Từ tranh chấp biển Đông đến hợp tác kinh tế

Chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sẽ có ít nhất năm hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm lần này, trong đó có chương trình hợp tác năm năm về thương mại và kinh tế. Ngoài ra, một thỏa thuận về các chương trình hợp tác công-tư (PPP) trị giá 60 tỉ USD về khai thác mỏ, năng lượng, thông tin và du lịch cũng sẽ được thảo luận. Ngoại trưởng Albert del Rosairo tuyên bố dù còn nhiều điểm bất đồng nhưng Trung Quốc vẫn là nước láng giềng gần gũi, người bạn tốt và là đối tác quan trọng đối với Philippines.

Trong họp báo hôm 23-8, bà Cristina Ortega, trợ lý Ngoại trưởng Philippines, cho biết một thỏa hiệp về tranh chấp trên biển Đông giữa hai nước sẽ rất khó đạt được trong chuyến thăm lần này. Bà nói: “Về vấn đề biển Đông, có thể ông Aquino chỉ nói vài lời đại loại như đồng ý hay không đồng ý mà thôi”.

Hôm 23-8, tức vài ngày trước chuyến đi Trung Quốc, nhân sự kiện tàu chiến BRP Gregorio del Pilar được mua từ Mỹ về cập vịnh Manila, Tổng thống Aquino đã nhấn mạnh: “Đây chỉ là khởi đầu. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở một tàu chiến”. Cùng ngày, ông đã từ chối dự buổi lễ tưởng niệm tám du khách Hong Kong bị một cựu cảnh sát Philippines bắn chết hồi năm ngoái và từ chối xin lỗi về vụ này. Động thái này đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Ông Aquinto cho biết: “Xin lỗi có nghĩa là chúng tôi đã làm hại họ. Tôi nghĩ điều này không đúng. Chúng tôi cảm thông nhưng chúng tôi thực sự không muốn thảm kịch xảy ra”.

Dù sao chăng nữa, như học giả Trần Khánh Hồng (chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Philippines) nhận xét, Philippines luôn quan tâm đến phát triển kinh tế và phúc lợi của dân. Ông nói: “Vì lý do này, tôi không bi quan về quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh”.

DUY KHANG (Theo China Daily, ABS-CBN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm