Chặng đường lâm nạn của Tổng Giám đốc IMF- Bài 1: Ba vụ tai tiếng đều thoát nạn

Ngày 1-11-2007, khi được đề cử giữ chức tổng giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn đã trở thành gương mặt sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012. Tuy nhiên, sau vụ tai tiếng ở New York, ông Jacques Attali, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nguyên cố vấn cho Tổng thống Pháp François Mitterrand, đã phải thốt lên: “Trừ phi trong vụ này có dàn dựng chứ tôi không nghĩ ông Dominique Strauss-Kahn lại có thể trở thành ứng cử viên tổng thống”.

Hoặc bộ trưởng hoặc giải Nobel

Ông Dominique Strauss-Kahn sinh ngày 25-4-1949 tại Neuilly-sur-Seine thuộc tỉnh Hauts-de-Seine ở vành đai thủ đô Paris (Pháp). Xuất thân từ gia đình hoạt động đấu tranh cho phong trào cánh tả, ông đã nhanh chóng định hướng cho con đường chính trị của mình sau phần lớn thời gian thơ ấu sống dưới ánh nắng mặt trời Agadir (Morocco). Chưa đầy 20 tuổi, ông đã từng hỏi bạn bè một cách nghiêm túc: “Như tui thì trở thành bộ trưởng tài chính hay lấy giải Nobel Kinh tế đây nhỉ?”.

Kinh tế là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp của ông bởi các bằng cấp của ông đều liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Trong những năm 1970, từ một người chủ trương phải phá vỡ guồng máy đẻ ra tầng lớp người nghèo, ông chuyển hướng theo nhà kinh tế học cải cách người Anh John Maynard Keynes (1883-1946) với học thuyết kinh tế tôn vinh vai trò can thiệp của nhà nước trong điều phối chủ nghĩa tư bản.

Chặng đường lâm nạn của Tổng Giám đốc IMF- Bài 1: Ba vụ tai tiếng đều thoát nạn ảnh 1

Biếm họa của Paresh Nath, báo THE KHALEEJ TIMESở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (Chữ trong ảnh: Solution to euro debt = Giải pháp cho nợ châu Âu; Sex scandal = Tai tiếng tình dục; French politics = Hoạt động chính trị Pháp).

Năm 1976, ông gia nhập đảng Xã hội Pháp. Khi cánh tả lên cầm quyền ở Pháp năm 1981 với chủ soái là Tổng thống François Mitterrand, ông sẵn sàng từ chối vào làm việc trong văn phòng của bộ trưởng Tài chính để làm nhà kinh tế trưởng cho đảng Xã hội.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1986 khi đảng Xã hội trở về với tư thế đảng đối lập. Sau một thời gian dài giữ chức quốc vụ khanh ở Bộ Công nghiệp và Ngoại thương từ năm 1991-1993, đến năm 1997, ông đã đạt được ước mơ thời trẻ khi được bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp. Từ lúc này, báo chí Pháp quen gọi tắt tên ông là DSK.

Giã từ tai tiếng để trở lại chính trường

Sau đó, ngôi sao DSK mờ dần. Năm 1999, Bộ trưởng Dominique Strauss-Kahn từ chức sau ba vụ tai tiếng.

. Năm 1998, nổ ra vụ Quỹ Trợ cấp sinh viên quốc gia Pháp. Tòa mở cuộc điều tra về cáo buộc trong nhiều thập niên, Quỹ đã áp dụng phương pháp quản lý mờ ám (sử dụng hóa đơn giả, trả lương thoải mái cho lãnh đạo…) nhằm làm giàu cho một số cá nhân, tạo điều kiện thủ lợi cho bộ máy lãnh đạo của Quỹ và nhiều nhân vật trong đảng Xã hội.

Riêng Bộ trưởng Dominique Strauss-Kahn được Quỹ Trợ cấp sinh viên quốc gia Pháp trả 0,6 triệu franc vào năm 1997 do có công thương lượng để công ty cấp nước tham gia đầu tư cho Quỹ. Ông bị cáo buộc sử dụng hóa đơn ghi khống. Trước tòa, ông chỉ thừa nhận có nhầm lẫn trong công tác hành chính.

. Năm 2000, xảy ra vụ Jean-Claude Méry. Nhân vật này hành nghề môi giới bất động sản (qua đời năm 1999), năm 1996 có quay video thú nhận có hoạt động làm ăn mờ ám cho đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa. Bộ trưởng Dominique Strauss-Kahn thú nhận chính ông là người giữ băng video từ năm 1999 nhưng biện bạch rằng ông không xem qua nội dung băng nên không biết gì trong băng.

. Đến tháng 1-2000, ông Dominique Strauss-Kahn lại bị nghi ngờ có liên quan đến mạng lưới chi trả thưởng mờ ám của Tập đoàn Điện lực Pháp.

Năm 2006, tức bảy năm sau khi từ chức bộ trưởng, ông trở lại chính trường Pháp khi đăng ký tranh ứng cử viên tổng thống, tuy nhiên thất bại thảm hại trong vòng bầu cử sơ bộ ở đảng Xã hội. Năm sau, bạn ông là Thủ tướng Jean-Claude Juncker của Luxembourg đã đề cử ông giữ chức vụ tổng giám đốc IMF.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 nghịch lý thay lại trở thành cơ may của ông. Với tư cách tổng giám đốc, ông đã củng cố hình ảnh của IMF. Ông là người đầu tiên thúc đẩy các nước công nghiệp hóa thực hiện các chính sách kích thích kinh tế quan trọng để ngăn chặn khủng hoảng. Ông cũng đã thành công khi cải thiện hình ảnh của các nước mới nổi trong bộ máy IMF.

Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn thông thạo nhiều thứ tiếng và được xem là thành phần trí thức ưu tú của Pháp. Ông từng thi trượt vào Trường Quản trị quốc gia nhưng đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Paris (năm 1971), Học viện Nghiên cứu chính trị Paris (năm 1972), Học viện Nghiên cứu thống kê thuộc Đại học Paris-VI.

Sau khi lấy bằng cử nhân luật công, ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ kinh tế học ở Đại học Paris-X năm 1975. Luận án của ông công bố năm 1977 có tựa đề Kinh tế gia đình và tích lũy gia sản. Năm 1978, ông giảng dạy tại Đại học Nancy-II và năm 1981 tại Đại học Paris-X. Ông đã tham gia giảng dạy tại Trường Quản trị quốc gia, Trường Cao đẳng Thương mại Paris, Học viện Nghiên cứu chính trị Paris ở Pháp và Đại học Stanford ở Mỹ.

__________________________________________________

Điều tôi thấy tai tiếng đó là các ngân hàng hiện nay lại tiếp tục trở lại với thói quen hồi trước khủng hoảng tài chính, đặc biệt là về lương thưởng. Tôi nghe một số nhà chính trị nói chưa bao giờ có chuyện như vậy. Kết quả là tiền thưởng y như trước. Tôi nói rõ cách thưởng trong hệ thống tài chính như thế sẽ dẫn đến tội phạm.

Tổng Giám đốc IMF DOMINIQUE STRAUSS-KAHN phát biểu trên báo Le Parisien (Pháp) ngày 21-2

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm