Tình hình ổ dịch cúm ở BV Từ Dũ và biện pháp khống chế

Ngày 4-6, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM đã đến bệnh viện (BV) Từ Dũ, nơi phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 để kiểm tra công tác khử khuẩn, kiểm soát dịch bệnh tại đây.

Trắng đêm tìm chủng virus gây sốt

Báo cáo về tình hình ổ dịch cúm bùng phát tại BV, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại lầu 5, khu M, khoa Nội soi từ một phụ nữ (khi chuẩn bị phẫu thuật nội soi cắt tử cung thì có dấu hiệu sốt cao nên phải hoãn mổ) vào sáng 1-6.

Theo BS Nhi, ban đầu BV chỉ nghĩ bệnh nhân có bệnh lý tai mũi họng nên cho về điều trị hết sốt rồi lên lại để mổ. Đến 8 giờ tối 1-6, 23 người bao gồm thân nhân, bệnh nhân và nhân viên y tế ở khoa Nội soi có biểu hiện sốt. “Nhận thấy tình hình bệnh diễn biến nhanh từ sáng đến tối mà có mấy chục người sốt nên khả năng đây là bệnh có tính chất lây lan nhanh, nghi ngờ nhiễm cúm do siêu vi cao nên BV đã báo lên Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP và hội chẩn với BV Bệnh nhiệt đới để tìm nguyên nhân” - BS Nhi nói. Ngay sau đó, BV đã lấy máu 18 bệnh nhân qua BV Bệnh nhiệt đới để xét nghiệm ngay trong đêm. Kết quả có 16/18 mẫu máu dương tính được gửi qua BV Bệnh nhiệt đới để xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 vào rạng sáng 2-6. BV Bệnh nhiệt đới đánh giá đây là cúm mùa, lành tính nên trấn an nhân viên y tế, bệnh nhân tại BV Từ Dũ và mặt khác hướng dẫn BV cách ly tất cả người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế từng đi ngang qua khu M lầu 5, phân thành hai nhóm sốt và không sốt tại khoa để theo dõi.

Tổng cộng 83 người đã được cách ly để theo dõi, trong đó có tám nhân viên y tế. Song song đó, bệnh nhân dương tính với cúm được BV Bệnh nhiệt đới cung cấp cho uống thuốc tamiflu, những người có nguy cơ cao được hướng dẫn uống thêm vitamin C, nước cam, nước chanh để tăng cường sức đề kháng. Các thai phụ đến khám bệnh được dời lại lịch thích hợp hoặc đưa đến khu vực an toàn để khám.

“Đến sáng 4-6, tại khoa Nội soi còn năm bệnh nhân, trong đó một người dương tính với cúm đã hết sốt và bốn bệnh nhân tiếp tục điều trị bệnh phụ khoa. BV đã cơ bản khống chế bệnh. Do thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến hai tuần nên tất cả bệnh nhân đã xuất viện đều được dặn dò khi ho hay hắt hơi phải sử dụng khăn giấy hay khăn vải, khi về nhà không sử dụng chung ly tách, chén bát và không đến nơi đông người để hạn chế phát tán cúm. Khi có dấu hiệu sốt, khó thở, ho đàm xanh, đàm vàng thì những người này phải khai báo với cơ sở y tế gần nhất” - BS Nhi báo cáo.

Ngoài ra, BV cũng tăng cường khử khuẩn, xông phun tại khu vực phát hiện bệnh. Đến 12 giờ trưa ngày 4-6, khoa Nội soi đã chính thức hoạt động trở lại và tiếp tục nhận bệnh.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (trái), đi kiểm tra công tác khử khuẩn tại BV Từ Dũ. Ảnh: HL

Không được chủ quan

BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết ngay khi được báo cáo ổ dịch bệnh đã lập danh sách bệnh nhân cúm và có nguy cơ cao chuyển cho cụm y tế dự phòng ở quận, huyện giám sát. Tại TP.HCM có hai bệnh nhân ở huyện Nhà Bè và quận 12. Đối với bệnh nhân ở các tỉnh thì chuyển cho Viện Pasteur TP.HCM để liên hệ với cơ sở y tế địa phương.

Bà Nga lưu ý: “Đến thời điểm này, chưa ghi nhận ca bệnh mới nhưng không thể yên tâm được ngay. Đề nghị BV thiết lập hệ thống giám sát toàn BV, báo cáo tình hình bệnh về trung tâm y tế dự phòng hằng ngày. Sau hai tuần, qua thời gian ủ bệnh không có ca nào nữa mới hoàn toàn yên tâm khống chế lây lan dịch bệnh trong BV”.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, đánh giá việc phát hiện và nhanh chóng chạy hết tốc lực để kiểm soát dịch bệnh xảy ra ở BV Từ Dũ. Theo ông Hưng, đây là bài học kinh nghiệm trong việc xử lý, phối hợp vận hành ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là những chủng cúm nguy hiểm như H5N1, H7N9. Ông Hưng đề nghị BV Từ Dũ và Trung tâm Y tế dự phòng TP tiếp tục giám sát các ca bệnh ít nhất trong hai tuần nữa để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm thì xử lý ngay. Đồng thời rà soát lại quy trình chống nhiễm khuẩn BV; thông tin, tuyên truyền, giáo dục thói quen rửa tay cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

Người có cúm không nên tiếp xúc thai phụ 

Cúm A/H1N1 là một loại cúm mùa thông thường, khá lành tính và tự khỏi. Tuy nhiên, khi thai phụ có sức đề kháng yếu hơn người bình thường thì khi nhiễm bệnh có thể gây biến chứng dị tật thai nhi đối với thai dưới 12 tuần hoặc biến chứng nặng. Do đó, người có cúm không nên tiếp xúc với thai phụ. Đối với người có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, người có sức đề kháng yếu, trẻ nhỏ chưa được chích ngừa..., bệnh có khả năng diễn tiến nặng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Khi mắc bệnh, người bệnh không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần chăm sóc điều trị triệu chứng, uống vitamin C, nước cam, nước chanh... để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, găng tay, hạn chế đến nơi đông người, không dùng chung đồ dùng cá nhân như ly, tách, chén, bát, khăn... với người khác. Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm.

BSLÊ HỒNG NGA, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP

Chưa tới 1% chích ngừa cúm

Hiện nay, tỉ lệ chích ngừa cúm ở Việt Nam rất thấp, chưa tới 1%, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới sáu tuổi. Do đó, nếu người dân thực hành tốt những điều trên sẽ có lợi và tránh để ổ dịch cúm lây lan trong cộng đồng.

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm