Cán cân quân sự giữa Nga và Ukraine

Nga-Ukraine đang trong giai đoạn căng thẳng nhất kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014, khi Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine ở eo biển Kerch thuộc biển Đen.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 27-11 cảnh báo nguy cơ “chiến tranh toàn diện” với Nga, một ngày sau khi ông “có căn cứ nghiêm túc để tin rằng Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ”. Ngày tiếp theo ông Poroshenko tuyên bố sẽ “chuẩn bị quân đội” và “tăng cường biên giới” đối phó với Nga.

Trước đó, một ngày sau khi xảy ra sự việc Ukraine báo động toàn diện quân đội, ngày sau đó nữa ban bố thiết quân luật trong 30 ngày tại các khu vực lân cận biển Azov và biển Đen, một phần biên giới với vùng Transnistria của Moldova - nơi binh sĩ Nga đang đóng quân.

Phần mình, Nga tuyên bố những hành động tương tự như vụ việc ở eo biển Kerch sẽ kéo theo “hậu quả nghiêm trọng” và Nga sẽ đối phó cứng rắn với mọi động thái vi phạm chủ quyền Nga.

Quân nhân thuộc Quân khu miền Nam của Nga - bao quát Crimea và các vùng biên giới với Ukraine – trong một cuộc huấn luyện năm 2016. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Quân nhân thuộc Quân khu miền Nam của Nga - bao quát Crimea và các vùng biên giới với Ukraine – trong một cuộc huấn luyện năm 2016. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Nga đã “bắt đầu thử nghiệm sức sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội của Quân khu miền Nam”, khu vực bao quát Crimea và các vùng biên giới với Ukraine. Theo Newsweek, một số xe tải quân sự của Nga đã di chuyển hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển 3K60 Bal đến Crimea. Ngày 28-11 Nga thông báo sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến đất đối không S-400 đến Crimea “càng sớm càng tốt”.

Giữa lúc căng thẳng đang có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh, nhiều chuyên gia bắt đầu bàn tới sức mạnh quân đội giữa hai nước, theo Newsweek ngày 28-11. Đại đa số các chuyên gia đều nhận định quân đội Nga đông hơn về số lượng binh sĩ, vũ khí cũng như mạnh hơn về hỏa lực.

Binh sĩ

Các lực lượng vũ trang Ukraine được đặt vào tình trạng báo động cao một ngày sau khi xảy ra chuyện 3 tàu bị Nga bắt. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Ukraine, hiện quân đội nước này có 250.000 quân nhân trong đó có 204.000 binh sĩ.

Binh sĩ Ukraine tại một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea thời điểm tháng 3-2014, thời điểm Crimea bị Nga sáp nhập. Hàng ngàn binh sĩ Ukraine đã rời khỏi Crimea sau khi lãnh thổ này thuộc về Nga. Ảnh: GETTY IMAGES

Binh sĩ Ukraine tại một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea thời điểm tháng 3-2014, thời điểm Crimea bị Nga sáp nhập. Hàng ngàn binh sĩ Ukraine đã rời khỏi Crimea sau khi lãnh thổ này thuộc về Nga. Ảnh: GETTY IMAGES

Con số này quá khiêm tốn với 1,9 triệu quân nhân của Nga, tính theo thời điểm năm 2018. Chi phí quân sự của Nga năm 2017 ở mức 66,3 tỉ USD so với chỉ 3,6 tỉ USD của Ukraine, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Xe tăng

Quân đội Nga có lượng xe tăng lớn nhất thế giới, với 20.000 xe. Ukraine năm ngoái nói chỉ số xe tăng mà Nga mang sang hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine đã là 680 chiếc, hơn cả số xe tăng của cả Anh và Đức cộng lại. Dĩ nhiên Nga luôn bác bỏ chuyện hỗ trợ quân sự cho phe ly khai ở Đông Ukraine.

Xe tăng của Nga. Ukraine không thể so được Nga về số xe tăng, khi Nga là nước có lượng xe tăng lớn nhất thế giới. Ảnh: SPUTNIK

Xe tăng của Nga. Ukraine không thể so được Nga về số xe tăng, khi Nga là nước có lượng xe tăng lớn nhất thế giới. Ảnh: SPUTNIK

Hải quân

Một phần lớn sức mạnh hải quân Ukraine mất về tay Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea, chưa kể 3 tàu chiến Ukraine vừa bị Nga tịch thu. Trong khi đó Hạm đội biển Đen của Nga có hàng chục tàu chiến, và hải quân Nga sẽ nhận thêm 26 tàu nữa vào cuối năm nay. Trong bài viết trên CNN ngày 28-11, nhà bình luận quân sự Michael Bociurkiw nhận định Ukraine không đủ sức giao chiến với Nga trên biển, và nếu Nga có mở một cuộc tấn công đổ bộ lên bờ biển Azov thì cũng sẽ “không có nhiều chống cự”.

Ba tàu hải quân Ukraine bị Nga đưa về đậu tại cảng Kerch ở Crimea. Ảnh: REUTERS

Ba tàu hải quân Ukraine bị Nga đưa về đậu tại cảng Kerch ở Crimea. Ảnh: REUTERS

Máy bay

Hàng chục máy bay Ukraine về tay Nga khi Nga sáp nhập Crimea. Mà cho dù số máy bay này còn trong tay Ukraine thì cũng không có sức chiến đấu. Chuyên gia quân sự David Axe hồi tháng 4-2014 từng có bài viết rằng “16 chiếc Su-27, 24 chiếc MiG-29, 35 chiếc Su-24, và 24 chiếc Su-25 có thể bay được vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea một tháng trước, nhưng chỉ 15% đủ sức sẵn sàng chiến đấu”.

Mới tháng 10 này, sau vụ một chiếc Su-27UB1M rơi làm một phi công Ukraine và một phi công Mỹ thiệt mạng, chuyên gia quân sự Mykola Bielieskov đưa ra một đánh giá mới rằng “không quân Ukraine chỉ còn 17 chiếc Su-27; 21 chiếc MiG-29 Fulcrums – một loại máy bay chiến đấu chiến thuật tầm ngắn tương tự F-16; 13 chiếc Su-25 Frogfoot tấn công mặt đất; 12 chiếc máy bay ném bom siêu thanh Su-24; 46 chiếc máy bay huấn luyện L-39”. Ngoài ra Ukraine cũng có một số máy bay vận tải hạng nặng, máy bay và trực thăng do thám.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga. Ảnh: AFP

Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga. Ảnh: AFP

Trong khi đó, theo báo cáo Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nga, sức mạnh không quân Nga lớn hơn nhiều. Cụ thể Nga có tới 141 máy bay ném bom, 420 máy bay chiến đấu, 345 máy bay tấn công mặt đất, 215 máy bay tấn công, 32 máy bay tình báo điện tử, 22 máy bay cảnh báo, 6 máy bay chỉ huy và kiểm soát, 15 máy bay tiếp liệu, 122 máy bay vận tải hạng nặng và 198 máy bay huấn luyện. Trong số này có nhiều máy bay hiện đại mới đi vào sử dụng năm nay.

Từ năm 2014 Ukraine đã chú trọng cải tiến quân đội nhưng vẫn không thể so sánh được với Nga về sức mạnh hỏa lực, về khí tài và chi tiêu quân sự.

Ukraine thua về hỏa lực

Trong bài viết trên Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) hồi tháng 8, nhà phân tích quân sự Denys Kiryukhin cho biết sức mạnh quân sự của Ukraine đã giảm từ “780.000 binh sĩ, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu và hơn 500 tàu” thời Xô viết còn chỉ “184.000 binh sĩ, 700 xe tăng, 170 máy bay chiến đấu, 22 tàu chiến” thời điểm đầu năm 2013. Tuy nhiên ông Kiryukhin ghi nhận Ukraine đang có “tiến trình cải tổ toàn diện quân đội dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020”, và tiến trình này đang diễn ra suôn sẻ, thành công.

Xe tăng Ukraine. Ảnh: UNIAN

Xe tăng Ukraine. Ảnh: UNIAN

Chuyên gia Mykola Bielieskov hồi tháng 2 có bài viết trên The National Interest rằng “quân đội Ukraine đang trở lại”. Ông dẫn ra việc nước này tăng chi tiêu quân đội, phát triển tên lửa. Ông cũng cho biết quân đội Ukraine đã tăng tổng cộng 4.124 xe tăng và xe bọc thép trong năm 2014, 3.227 chiếc trong năm 2015, và 530 chiếc trong năm 2016. Chuyên gia Bielieskov kết luận “Ukraine đã thỏa mãn nhu cầu về xe tăng và xe bọc thép”.

Vũ khí hạt nhân

Sau khi tách ra khỏi Liên bang Xô viết đầu thập niên 1990, Ukraine giữ 5.000 vũ khí hạt nhân, trở thành nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới chỉ sau Nga và Mỹ. Tuy nhiên Ukraine thiếu công nghệ để sử dụng số vũ khí này cũng như thiếu quỹ để bảo dưỡng chúng. Thời gian qua, để duy trì quan hệ hòa bình với Nga, Ukraine đã chuyển giao cho Nga phần lớn số vũ khí hủy diệt hàng loạt và tiêu hủy số còn lại đổi lấy các khoản hỗ trợ.

Quan hệ giữa Ukraine và Nga dao động lên xuống trong những năm tiếp theo, đặc biệt xuống thấp sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych thất thế trong cuộc đua tổng thống Ukraine năm 2014 và Nga sáp nhập, đưa quân đến Crimea cũng như ủng hộ phe ly khai ở miền Đông. Vì không còn sức mạnh ngăn chặn hạt nhân và sức mạnh quân sự thông thường lại hạn chế, quân đội Ukraine không đủ sức chiếm lại Crimea và rất vất vả chống phe ly khai ở miền Đông, dù có sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự Mỹ và các lực lượng dân quân địa phương Ukraine huy động được.

Dù có đồng minh hỗ trợ Ukraine cũng khó thắng Nga

Mỹ, NATO, Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt đứng về phía Ukraine trong căng thẳng mới nhất này. Trước đó Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc Nga chiếm trái phép Crimea và ủng hộ phe đòi ly khai ở miền Đông Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2014 đến nay làm khoảng 10.000 người chết.

Một binh sĩ Ukraine bắn súng máy trong một cuộc giao tranh với các tay súng đòi ly khai ở TP Avdiivka, vùng Donetsk (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Một binh sĩ Ukraine bắn súng máy trong một cuộc giao tranh với các tay súng đòi ly khai ở TP Avdiivka, vùng Donetsk (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên vì Ukraine không phải là thành viên NATO nên liên quân này không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine trong trường hợp nước này có chiến tranh với nước khác. Điều đó đồng nghĩa Nga sẽ phải tự mình đối mặt với Nga. Mà theo các chuyên gia, dù NATO có can thiệp, các thiếu sót trong tổ chức và chiến lược có thể sẽ khiến liên minh chịu nhiều mất mát lớn khi đối mặt với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm