Tình báo Mỹ: Triều Tiên sẽ tự chế tạo động cơ tên lửa

Đánh giá này mâu thuẫn với nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). IISS cho rằng động cơ tên lửa mà Triều Tiên đang phát triển để tấn công Mỹ có khả năng được sản xuất tại các nhà máy ở Ukraine hay Nga và có khả năng thu mua được từ thị trường chợ đen.

"Chúng tôi có tin tình báo cho biết Triều Tiên không dựa vào việc nhập khẩu động cơ tên lửa. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng họ có khả năng tự sản xuất động cơ” - Reuters dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ.

Ukraine đã phủ nhận việc cung cấp công nghệ quốc phòng cho Triều Tiên. Nhà máy Yuzhmash của Ukraine cho biết đã không sản xuất tên lửa đạn đạo cấp quân sự kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, theo New York Times.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát tên lửa đạn đạo tầm Hwasong-12 ngày 15-5. Ảnh: REUTERS

Một quan chức tình báo Mỹ khác cho biết những thay đổi tiến bộ của động cơ RD-250 có thể là nhờ vào các nhà khoa học được Triều Tiên tuyển dụng hay được đào tạo ở Nga và nước ngoài.

Nghiên cứu của IISS dựa trên những bức ảnh Triều Tiên công bố về động cơ được thử nghiệm trên tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 hồi tháng 5 và tháng 7. Hwasong-14 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên phát triển nhằm tấn công lục địa Mỹ.

Khi so sánh các động cơ trong các bức ảnh, IISS nhận thấy những động cơ này có thể là phiên bản cải tiến của RD-250 do Nhà máy Yuzhmash sản xuất. Động cơ này đã giúp Triều Tiên phóng thành công các tên lửa sau nhiều lần thử nghiệm thất bại.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IISS đã nhận được nhiều tranh cãi từ các chuyên gia vũ khí hạt nhân hàng đầu.

Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury ở Monterey, California, nhận định: "Điều này hoàn toàn sai”.

Ông Lewis cho biết nhóm nghiên cứu của ông cũng đã tiến hành nghiên cứu các bức ảnh và nhận thấy chúng có kích cỡ khác nhau. Nhóm của ông Lewis cho rằng động cơ tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên có thể được phát triển trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm