G7 sắp khai mạc, từng thành viên đang muốn gì?

Hội nghị G7 sẽ diễn ra ở La Malbaie, Quebec (Canada) trong hai ngày 8 và 9-6 (giờ địa phương). Hội nghị hứa hẹn sẽ rất kịch tính khi chính phủ Trump gần đây có nhiều quyết định đi ngược lại quyền lợi của các thành viên G7. Hãy cùng các chuyên gia nhận diện vị thế và mong muốn của từng thành viên G7 tại hội nghị này.

Theo chuyên gia Natasha Ezrow tại ĐH Essex (Anh), vị thế của Mỹ tại G7 lần này sẽ rất phức tạp. Lý do thì có nhiều nhưng hàng đầu vẫn là cách tiếp cận cứng rắn trong chính sách thương mại của Mỹ với các nước.

Hàng loạt đồng minh của Mỹ trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico đang rất bất mãn với quyết định áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm các nước này. Tất cả các nước G7 đều đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cân nhắc đến tác động của quyết định này với kinh tế toàn cầu, cũng như chuẩn bị các biện pháp trả đũa Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị cô lập tại hội nghị G7 lần này. Ảnh: EPA

Nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị cô lập tại hội nghị G7 lần này. Ảnh: EPA

Mỹ cũng theo đuổi chính sách không hợp tác về biến đổi khí hậu. Một số quan chức chính phủ Trump thậm chí từ chối dùng đến cụm từ “biến đổi khí hậu”, thay vào đó họ chỉ nói “sự co giãn của môi trường”. Chính phủ Trump tuyên bố rõ vẫn đang xem xét chính sách của mình về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Paris.

Một điều nữa, không thể không nhắc đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là một cú thúc mạnh với nhiều nước G7 vốn vẫn đang nỗ lực thực hiện và duy trì thỏa thuận.

Theo chuyên gia Steve Hewitt tại ĐH Birmingham (Anh), là nước lần đầu tiên làm chủ nhà hội nghị, Canada vốn được cho sẽ là trung tâm chú ý toàn cầu với lịch làm việc của G7 tập trung về bình đẳng giới. Tuy nhiên điều này sẽ bị chính sách cứng rắn về thương mại của ông Trump lấn át. Canada không hài lòng về điều này, đặc biệt khi các chính sách Mỹ gây thiệt hại cho mình.

Canada không phải là nước duy nhất tức giận với chính sách thương mại Mỹ. Có thông tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang được thuyết phục dẫn đầu nỗ lực cô lập Mỹ tại G7 lần này. Nếu làm thế ông Trudeau sẽ có lợi trong cuộc bầu cử 2019, tuy nhiên có nguy cơ sẽ chọc tức Mỹ hơn. Và theo chuyên gia Hewitt, nếu điều đó xảy ra Canada cuối cùng sẽ là nước chịu thiệt nhiều nhất.  

Có thông tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) đang được thuyết phục dẫn đầu nỗ lực cô lập Mỹ và Tổng thống Donald Trump (phải) tại G7 lần này. Ảnh: EPA

Có thông tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) đang được thuyết phục dẫn đầu nỗ lực cô lập Mỹ và Tổng thống Donald Trump (phải) tại G7 lần này. Ảnh: EPA

Có ba thách thức hàng đầu trong danh sách vấn đề Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mang tới hội nghị G7, theo chuyên gia Ra Mason tại ĐH Đông Anglia (Anh). Thứ nhất, với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, đối mặt hàng loạt bê bối, ông Abe cần nhân sự kiện G7 này nâng vị thế của mình và đảm bảo với các nước rằng liên minh Nhật-Mỹ vẫn ổn.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) đến hội nghị G7 với tâm thế chịu nhiều áp lực. Ảnh: EPA

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) đến hội nghị G7 với tâm thế chịu nhiều áp lực. Ảnh: EPA

Ông Abe cũng cần đảm bảo Nhật sẽ không bị Mỹ bỏ rơi trong vấn đề Triều Tiên, rằng chuyện Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật sẽ được ông Trump nhắc đến khi gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore này 12-6 tới. Thách thức của ông Abe là vừa phải duy trì cứng rắn với Triều Tiên vừa không gây khó xử cho Mỹ.

Cuối cùng, như nhiều lãnh đạo G7 khác, ông Abe chắc chắn cũng muốn bàn về chuyện Mỹ áp thuế nhập khẩu lên đồng minh.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một trong những nước bảo vệ sự hợp tác qua lại giữa các nước quyết liệt nhất thế giới, Đức có vị thế rất quan trọng trong việc bảo vệ hòa khí G7, theo chuyên gia Demmis Schmidt tại ĐH Durham (Anh). Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, áp thuế lên các đồng minh, phái đoàn Đức đến Canada sẽ phải chuẩn bị đón nhận các cuộc tranh luận dữ dội giữa các thành viên.

G7 sẽ là một kỳ hội nghị khó khăn với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: EPA

G7 sẽ là một kỳ hội nghị khó khăn với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: EPA

Là một trong ba nước xuất khẩu hàng đầu toàn cầu, Đức rất quan tâm đến việc mở cửa thị trường và tự do thương mại. Thỏa thuận hạt nhân Iran – thỏa thuận Đức đã bỏ nhiều công sức thương lượng cũng là điều Đức quan tâm tại hội nghị này. Để bảo vệ được quyền lợi an ninh mình thì Đức cần có cách tiếp cận tích cực và tránh căng thẳng với Mỹ.

Biến đổi khí hậu cũng là một ưu tiên hàng đầu của Đức – vốn là chủ nhân của một trong những chính sách khí hậu tham vọng nhất trong số các nước công nghiệp phương Tây và rất ủng hộ thỏa thuận Paris. Với nhiệm vụ nặng nề thế thì G7 sẽ là một kỳ hội nghị khó khăn với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thời hạn tách khỏi EU (Brexit) đang đến gần, Anh đang cần rất nhiều thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với tất cả các nước G7. Vì vậy theo chuyên gia Victoria Honeyman tại ĐH Leeds (Anh), Anh đến hội nghị lần này với tâm thế thân thiện và hòa giải.

Anh và Thủ tướng Theresa May đến hội nghị G7 lần này với tâm thế thân thiện và hòa giải. Ảnh: EPA

Anh và Thủ tướng Theresa May đến hội nghị G7 lần này với tâm thế thân thiện và hòa giải. Ảnh: EPA

Tuy nhiên mọi thứ sẽ không dễ dàng khi các nước khác đang đặc biệt bất mãn với chính sách thương mại Mỹ. Nếu đứng về phía Mỹ, Anh sẽ đặt mình vào thế khó xử. Nếu đứng về phía các nước G7, Anh chắc chắn sẽ khiến ông Trump – người đang định sẽ thăm Anh vào tháng 7 tới - tức giận.

Theo chuyên gia Honeyman, Anh sẽ cố dung hòa hai bên, trường hợp bất khả kháng Anh khả năng lớn sẽ chọn đứng về phía Mỹ.

Hai ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại G7 là thương mại và an ninh. Với ông Macron, chính sách thương mại bảo hộ của ông Trump không chỉ đe dọa đến quyền lợi kinh tế Pháp mà còn là một thách thức với an ninh liên minh.

Điều là ông Macron bất mãn không chỉ là chuyện Mỹ áp thuế nhập khẩu lên nhôm, thép mình mà còn vì ông Trump chỉ trích các nước NATO không chia sẻ chi phí quốc phòng, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dẫn đến hệ lụy là các công ty châu Âu trong đó có Pháp sẽ bị trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran.

Với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải), chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) không chỉ đe dọa đến quyền lợi kinh tế Pháp mà còn là một thách thức với an ninh liên minh. Ảnh: EPA

Với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải), chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) không chỉ đe dọa đến quyền lợi kinh tế Pháp mà còn là một thách thức với an ninh liên minh. Ảnh: EPA

Theo chuyên gia Andrew Glencross tại ĐH Aston (Anh), tại G7 lần này ông Macron sẽ không bỏ qua cơ hội chỉ trích các chính sách đơn phương có rủi ro hủy hoại an ninh toàn cầu, vì sẽ khiến các nước chỉ biết thu vén quyền lợi của mình. Nguy cơ này đã thấy rõ với việc Iran dọa sẽ tái khởi động làm giàu uranium.

Với Ý, G7 lần này là cơ hội liên minh cầm quyền mới do tân Thủ tướng Ý Giuseppe Conte dẫn đầu trình làng chính sách đối ngoại của mình với thế giới, theo chuyê gia Felia Allum tại ĐH Bath (Anh).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm