Kinh tế Trung Quốc ngày càng khủng hoảng

Mọi ánh nhìn lo lắng của các nhà đầu tư đang hướng về thị trường Trung Quốc (TQ) trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh chưa kết thúc. Nhưng quan trọng hơn, nói như cây bút Michael Schuman của tờ Bloomberg trụ sở tại Bắc Kinh, TQ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng.

Thấm đòn chiến tranh thương mại

Tăng trưởng kinh tế TQ trong quý III-2018 giảm xuống còn 6,5%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Sức tiêu thụ ô tô trong năm ngoái, lần đầu tiên trong hơn hai thập niên qua, đã suy giảm. Tập đoàn Apple vào đầu tháng 1-2019 đã cảnh báo rằng doanh số bán điện thoại iPhone tại TQ giảm sẽ kéo theo rủi ro tăng tưởng kinh tế toàn cầu cũng “giảm tốc” và lợi nhuận của giới đầu tư bị thu hẹp.

Thực tế giới đầu tư địa phương ở TQ đã sớm nhận ra thực trạng xám xịt này của nền kinh tế TQ. Thậm chí sau một giai đoạn lạc quan ngắn ngủi gần đây, giá chứng khoán tại Thượng Hải vẫn thê thảm, sụt giảm hơn 25% so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2018. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của TQ không có chút lạc quan nào trong thời gian tới.

Nếu như vào giữa năm ngoái, cuộc chiến thương mại Mỹ -TQ chỉ trên lý thuyết và tác hại của việc đối đầu với Washington vẫn còn mơ hồ thì hiện tại, các gói thuế của Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa TQ đã tạo ra sự tổn thương cho các cơ sở sản xuất của TQ. Sự giảm mạnh đến mức không thể ngờ trong lĩnh vực nhập khẩu của TQ vào tháng 12-2018 cho thấy nền kinh tế cường quốc thứ hai thế giới đang thảm hại ra sao. Việc TQ gần đây phải hạ giọng và tìm cách thuyết phục Mỹ ngừng đánh thuế mới và tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại phần nào cho thấy sự dao động của Bắc Kinh.

Nếu đạt được một thỏa thuận hợp lý với ông Trump, chính quyền Tập Cận Bình có thể xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư, thậm chí trong ngắn hạn có thể giúp tăng trưởng kinh tế có chút khởi sắc. Nhưng tin xấu cho TQ: Ngay cả khi cuộc chiến thương mại với Mỹ chấm dứt, cuộc khủng hoảng thật sự đối với chính quyền Bắc Kinh vẫn còn đó. Các gói thuế của Washington quả thật rất “phiền toái” nhưng các vấn đề thực sự còn nghiêm trọng hơn nhiều và hiển hiện đan xen trong cấu trúc của nền tài chính TQ.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng để lộ nhiều biểu hiện khủng hoảng không ngờ. Ảnh: EPA

Cuộc khủng hoảng thật sự

Ít ai để ý rằng TQ đã đối mặt với cuộc khủng hoảng từ trước khi bị Mỹ tấn công thương mại. Đó không phải là cuộc đại khủng hoảng tài chính kiểu Mỹ vào năm 2008, hay cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế được mệnh danh là “những con hổ châu Á” vào năm 1997. Thay vào đó TQ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện với hệ thống các ngân hàng bị rỗng ruột, vô số các doanh nghiệp thây ma, phá sản và các gói cứu trợ đầy tranh cãi đến từ chính phủ. Michael Schuman gọi đó là “cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc TQ”.

Vài năm trước, giới quan sát tin rằng TQ sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008. Báo động đỏ đã được bật: Bong bóng bất động sản, sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp thép và các tấm năng lượng mặt trời. Đáng lo ngại nhất là sự tích tụ nợ công với tỉ lệ khổng lồ. Tổng số nợ liên quan đến các hoạt động của nhà nước TQ đã tăng đến mức 253% vào giữa năm 2018, trong khi con số này vào một thập niên trước đó chỉ là 140%, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Thực tế chưa từng có nền kinh tế mới nổi nào kể từ những năm 1990 lại vướng vào khoản nợ khổng lồ như vậy.

Các chuyên gia đã theo dõi và chờ đợi khoảnh khắc TQ sụp đổ như Mỹ vào năm 2008. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhiều người nhận thấy chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách không để tai họa ấy diễn ra và nền kinh tế TQ quá lớn để có thể bị sụp đổ một cách dễ dàng. Chính phủ đã can thiệp vào thị trường bằng các gói cứu trợ để ngăn khủng hoảng, bất chấp các cảnh báo rủi ro trong dài hạn. Từ bất động sản, tài chính, đến chứng khoán và các doanh nghiệp “thây ma”, TQ luôn sử dụng một chiến lược tiếp cận tổng thể với “bàn tay nâng đỡ” của chính phủ làm chủ đạo.

Tiếc thay, các nỗ lực đó không giúp Bắc Kinh mà trái lại, đẩy chính phủ lâm vào cuộc khủng hoảng “màu sắc TQ”. Như trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào khác, sức khỏe của các ngân hàng TQ đang bị xói mòn một cách nguy hiểm. Ngoài ra, TQ đang đối diện với vấn đề dòng tài chính trong nước ồ ạt chảy ra nước ngoài. TQ đứng đầu danh sách người nước ngoài mua nhà, đất tại Mỹ trong sáu năm liên tiếp, theo Hiệp hội Bất động sản Mỹ công bố. Chỉ trong giai đoạn từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2018, người TQ đã đổ hơn 30 tỉ USD vào nhà đất tại Mỹ, trong khi hàng xóm Washington là Canada chỉ đầu tư 1/3, Anh và Ấn Độ chỉ đầu tư 1/4 so với TQ.

TQ đang loay hoay với việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Nhưng mọi thứ đang tồi tệ hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong vài thập niên gần đây. Cuộc khủng hoảng năm 2008 ở Mỹ có thể tạo ra nhiều hệ lụy nhưng quan trọng là vấn đề hiển hiện một cách rõ ràng và giải pháp để “rửa sạch” các vết thương của nền kinh tế là khả dĩ. Trái lại, TQ tìm cách ngăn chặn các ung nhọt của nền kinh tế vỡ ra trong khi không thể làm chúng biến mất. Điều đó chỉ khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn và không thể chữa lành.

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã diễn ra trong thời gian dài và không chỉ liên quan đến suy giảm tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là trong dài hạn, cuộc khủng hoảng này không dễ dàng biến mất. Việc quản trị khủng hoảng này sẽ quyết định liệu TQ có thể thật sự đặt chân vào giới lãnh đạo thật sự của nền kinh tế toàn cầu hay không, hay trái lại trở thành một mối đe dọa đối với sự ổn định của nền tài chính thế giới.

TQ năm 2019 tiếp tục thực thi chương trình giảm thuế trên diện rộng được triển khai vào năm ngoái để giúp kinh tế tăng trưởng. Như vậy, số thuế mà các doanh nghiệp phải đóng sẽ tiếp tục được giảm sau khi chính phủ có chương trình giảm thuế trị giá 192 tỉ USD từ năm ngoái. Thuế thu nhập cá nhân và an sinh xã hội cũng đã được điều chỉnh giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm