Dệt Thành Công có lấy được gần 100 tỉ từ đại gia bán lẻ Mỹ?

Như tin đã thông tin, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) mới đây công bố thông tin bất thường liên quan đến việc khách hàng lớn là Sears Holding chính thức nộp đơn phá sản tại tòa án Mỹ.

Cụ thể, Sears Holding là công ty mẹ sở hữu hai doanh nghiệp con gồm Công ty Sears, Roebuck và Công ty Kmart là hai khách hàng lớn có giao dịch thường xuyên với Dệt may Thành Công. Hiện hai đối tác này đang đóng góp khoảng 7% doanh thu hằng năm của Dệt may Thành Công.

Đơn cử giai đoạn 2014-2017 vừa qua, tổng doanh thu hằng năm của công ty này dao động 2.500-3.000 tỉ đồng. Như vậy doanh thu từ hai khách hàng bị phá sản mới đây đóng góp tới 175-224 tỉ đồng.

Việc công ty mẹ Sears Holding phá sản sẽ kéo theo hai công ty con có giao dịch với Dệt may Thành Công phải dừng hoạt động, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp này.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến trên dưới 7% doanh thu hằng năm, báo cáo tài chính quý III công bố mới đây của Dệt may Thành Công cũng cho thấy hai đối tác này đang nợ công ty hàng chục tỉ đồng.

Theo đó, tính đến cuối quý III, khách hàng Sears, Roebuck and Co đang nợ công ty hơn 61,4 tỉ tiền phải thu, tăng mạnh so với con số gần 14 tỉ hồi đầu năm. Ngoài ra, đối tác Công ty Kmart Corporation cũng đang nợ hơn 34 tỉ.

Như vậy tổng cộng các khoản phải thu ngắn hạn từ hai khách hàng này lên tới gần 95 tỉ đồng, chiếm gần 3% tổng giá trị tài sản của công ty.

Ông Lee Eun Hong, Tổng Giám đốc Dệt may Thành Công, cho biết công ty đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán từ hai đối tác trên. Tuy nhiên, công ty dệt may này buộc phải trích lập dự phòng số tiền phải thu và sẽ ảnh hưởng đến con số lợi nhuận mà công ty thu về trong năm nay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng đã làm việc rất lâu năm tại Mỹ, hiện nay Sears đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo điều khoản 11 của Luật Phá sản Mỹ.

Điều này có nghĩa là Sears chưa bị tuyên phá sản ngay mà được xem xét tái cấu trúc công ty, mà chỉ khi nếu không thành công, tòa án Mỹ mới quyết định tuyên Sear phá sản theo điều khoản 13 của Luật Phá sản Mỹ.

"Các doanh nghiệp là đối tác cung cấp hàng hóa cho Sears sẽ được đưa vào danh sách chủ nợ của Sears, chờ xem xét xử lý. Kể từ thời điểm xin bảo hộ phá sản, Sears không được phép trả bất kỳ khoản nợ nào" - TS Hiếu cho biết.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khi Sears đang được xem xét theo điều khoản 11 thì tòa án Mỹ sẽ chỉ định một đại điện giám sát công ty này. Người này có nhiệm vụ trong 90 ngày thay mặt tòa án tìm phương án tái cấu trúc Sears, như liên hệ ngân hàng bơm vốn để nuôi sống Sears.

Nếu sau một thời gian, kết quả kinh doanh của Sears phục hồi một cách tích cực thì tòa án sẽ cho Sears ra khỏi điều khoản 11, nghĩa là hoạt động kinh doanh bình thường như trước. 

"Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp bán hàng cho Sears phải chờ công ty này tái cấu trúc thành công sẽ nhận được tiền" - ông Hiếu nói.

Ngược lại, nếu Sears tái cấu trúc không thành công, tòa án Mỹ quyết định tuyên Sear phá sản theo điều khoản 13 của Luật Phá sản Mỹ. Lúc này, tòa án Mỹ sẽ xem xét Sears còn lại bao nhiêu tài sản (tiền) và sẽ trả nợ lần lượt theo thứ tự. Đầu tiên là các loại tiền cho người lao động của Sears, kế đến là thuế liên bang, sau đó mới trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và cuối cùng là ngân hàng.

"Như vậy, Thành Công phải chờ Sears tái cấu trúc có thành công hay không. Và nếu Sears phá sản thì lúc đó mới biết mình nhận lại được bao nhiêu tiền đã cung ứng hàng hóa cho Sears. Thời gian chờ đợi thông thường mất từ 90 ngày đến sáu tháng" - TS Hiếu nói.

Hiện nay, các khoản nợ của Sears với Thành Công sẽ bị khoanh lại và chờ đợi phán quyết từ tòa án Mỹ.

Sáng 15-10, Sears - hãng bán lẻ nổi tiếng một thời của Mỹ đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 Luật Phá sản Mỹ sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ và nợ nần chồng chất.

Được xem là biểu tượng định hình lối sống Mỹ, với 132 năm tuổi, sở hữu một loạt các thương hiệu bán lẻ đình đám như Sears, Roebuck & Company, Kenmore, Craftsman và Kmart nhưng giờ đây tập đoàn bán lẻ Sears buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi không thể trả nổi khoản nợ 134 triệu USD đến hạn vào ngày 15-10.

Theo BBC, các vấn đề của nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ thể hiện rất rõ qua các con số. Doanh thu từ 53 tỉ USD vào năm 2006, mà sau đó chín năm, đến năm 2015 doanh thu rớt xuống còn 25,1 tỉ USD nhưng đến năm 2017 lao dốc xuống 16,7 tỉ USD, chỉ bằng một nửa của năm 2014 là 31,2 tỉ USD. Và cứ mỗi năm Sears thua lỗ 1 tỉ USD.

Trong 13 năm qua, Sears đã đóng cửa hơn 2.800 cửa hàng. Tính đến tháng 8-2018, nhà bán lẻ chỉ còn hơn 860 cửa hàng. Hiện Sears đang thuê 90.000 nhân viên, con số này là rất thấp so với năm năm trước có đến 246.000 người làm việc.

Sears dự định tiếp tục đóng cửa 46 cửa hàng vào tháng 11 năm nay và sẽ đóng tiếp 146 cửa hàng khi năm 2018 kết thúc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm