Tại sao Trung Quốc trả đũa Canada mà né Mỹ?

Canada đang rất bất an sau khi Trung Quốc (TQ) bắt hai công dân mình và còn đe dọa sẽ có thêm hành động nếu Canada không thả bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei.

Canada bắt bà Mạnh ngày 1-12 theo yêu cầu của Mỹ vì hai nước có hiệp ước dẫn độ. Thủ tướng Justin Trudeau nói Canada chỉ “tuân thủ luật pháp”. Tuy nhiên, phần lớn phản ứng của TQ đến lúc này lại nhắm về Canada, không phải Mỹ.

Canada đang lãnh “hậu quả nghiêm trọng”

Một ngày sau khi Canada công khai thông tin bắt bà Mạnh, TQ triệu tập Đại sứ Canada John McCallum đến yêu cầu Canada thả ngay bà Mạnh, nếu không sẽ phải “chịu hậu quả nghiêm trọng”. Ngày sau đó, TQ triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad đến gửi công hàm phản đối và yêu cầu Mỹ rút lệnh bắt bà Mạnh nhưng không đe dọa “hậu quả nghiêm trọng” như đã làm với Canada ngày trước đó. Mọi phản ứng sau đó nữa của TQ đều dồn về Canada.

Tối 10-12, TQ bắt nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig khi ông vừa đến Bắc Kinh. Hai ngày sau lại thêm doanh nhân Canada Michael Spavor bị TQ bắt. Theo truyền thông TQ thì hai ông Kovrig và Spavor bị bắt vì bị nghi ngờ “làm hại an ninh quốc gia” TQ.

Chính phủ Canada không chính thức nói chuyện hai công dân mình bị bắt có liên quan chuyện mình bắt bà Mạnh, tuy nhiên nhiều chuyên gia ngoại giao nước này khẳng định đây là đòn trả đũa của TQ. Theo GS Charles Burton tại ĐH Brock, một nhà cựu ngoại giao Canada tại TQ, việc TQ thực hiện việc bắt không lâu sau khi ra cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” rõ ràng nhằm cảnh cáo Canada về chuyện bà Mạnh. Trên Fox News tối 13-12, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cũng đồng tình lý do chính TQ bắt công dân Canada là vì chuyện bà Mạnh.

GS khoa học chính trị Nelson Wiseman tại ĐH Toronto (Canada) nhận định TQ rõ ràng đang chú ý nhắm vào Canada mà né Mỹ. Theo ông, “TQ có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc các nhà ngoại giao Mỹ nhưng họ lại không làm” và điều này là một bước đi chính trị.

Bà Mạnh Vãn Châu được tại ngoại ngày 12-12 trong thời gian chờ Canada xem xét dẫn độ về Mỹ. Ảnh: AP

Trước đây TQ cũng từng có bước đi chính trị tương tự, theo chuyên gia an ninh quốc gia Stephanie Carvin, hiện là GS ĐH Carleton (Canada). Theo bà, chuyện cặp vợ chồng Kevin và Julia Garrett bị TQ bắt giữ năm 2014 với cáo buộc do thám là nhằm phản ứng với việc công dân TQ Su Bin bị bắt tại Canada và bị dẫn độ sang Mỹ.

GS Burton cho rằng TQ sẽ “tạo áp lực cực kỳ mạnh” lên Canada để bà Mạnh được thả. Lý do theo ông Burton, bà Mạnh không chỉ là giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, là “công chúa công nghệ” của TQ mà còn có liên hệ chặt với đảng Cộng sản TQ - cùng với cha mình là ông Nhậm Chính Phi.

Global News (Canada) dẫn nhận định nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình có thể sẽ còn tệ hơn. Ngày 12-12, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (TQ) Hồ Tích Tiến cảnh cáo “nếu Canada dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, TQ sẽ trả đũa nghiêm trọng hơn so với việc bắt giữ công dân Canada”.

“Với kinh nghiệm 13 năm làm việc tại TQ, tôi có thể nói chuyện này không phải trùng hợp… chính phủ TQ muốn gửi thông điệp đến chúng ta”

Cựu Đại sứ Canada tại TQ Guy Saint-Jacques. 

Liệu Canada có chịu thua?

Theo ông Wiseman, cách phản ứng của TQ với Mỹ và Canada rút lại cũng vì lý do kinh tế, thương mại. Ông cho rằng sở dĩ TQ nhắm vào Canada mà không phải Mỹ là vì TQ muốn cải thiện quan hệ với Mỹ khi so với Mỹ thì thương mại của Canada với TQ quá nhỏ bé, không đáng kể. Lấy ví dụ, năm 2016 TQ xuất sang Mỹ hơn 481 tỉ USD hàng so với chỉ 48 tỉ USD xuất sang Canada, TQ nhập từ Mỹ 115 tỉ USD hàng so với chỉ 15 tỉ USD từ Canada. Một điều nữa, nước đang áp thuế quan lên hàng trăm tỉ USD hàng TQ là Mỹ chứ không phải Canada. Theo cựu đại sứ Canada tại TQ Saint-Jacques, trong trường hợp này Canada đã trở thành vật thế thân vì sự lệ thuộc kinh tế giữa TQ với Mỹ.

Tuần trước TQ và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới - vừa đồng ý đình chiến thương mại 90 ngày để khôi phục đàm phán. Vụ bà Mạnh bị bắt gây lo ngại cuộc đàm phán có thể bị ảnh hưởng. Ngay từ đầu Bộ Thương mại TQ đã muốn tách hai vấn đề ra xa khi lên tiếng khẳng định hai vụ việc hoàn toàn không liên quan. Ngày 11-12, TQ vẫn nói đàm phán vẫn sẽ diễn ra.

Liệu Canada có chịu thua áp lực của TQ? Trên Twitter cuối tuần rồi, ông Roland Paris - cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Trudeau nói rằng các nỗ lực của TQ sẽ không thành công. Ông Paris tin tưởng hệ thống tư pháp độc lập của Canada sẽ không bị lung lạc. Tuy nhiên, chưa biết niềm tin này có bền vững không khi đầu tuần này Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng rằng ông “có thể can thiệp” chuyện bà Mạnh nếu thấy có lợi cho an ninh quốc gia Mỹ cũng như nếu giúp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với TQ. Chuyên gia Wiseman dự đoán lời ông Trump có thể sẽ được các luật sư của bà Mạnh vin vào khi ra tòa để làm áp lực buộc thẩm phán Canada thả bà Mạnh.

Gia đình bà Mạnh mua pizza cho nhà báo

Sau khi được tại ngoại ngày 12-12, bà Mạnh về ở tại một trong hai căn nhà của gia đình mình ở Vancouver (Canada) chờ tòa án Canada xem xét dẫn độ về Mỹ. Mấy ngày nay trước nhà bà Mạnh luôn có nhà báo tập trung chờ săn tin.

Theo tin từ Canadian Press, trưa 12-12, gia đình bà Mạnh đặt mua sáu chiếc bánh pizza. Khi mang bánh tới, người giao hàng được gia đình bà Mạnh nhờ mang bốn trong sáu chiếc pizza ra cho các nhà báo tập trung trước nhà. Các nhà báo, phóng viên ảnh nhận các hộp pizza và sau đó chuyển chúng cho các công nhân xây dựng đang làm việc trên con đường gần đó.

Theo Canadian Press, trong ngày 12-12 bà Mạnh có xuất hiện trước cửa tạm biệt ba người khác đến thăm bà trên một chiếc ô tô mang biển số ngoại giao. Theo điều khoản tại ngoại, bà Mạnh phải mang thiết bị giám sát điện tử và phải bị giám sát 24/24 giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm