Tại sao Mỹ đóng cửa lãnh sự Nga ở Seattle?

Mỹ ngày 26-3 tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga đồng thời đóng cửa lãnh sự quán Nga ở TP Seattle, bang Washington, nhằm thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Anh trong cáo buộc Nga là thủ phạm đầu độc cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal.

Bên cạnh lý do Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga - bị Mỹ xác định điệp viên giả danh - thì lý do đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle được nhiều người quan tâm.

Nói với AP, một số quan chức cấp cao chính phủ Trump cho biết Mỹ lo ngại tình báo Nga có thể dùng lãnh sự quán như một cơ sở do thám hoạt động hải quân Mỹ.

Lãnh sự quán Nga ở Seattle cách căn cứ hải quân Kitsap-Bangor của Mỹ chưa tới 50 km. Căn cứ Kitsap-Bangor là nơi tập trung hơn một nửa tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ - một quan tâm lớn của Nga. Có thể kể đến tàu ngầm tàng hình lớp Ohio được trang bị tên lửa xuyên lục địa, nhiều tàu ngầm tấn công lớp Seawolf. Với lượng lớn tàu ngầm và các loại tàu chiến khác, Kitsap-Bangor được đánh giá như hạm đội hải quân lớn thứ ba của Mỹ.

Cá heo được huấn luyện bảo vệ căn cứ Kitsap-Bangor. Ảnh: US NAVY

Cá heo được huấn luyện bảo vệ căn cứ Kitsap-Bangor. Ảnh: US NAVY

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia vũ khí, căn cứ Kitsap-Bangor còn được xem là kho vũ khí hạt nhân lớn nhất của Mỹ, nếu không muốn nói lớn nhất thế giới.

“Nói tổng quát, có từ 2-3 tàu ngầm tại cảng với 200-300 vũ khí. Ngoài ra, căn cứ Bangor cũng có thể lưu trữ vài trăm đầu đạn hạt nhân nữa” - chuyên gia Lisbeth Gronlund, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu tại Liên đoàn Các nhà khoa học chuyên ngành nói với CNBC.

Điểm thú vị là quanh căn cứ hải quân này có rất nhiều cá heo, chúng được xem là lực lượng bảo vệ căn cứ và nhận diện mìn. Từ thập niên 1960, hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo và sư tử biển hoạt động bên cạnh thủy thủ và thủy quân lục chiến Mỹ.

Ngoài ra, Seattle còn là nơi tọa lạc nhiều cơ sở của tập đoàn quốc phòng Boeing.

Trong khi đó Nga từng được biết đã ít nhất một lần sử dụng các cơ sở ngoại giao của mình ở Mỹ để do thám căn cứ hải quân Mỹ. Khu phức hợp ngoại giao của Nga ở bang Maryland - bị chính phủ Obama đóng cửa cuối năm 2016 trừng phạt Nga can thiệp bầu cử - có trang bị các thiết bị điện tử để dò tìm tín hiệu chuyển tới căn cứ hải quân Mỹ ở TP Norfolf ở bang láng giềng Virginia.

Tàu ngầm tàng hình USS Henry M. Jackson lớp Ohio trang bị tên lửa đạn đạo. Ảnh: US NAVY

Tàu ngầm tàng hình USS Henry M. Jackson lớp Ohio trang bị tên lửa đạn đạo. Ảnh: US NAVY

Seattle từng là nơi Mỹ đã bắt hai điệp viên nằm vùng của Nga - cặp vợ chồng Michael Zottoli và Patricia Mills - trong một cuộc bố ráp của FBI năm 2010 phá một đường dây tình báo thuộc Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga.

Thời điểm chính phủ Obama lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai khu nhà ngoại giao Nga ở Maryland cuối năm 2016, Nga đã không trả đũa liền, nói để chờ xem chính phủ Trump sẽ làm gì. Sau khi chính phủ Trump ký lệnh trừng phạt Nga can thiệp bầu cử, Nga phản ứng dữ dội, trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao và tịch thu ba khu phức hợp ngoại giao của Mỹ. Mỹ sau đó vào cuộc trả đũa, lệnh đóng cửa lãnh sự Nga ở San Francisco (bang California), một văn phòng lãnh sự ở New York, một văn phòng đại sứ ở thủ đô Washington.

Seattle là nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Nga đông. Theo ông David Gomez, cựu quan chức phản gián FBI ở Seattle, nhân viên lãnh sự quán Nga ở Seattle có thể sẽ là mục tiêu trục xuất tiếp theo của Mỹ nếu làn sóng trả đũa ngoại giao còn tiếp diễn.

“San Francisco, lãnh sự quán lớn nhất ở bờ Tây đã đóng cửa, vì thế không ngạc nhiên khi Seattle là mục tiêu tiếp theo trong danh sách” - ông Gomez nói với The Daily Beast.

Theo ông Gomez, việc lãnh sự ở San Francisco đóng cửa có thể khiến lãnh sự ở Seattle trở nên quan trọng hơn với các nhân viên tình báo Nga. Thêm nữa, đà phát triển của công nghiệp công nghệ ở Seattle có thể là điểm thu hút tình báo Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm