một nam nhân viên làm việc tại công ty, trao quà cưới hẳn hoi và ông chủ còn ký duyệt cho anh này một kỳ nghỉ để hưởng tuần trăng mật nữa!

“Gia đình đơn thân” tăng đột biến

Theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc, số lượng những gia đình chỉ có một thành viên duy nhất hiện nay chiếm đa số tại nước này và tăng 27% so với năm 2015. Đáng chú ý hơn là sự gia tăng này diễn ra khá nhanh: Chỉ một thập niên trước đây, đa số các gia đình tại Hàn Quốc là có bốn thành viên.

Những lý do dẫn đến tình trạng này có thể kể ra là: ngày càng có nhiều người dân chuyển lên TP để làm ăn sinh sống; nhiều người luôn có tâm lý trì hoãn hôn nhân; ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc chỉ miệt mài tập trung lo cho sự nghiệp bản thân hơn là lấy chồng sinh con rồi sụp đổ đường công danh. Và theo đánh giá, đây đang là vấn đề hệ trọng tại Hàn Quốc khi mà trong đa số các “gia đình đơn thân” đó thì thành viên duy nhất chỉ là một phụ nữ. Và theo số liệu chính thức, số lượng đăng ký kết hôn tại nước này đã từ con số 330.000 vào năm 2011 tuột xuống 280.000 vào năm 2016, mức thấp kỷ lục tính từ năm 1974.

Những sản phẩm ăn theo hốt bạc

Nắm lấy thời cơ, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc đã phát hành “thẻ YOLO” để những bạn trẻ sinh hoạt một mình được hưởng những khuyến mãi của Starbucks, được giảm giá khi mua vé xem phim, khi đi mua sắm hoặc thậm chí khi tham gia các khóa dạy nấu ăn.

Và cũng đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực tại Hàn Quốc xoay sang chiều chuộng hết cỡ những “thượng đế độc hành” của mình, như nhà hàng Yuk Cheop Ban Sang tại thủ đô đã thiết kế một thực đơn tám cấp độ cho những người “đi ăn một mình”, từ thấp nhất là ăn mì ramen cho đến cao nhất là dùng món thịt nướng BBQ. Bước vào bên trong, chúng ta sẽ thấy dãy ghế dài cho khách và mỗi người có một vỉ nướng riêng, kể cả một ổ cắm riêng để sạc pin điện thoại.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh tiêu dùng cũng đã nhanh chóng chộp lấy đối tượng khách hàng đơn thân đầy tiềm năng này như trình làng các mẫu nồi cơm điện và máy giặt tí hon chỉ đáp ứng nhu cầu cho một người sử dụng.

Cùng nhau… một mình!

Trào lưu sống đơn thân của giới trẻ vẫn chưa được các thế hệ lão thành tại Hàn Quốc đón nhận một cách bao dung. Các bậc trưởng thượng lo lắng khi nghĩ đến hệ lụy là tỉ lệ sinh tụt giảm nghiêm trọng tại đất nước này.

Tháng 5 vừa qua, tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, đã tuyên bố rằng việc sống một mình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cá nhân. Tổng thống đưa ra đề xuất cả đất nước Hàn Quốc trở thành “một ngôi nhà chung cho các bạn trẻ thích sống đơn chiếc”. Theo đó, sẽ tổ chức các bếp ăn cộng đồng mở và triển khai trên mọi vùng miền của đất nước, cốt sao để tất cả “gia đình đơn thân” có thể đến đó ăn uống và cùng nhau sinh hoạt chung, trên tinh thần “mọi người vì một người”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.