Mỹ chặn thương vụ thâu tóm của Trung Quốc vì an ninh

Trang Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên, Tổng thống Obama đã gửi đề xuất đến Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS), theo đó, thương vụ thâu tóm nhà cung cấp thiết bị bán dẫn của công ty Trung Quốc Grand Chip Investmen cần phải dừng lại. Đây là lần thứ ba trong vòng 25 năm trở lại, Nhà Trắng từ chối một thỏa thuận kinh doanh vì lý do an ninh quốc gia.

Người phát ngôn của Công ty Aixtron, ông Guido Pickeit, cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách có liên quan. Chúng tôi vẫn đang chờ quyết định cuối cùng”. Sở dĩ Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ có tiếng nói trong việc thỏa thuận mua bán Aixtron vì công ty này có chi nhánh ở California, nơi có khoảng 100 công nhân Mỹ đang làm việc và tạo ra 20% doanh thu của công ty này.

Công nghệ của Aixtron được dùng trong bóng đèn đi-ốt phát quang, đèn laser, pin năng lượng mặt trời và nhiều sản phẩm khác có thể được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự như vệ tinh hay radar. Northrop Grumman, một nhà thầu quân sự lớn của Mỹ cũng là một trong những khách hàng của công ty này, trang Bloomberg phân tích.

Ông Weiwen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ - EU, nói: “Trước mắt, đây sẽ là điều cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn giao dịch trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung-Mỹ nhưng mức độ không nhiều”.

Mỹ chặn thương vụ thâu tóm của Trung Quốc vì an ninh

Tổng thống Obama sẽ ngăn chặn Trung Quốc trong thương vụ mua lại Aixtron. Ảnh: Bloomberg

Thời gian qua, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc có hoạt động thương mại không công bằng gây hại đến người lao động Mỹ. Ông từng tuyên bố sẽ áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đạt mức kỷ lục 15,3 tỉ USD trong năm 2015, theo báo cáo của Tập đoàn Rhodium.

Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời PV tại Bắc Kinh: “Một thỏa thuận mua bán cần được xem xét dựa trên tiêu chuẩn thương mại và nguyên tắc của thị trường. Chúng tôi không muốn thế giới phá vỡ các hoạt động thương mại dưới góc độ chính trị hoặc có sự can thiệp của chính trị”.

Những vụ đầu tư đáng chú ý của công ty Trung Quốc bao gồm: WH Group mua lại công ty thực phẩm Smithfield Foods năm 2013, hay vụ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc mua lại Công ty Syngenta hồi tháng 8.

Hiện CFIUS và Công ty Grand Chip chưa có bất kỳ bình luận nào. Vụ việc lần này đánh dấu lần thứ hai Tổng thống Obama ngăn chặn một thương vụ mua lại từ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Trước đó vào năm 2012, ông đã can thiệp vào việc Tập đoàn Ralls của Trung Quốc mua lại trang trại điện gió gần căn cứ hải quân ở bang Oregon. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cũng ngăn Trung Quốc mua lại nhà máy sản xuất bộ phận máy bay MAMCO Manufacturing.

Tháng trước, trong một báo cáo trình lên Quốc hội, Ủy ban Giám sát kinh tế và an ninh Mỹ-Trung cho biết CFIUS nên ưu tiên dừng các hoạt động mua lại công ty Mỹ của Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh dùng các công ty này như là “công cụ để theo đuổi các mục tiêu về xã hội, công nghiệp và ngoại giao”.

Theo luật, tổng thống có 15 ngày để quyết định một vấn đề của CFIUS sau khi hoàn thành điều tra và đưa ra sắc lệnh ngăn chặn thỏa thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm