Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài nặng trong nhẹ

CNN ngày 7-8 dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa một phái đoàn sang Mỹ trong hai ngày tới để đối thoại về các bất đồng hiện tại giữa hai đồng minh NATO này.

Các nguồn tin của Daily Sabah cũng xác nhận thông tin này, cho biết quan chức hai bên đã khẳng định ý muốn cùng phát triển quan hệ ngoại giao và giải quyết bất đồng.

Theo các nguồn tin này, Mỹ-Thổ đã đạt được một số tiền thỏa thuận về một số vấn đề, trong đó có bàn bạc về quyết định mới đây của Mỹ trừng phạt hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và hai bên sẽ duy trì các cuộc gặp gỡ đối thoại trực tiếp.

Mỹ trừng phạt, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lao đao

Tuần trước, Mỹ áp trừng phạt lên các bộ trưởng tư pháp và nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng hai ông này có vai trò trong việc bắt giữ mục sư Andrew Brunson. Theo đó, hai vị này bị phong tỏa tài sản ở Mỹ và bị cấm giao dịch với công dân Mỹ.

Mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam vì bị cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh:

Mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam vì bị cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CLARION PROJECT

Mục sư người Mỹ Brunson đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn hai thập niên qua, bị cáo buộc có liên hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là thủ phạm đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016. Mục sư Brunson bị bắt giam hai năm, vừa được thả tuần trước và đang bị quản thúc tại gia. Chính phủ Trump yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả ngay mục sư này.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án lệnh trừng phạt của Mỹ can thiệp thô bạo vào tiến trình tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ trả đũa, sẽ phong tỏa tài sản của các bộ trưởng tư pháp và nội vụ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu có.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Có ý kiến rằng bước trừng phạt của Mỹ cho thấy ông Erdogan đã chủ quan, đánh giá quá cao quan hệ riêng tư của mình với ông Trump. Ảnh:

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Có ý kiến rằng bước trừng phạt của Mỹ cho thấy ông Erdogan đã chủ quan, đánh giá quá cao quan hệ riêng tư của mình với ông Trump. Ảnh: AFP

Quyết định trừng phạt của Mỹ đã gây áp lực tài chính và kinh tế nặng nề lên Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin này đã khiến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-8 giảm kỷ lục 5,5%, xuống 5,4250 Lira ăn một USD, mức giảm mạnh nhất trong gần 10 năm nay. Đồng Lira đã mất 27% giá trị từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán nước này cũng chao đảo.

Chưa hết, cuối tuần rồi, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói đang cân nhắc lại chuyện miễn thuế hàng Thổ Nhĩ Kỳ như trước nay, sau khi nước này đánh thuế nhập khẩu lên hàng Mỹ, trả đũa việc Mỹ đánh thuế lên nhôm và thép của mình. Nếu Mỹ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ không phải tốn thuế, tự do tiếp cận thị trường mình nữa thì sẽ có khoảng 1,7 tỉ đô hàng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng mỗi năm.

Liệu có hòa nhau?

Nguy cơ bị hủy quyền miễn chịu thuế nhập khẩu cũng như lệnh trừng phạt khiến các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ thêm lo lắng, vì vốn họ đã rất bất an về nền kinh tế dễ tổn thương của nước này.

Vì thế, dù ông Erdogan cứng rắn thế nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng nhiều lần nói nước này muốn giải quyết các bất đồng với đồng minh Mỹ. Cuối tuần rồi ông Cavusoglu đã có buổi gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Singapore.

Ngay sau khi có tin phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang Mỹ đối thoại, tỉ giá đồng Lira đã tăng chút ít trở lại.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa) đến tham dự hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Singapore ngày 2-8. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa) đến tham dự hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Singapore ngày 2-8. Ảnh: REUTERS

Về phía Mỹ, theo cựu nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Aykan Erdemir hiện nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Quốc phòng vì Dân chủ (Mỹ), trừng phạt các quan chức cấp cao một nước đồng minh là bước đi nghiêm trọng. Theo ông Erdemir, đây là diễn biến bất ngờ với ai trước nay luôn dõi theo và phân tích quan hệ Mỹ-Thổ, và qua diễn biến này có thể thấy được mức độ căng thẳng nguy hiểm trong quan hệ Mỹ-Thổ hiện nay.

Từ hai năm nay, sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ-Thổ đã luôn trong tình trạng bất đồng. Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đòi Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ. Từ nửa cuối năm 2017 Mỹ-Thổ lại dồn dập căng thẳng quanh bất đồng chính sách về Syria, về vai trò của lực lượng tay súng người Kurd ở Syria, về mức độ kiềm chế Iran. Và rồi giờ tới vụ này.

Nhà nghiên cứu cấp cao Amanda Sloat tại Viện chính sách Brookings vốn là quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chính phủ Trump đã cứng rắn quá mức với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó nhà phân tích Rachel Ziemba tại Trung tâm vì một nước Mỹ mới cho rằng diễn biến trừng phạt này có thể sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào thế không thể nhường bước Mỹ, vì áp lực trong nước.

Một điều nghiêm trọng nữa, căng thẳng Mỹ-Thổ có thể ảnh hưởng đến các cuộc khủng hoảng khu vực, như cuộc chiến ở Syria, nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng Nga ở Trung Đông của Mỹ, khả năng kiềm chế Iran của Mỹ. Tất cả điều này, lâu nay Mỹ đã không nhận được nhiều sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Và với diễn biến căng thẳng mới này Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng lạnh nhạt hơn. Và Mỹ chắc chắn không muốn điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm