Thợ săn hàng đầu Ấn Độ được thuê giết con hổ ăn thịt 13 người

Nawab Shafath Ali Khan bắt đầu đi săn con hổ bốn tuổi tại rừng Maharashtra, sau khi tòa án tối cao Ấn Độ đưa ra phán quyết rằng con hổ có tội khi đã giết hại nhiều người, đồng thời cho phép thợ săn và kiểm lâm bắn chết nó nếu phát hiện, Times of India đưa tin ngày 13-9.

Con hổ cái kể trên là nỗi khiếp sợ của dân làng Pandharkawada, miền Trung Ấn Độ trong hai năm qua vì họ cho rằng nó đã giết 13 người của làng. Chỉ trong tháng 8 vừa rồi, dân làng cho rằng nó đã ăn thịt ba người, khi những nạn nhân đều có dấu răng hổ để lại.

Trước khi phiên tòa kết tội con hổ diễn ra, có nhiều nhà hoạt động đã đấu tranh bảo vệ con hổ và cho rằng một con hổ không thể giết nhiều người như vậy. Trái lại, đa phần người dân đều muốn lấy mạng con thú ác độc để trả lại công bằng cho những người đã bị hổ sát hại.

Thợ săn Nawab Shafath Ali Khan. Ảnh: India Times.

Theo quan chức kiểm lâm Ấn Độ, các thợ săn sẽ sử dụng súng gây mê trước, dùng voi để siết chặt vòng vây. Sau khi gây mê, các thợ săn sẽ đưa con hổ về vườn thú. Nhưng nếu kế hoạch bất thành, họ buộc sẽ phải giết nó.

Hiện nay, sau khi nhận nhiệm vụ bắt con vật, Khan cho biết ông đang theo dõi con hổ. Ông hy vọng sẽ chỉ cần dùng súng gây mê còn bắn chết chỉ là phương án bất đắc dĩ. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo sợ rằng Khan, người nổi tiếng vì đã giết hàng trăm con vật, sẽ không để con hổ sống sót.

Được biêt, Khan lần đầu cầm súng khi lên bốn tuổi và rèn luyện được kỹ năng săn bắn giỏi từ khi còn trẻ. Ở tuổi 19, ông được một người bạn của gia đình giới thiệu khi các quan chức cần người xử lý một con voi đã giẫm đạp 12 người đến chết. Sau đó, danh tiếng của Khan được lan truyền. Các quan chức từ khắp Ấn Độ kêu gọi sự giúp đỡ của thợ săn khi cần đối phó với động vật hoang dã.

Theo Independent, những năm gần đây số lượng hổ sinh sống tự nhiên ở Ấn Độ tăng nhanh, từ 1.441 con vào năm 2006 đến con số 2.500 như ngày nay. Ấn Độ hiện là mái nhà của 60% số lượng hổ trên toàn thế giới. Loài vật này hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật bảo tồn.

Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số và nạn phá rừng đã khiến nhiều khu rừng biến thành ốc đảo. Những con hổ không còn cách nào khác là phải đi qua khu dân cư và làm tăng khả năng đụng độ với con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm