Chuyên gia Nga: Không ngạc nhiên nếu Nga triệu hồi đại sứ ở Mỹ

Gần một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, quan hệ hai nước chẳng những không được cải thiện mà còn leo thang căng thẳng, bất đồng.

Ngày 8-8, Mỹ thông báo sẽ chính thức áp đặt trừng phạt lên Nga từ ngày 22-8 tới, vì cáo buộc Nga là thủ phạm dùng chất độc hóa học Novichok đầu độc cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal tại Anh đầu tháng 3. Bên cạnh đó Mỹ còn dọa sẽ áp thêm một đợt trừng phạt “hà khắc hơn” lên Nga sau 90 ngày nữa nếu Nga không đảm bảo từ bỏ sử dụng vũ khí hóa học và cho phép thanh tra quốc tế vào kiểm tra lời hứa này.

Ngoài ra, tuần trước một nhóm thượng nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ Mỹ đề xuất lên Quốc hội Mỹ một dự luật ngăn cản hoạt động của một số ngân hàng nhà nước Nga đang hoạt động tại Mỹ. Theo đó, các ngân hàng này sẽ không được phép giao dịch với các khách hàng Mỹ và bị hạn chế sử dụng đồng USD.

Ngày 10-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh cáo mọi hành động cản trở hoạt động các ngân hàng Nga của Mỹ sẽ bị Nga xem là lời tuyên bố chiến tranh kinh tế và Nga sẽ trả đũa lại “bằng kinh tế, chính trị và bằng các biện pháp khác nữa, nếu cần thiết”. Ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ “lên các biện pháp trả đũa” nếu Mỹ áp dụng trừng phạt.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẵn sàng chiến tranh kinh tế với Mỹ. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẵn sàng chiến tranh kinh tế với Mỹ. Ảnh: REUTERS

Nhận định về bước đi trừng phạt của Mỹ, chuyên gia Andrey Kortunov – Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga cho rằng động thái trừng phạt là một nỗ lực nhằm cứu vãn uy tín trên trường quốc tế của Mỹ. Có thể thấy thời gian này Mỹ chịu hàng loạt chính sách thất bại của Mỹ ở Syria, đình trệ trong quan hệ với châu Âu và Trung Quốc. Ngoài ra phải kể đến chuyện ông Trump đang hứng chỉ trích mạnh từ trong nước sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin ở Helsinki (Phần Lan) tháng trước.

“Đây là một nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm chứng tỏ ai mới là ông chủ trong chính trị quốc tế. 2-3 năm nay vai trò tổng tư lệnh của Mỹ trong các vấn đề quốc tế bị nghi ngờ và Nga được chọn như một kẻ thế thân trong lúc Mỹ cố gắng tái thiết lập kiểm soát” – theo ông Kortunov.

Trong khi đó Giáo sư Khoa học chính trị Leonid Polyakov tại Trường Kinh tế cao cấp (Nga), cho rằng chính phủ Trump làm vậy là muốn thể hiện mình mạnh tay với Nga, cố tìm ưu thế trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.

Theo ông Polyakov, chuyện chỉ biết trừng phạt tiếp nối trừng phạt cho thấy Mỹ nghèo ý tưởng nên đối phó Nga thế nào.

“Như người ta nói, khi không biết làm gì thì ít nhất làm điều mình biết. Tình hình quốc tế cho thấy không bên nào không bị tổn thất trong việc này, ai cũng biết trừng phạt không mang lại hiệu quả gì. Nhưng đây lại là công cụ đơn giản, dễ nghĩ tới và là một biện pháp Mỹ từng nhiều lần dùng đến trước nay. Đây gần như là một phản ứng lặp lại” – Russia Today dẫn lời ông Polyakov.

Về yêu cầu của Mỹ rằng Nga phải đảm bảo từ bỏ sử dụng vũ khí hóa học và cho phép thanh tra quốc tế vào kiểm tra lời hứa này, theo GS Polyakov, Mỹ chắc chắn đoán được Nga sẽ không bao giờ chấp nhận đòi hỏi này.

“Về lịch sử, dưới sự lãnh đạo hiện tại Nga không bao giờ làm hai điều. Thứ nhất, Nga không bao giờ thay đổi quan điểm chính thức về các vấn đề hay sự việc quốc tế - như chuyện ông Skripal. Nga sẽ không trở ngược và nói “Xin lỗi, chúng tôi thật sự đã đầu độc ông ta”. Thứ hai, ông Vladimir Putin sẽ không bao giờ đồng ý bất cứ nhượng bộ đơn phương nào. Mọi đề nghị trước đây Nga từng thực hiện đều dựa trên nền tảng có qua có lại” – ông Polyakov nói với Russia Today.

Với diễn biến này, đa số các nhà phân tích đồng tình Nga chắc chắn sẽ có phản ứng với động thái trừng phạt từ Mỹ, chỉ băn khoăn về mức độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16-7 tại Helsinki (Phần Lan). Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16-7 tại Helsinki (Phần Lan). Ảnh: REUTERS

Bất kể tình hình Nga-Mỹ đang rất căng, GS Polyakov vẫn tin tưởng chuyện hai cường quốc hạt nhân leo thang thêm căng thẳng đến mức không thể kiểm soát được là chuyện không thực tế, không thể xảy ra.

“Mọi đề xuất giáng cấp quan hệ ngoại giao thiên về mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất, khi hai bên vẫn thường xuyên duy trì liên lạc dù không thông qua các kênh ngoại giao mà qua các ban ngành chính phủ, chẳng hạn như ở Syia” – ông Polyakov nói, muốn nhắc đến đường dây nóng quân sự hai nước thiết lập ở Syria.

Tuy nhiên, chuyên gia Kortunov thì không lạc quan như thế: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Nga triệu hồi đại sứ tại Mỹ như một biện pháp phản ứng với Mỹ”.

Theo ông Kortunov, cho rằng một khi điều này xảy ra mọi kế hoạch, thỏa thuận hai bên đạt được ở thượng đỉnh Trump-Putin tại Helsinki sẽ tan thành mây khói.

Nhà báo, nhà phân tích chính trị Vladimir Kornilov tại hãng tin RIA cũng lo ngại “nguy cơ đổ vỡ quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ… hy vọng phía Mỹ sẽ hiểu ra và dừng lại trước bờ vực”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm