Ô tô của Nhật sẽ ra sao nếu bị Mỹ đánh thuế cao?

Nước Mỹ đã bước vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Canada và Mexico vì muốn cân bằng lợi ích thương mại. Và giờ đây có dấu hiệu ông Trump đang đưa Nhật, đồng minh thân cận, vào tầm ngắm tương tự.

Hiên nay, nước Nhật vẫn kỳ vọng thoát khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ vì Thủ tướng Shinzo Abe vốn là bạn chơi golf thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mối quan hệ hữu hảo này là lý do người Nhật tin rằng Tokyo sẽ không nằm trong tầm ngắm của ông Trump.

Tuy nhiên, người Nhật vẫn dâng trào nỗi sợ lớn khi ông Abe và ông Trump chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán về những bất đồng thương mại. Mà nỗi sợ lớn nhất của quốc gia này chính là việc Mỹ sẽ đánh thuế rất cao lên ngành xe hơi.

Ông Trump thường xuyên càu nhàu về mức thâm hụt lớn với Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong một bình luận trên tờ Wall Street Journal, ông thường xuyên nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp với Nhật nhưng “Điều này sẽ kết thúc nếu một khi tôi nói họ phải trả bao nhiêu tiền thuế”.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với nước Nhật là 68,8 tỉ USD, chỉ xếp thứ ba sau Trung Quốc (375 tỉ USD) và Mexico (71 tỉ USD). Nếu tính toàn bộ tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới là 796 tỉ USD thì Nhật đã chiếm gần 9% số này.

Theo thống kê mới nhất mà phía Mỹ đưa ra, tám tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với nước Nhật đã lên đến 40 tỉ USD.

Phía Mỹ cũng chỉ ra xuất khẩu và phụ tùng của xe hơi Nhật chiếm 80% sự mất cân đối thương mại. Đồng thời miêu tả chi tiết có hàng triệu xe hơi thương hiệu Nhật chạy trên các đường phố nước Mỹ, ngược lại quá ít thương hiệu xe hơi Mỹ có mặt tại Nhật. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xe hơi Mỹ bán ít tại thị trường Nhật lại không liên quan đến thuế. Nếu xe hơi Nhật bị đánh thuế 2,5% khi xuất khẩu vào nước Mỹ thì người Nhật không áp một mức thuế nào lên xe hơi Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng do kích thước quá lớn của xe hơi Mỹ nên không phù hợp với đường phố Nhật cũng như thị hiếu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, phía Nhật lại đang áp đặt các hàng rào phi thuế quan khác, đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn quá nghiêm ngặt khiến cho việc nhập khẩu của xe hơi Mỹ vào thị trường Nhật trở nên khó khăn hơn.

Vào tuần trước, cuộc đàm phán ban đầu về bất đồng thương mại giữa đại diện thương mại Mỹ là ông Robert Lighthizer với người đồng cấp Nhật là ông Toshimitsu Motegi đã không có bước đột phá nào. Cả hai bên đều bất đồng một quan điểm, Tokyo muốn đưa các giải quyết tranh chấp thương mại ra bàn thảo đa phương tại diễn đàn TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì Washington lại muốn thỏa thuận song phương.

Theo Kyodo News, Tokyo có thể chấp nhận đàm phán song phương nếu Washington ngừng áp đặt thuế quan bổ sung cho ngành xe hơi Nhật Bản.

Ông Harumi Taguchi, chuyên gia kinh tế của công ty dịch vụ tài chính IHS Markit (Anh), cho biết hiện tại chưa có vấn đề gì xảy ra nhưng điều này sớm thay đổi. Rất có khả năng ôngTrump sẽ chuyển sự chú ý sang Nhật sau khi đạt được một số thỏa thuận về tranh chấp thương mại với Trung Quốc và NAFTA" - ông Harumi Taguchi nói.

Theo ông Tobias Harris, chuyên gia kinh tế công ty tư vấn Teneo Intelligence, vũ khí hiệu quả nhất của ông Trump trong các cuộc đàm phán với Nhật chính là sự đe dọa áp đặt mức thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu Nhật với chiêu bài an ninh quốc gia. “Một động thái như vậy sẽ tác động đáng kể lên nền kinh tế Nhật” - ông Tobias Harris cho biết.

Các đại gia xe hơi như Toyota, Nissan đã bán hàng triệu chiếc xe vào thị trường Mỹ, mà rất nhiều trong số đó được sản xuất tại các nhà máy đặt tại Nhật, Mexico và Canada.

Ông Harumi Taguchi nhấn mạnh với mức thuế 25% thì GDP của Nhật sẽ giảm 0,5%.

Các nhà sản xuất xe hơi Nhật cũng cảnh báo với mức thuế này thì họ không hấp thụ nổi vào chi phí mà sẽ chuyển cho người tiêu dùng Mỹ. Chẳng hạn, với trường hợp Toyota, người mua phải trả thêm 6.000 USD cho mỗi chiếc xe được bán ra.

“Ông Trump có thể gây sức ép buộc các hãng xe hơi Nhật phải sản xuất nhiều hơn tại các nhà máy của họ trên nước Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu này có “room” hạn chế, vì các hãng xe hơi Nhật tại Mỹ đã sản xuất hơn 4 triệu chiếc/năm và thuê 1,5 triệu công nhân Mỹ” - ông Harumi Taguchi dự báo.

Ông Abe cho rằng một cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng như Trung Quốc thì Nhật sẽ không thực hiện vì không bên nào có lợi. Thay vào đó, Nhật có lẽ báo cáo vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu một khi phía Mỹ áp đặt thuế quan mạnh.

Theo ông Harumi Taguchi, “điều mà ông Abe nên làm là nên hứa tăng lượng mua khí đá phiến, vũ khí quân sự và nhiều sản phẩm khác của Mỹ mà tránh không làm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nội địa”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm