Những cô gái bị cưỡng hôn ở Trung Quốc

Ai cũng được việc trong cuộc hôn nhân giữa Nary với một người đàn ông Trung Quốc (TQ), trừ bản thân cô dâu người Campuchia. Cô đã trở về trong tình trạng nghèo khổ, bị chế nhạo và hầu như không thể nhìn thấy lại con trai của mình.

Anh của Nary đã trốn đi với khoản tiền 3.000 USD sau khi dụ dỗ cô gái khi đó chỉ mới 17 tuổi rời đất nước đi lấy chồng. Theo South China Morning Post, những người môi giới đã chia nhau số tiền 7.000 USD còn lại do người chồng TQ trả. Nhưng cuộc hôn nhân của Nary với “người lạ ơi” ở cách đó hàng ngàn cây số, bằng một ngôn ngữ mà cô không thể nào hiểu đã “đoản mệnh” ngay từ lúc bắt đầu với những trải nghiệm mà Nary không thể ngờ tới. “Đó không phải là một ngày đặc biệt đối với tôi” - cô gái Campuchia bộc bạch với South China Morning Post.

Nary là một trong hàng chục ngàn phụ nữ trẻ người Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar kết hôn với đàn ông TQ mỗi năm, lấp đi chiếc hố cách biệt giới tính do chính sách một con kéo dài ba thập niên của Bắc Kinh. Khi chính sách trên được bãi bỏ, đất nước này thiếu hụt khoảng 33 triệu phụ nữ khiến chừng ấy đàn ông phải đối diện với nguy cơ ở giá.

Tình trạng nghèo khổ đã thúc đẩy những phụ nữ trong khu vực Mekong đánh cược với việc kết hôn ở TQ, trong tình cảnh bị “khóa tay” bởi trình độ học vấn thấp và một sự kỳ vọng của xã hội phải chăm lo cho cha mẹ. Những người rời đi để tìm việc làm cuối cùng cũng bị ép kết hôn trái ý muốn. Có những cuộc hôn nhân hạnh phúc, trong đó người phụ nữ có thể cấp dưỡng cho gia đình mà họ bỏ lại phía sau. Nhưng thực tế bạo hành gia đình mới thường xuyên xuất hiện, khiến phụ nữ phải chịu rủi ro lạm dụng, bị giam giữ theo luật di trú của TQ hoặc bị “sang tay” vào động mại dâm.

Sự nghèo khổ là một trong những tác nhân khiến các cô gái Campuchia sang Trung Quốc lấy chồng. Ảnh: AFP

Hàng chục ngàn cô gái Đông Nam Á lấy chồng Trung Quốc mỗi năm. Ảnh: AFP

Nary đã có một trải nghiệm hôn nhân đau buồn. Ảnh: AFP

Những lời nói dối

Nary, được thay đổi tên thật theo yêu cầu cá nhân, đã nói chuyện với một người môi giới Campuchia về lời khuyên của anh mình. “Tôi tin anh ta” - Nary thầm thì khi ngồi trong căn nhà tồi tàn mà gia đình cô trú ngụ bên vệ đường ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. “Gia đình tôi quá nghèo và tôi được kỳ vọng sẽ giúp đỡ họ bằng cách lấy chồng TQ. Thế nên tôi đi”. Nhưng người anh quý hóa đã đánh cắp khoản tiền hồi môn dành để hỗ trợ cho cả gia đình và bặt vô âm tín kể từ đó. Trong khi ấy, Nary sang TQ một cách hợp pháp bằng thị thực du lịch. Thế nhưng khi đến Thượng Hải, cô phát hiện người đàn ông đã trả tiền để có cô là công nhân xây dựng sống ở làng, không phải là bác sĩ giàu có như được hứa hẹn. Cuộc hôn nhân của Nary kết thúc chỉ một tháng sau khi cô sinh một bé trai, khi mẹ chồng bất ngờ ngăn Nary cho con bú, thậm chí không cho cô gặp và ẵm con. Gia đình chồng thúc giục ly dị trong khi thị thực của Nary lại hết hạn. Cuối cùng cô phải dọn ra ngoài và làm việc ở một xưởng thủy tinh. Nhưng rồi cô bị cơ quan di trú phát hiện và phải ngồi tù một năm cùng với hàng chục cô gái Campuchia với tình cảnh tương tự.

Cũng theo South China Morning Post, chi phí “sắm” một người vợ ở TQ có giá 10.000-15.000 USD. Đây là khoản tiền được trả cho những đơn vị môi giới và những đơn vị này đến lượt mình sẽ chia sẻ vài ngàn USD cho các đối tác ngoài nước để tuyển chọn cô dâu. Kế đó, một khoản tiền hồi môn trị giá 1.000-3.000 USD để “nhử” gia đình cô dâu nhưng cô này thường là người thụ hưởng cuối cùng trong “chuỗi tiền bạc” nếu cô có thể nhận được cái gì đó.

“Các gia đình hiện trông vào con gái để nhìn thấy “quyền lợi” mà chúng có thể báo đáp cho họ” - ông Chou Bun Eng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chống buôn người của Campuchia, phát biểu. Thương mại hôn nhân là một hoạt động làm ăn không nhỏ. Các số liệu chính thức cho thấy có đến 10.000 phụ nữ chỉ riêng từ Campuchia được đăng ký tại các tỉnh Quảng Đông, Quý Châu và Vân Nam. Số lượng đăng ký của những phụ nữ đến từ các nước Đông Nam Á khác cũng có chiều hướng gia tăng tương tự theo kiểu có cầu thì có cung.

Cái “máy đẻ”

Những “cô dâu” thường được “cất kho” khi đến TQ và hình ảnh của họ được tung lên mạng WeChat và các website hẹn hò để tìm đến những người chồng tương lai. Các cô gái càng trẻ và xinh đẹp, giá của họ càng cao. Theo Liên Hiệp Quốc, một phụ nữ được trả tiền, được mua hay bị bán cho hôn nhân và được đưa qua biên giới, cho dù có sự đồng tình, đều được xếp loại là nạn nhân buôn người.

Theo nghĩa này, một cuộc nghiên cứu mới được đăng tải trên báo Anh The Independent cho thấy hàng ngàn phụ nữ đang bị buôn bán từ Myanmar qua TQ để ép kết hôn và sinh con. Cụ thể, cuộc khảo sát của các chuyên gia ĐH John Hopkins (Mỹ) và Hiệp hội Phụ nữ Kachin Thái Lan tại 40 điểm ở hai nước trên cho thấy có hơn 7.400 người là nạn nhân của hôn nhân cưỡng ép trong khu vực và hơn 5.000 người bị buộc phải sinh con với những người chồng hoặc gọi là chồng TQ.

Tại Campuchia, những kẻ môi giới và các bên thứ ba có thể bị phạt tù đến 15 năm nếu bị phát hiện và lâu hơn nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, những vụ kết án là rất hiếm hoi, do những kẻ môi giới sẵn sàng trả đến 5.000 USD để mua sự im lặng của các nạn nhân. “Các nạn nhân cần tiền. Và họ bị các mạng lưới buôn người rộng khắp, có hệ thống đe dọa” - South China Morning Post dẫn lời công tố viên giấu tên về chống buôn người của Campuchia phát biểu. Trong khi đó, Myanmar đã thông qua Luật Chống buôn người vào năm 2005. Tuy nhiên, dù có những điều khoản bảo vệ quyền của các nạn nhân, chúng không được thực thi và có rất ít kẻ buôn người bị khởi tố. Về phần mình, TQ cũng có các luật liên quan xử lý vấn đề này nhưng việc thực thi mang tính vá víu tại một quốc gia mà chính quyền thường tránh xa các vấn đề gia đình, theo South China Morning Post.

Nan giải vấn đề “đàn ông tồn kho”

Cách biệt giới tính của TQ hiện được xếp vào loại cao nhất thế giới. Cụ thể, tỉ lệ hiện tại ở nước này là 118 nam so với 100 nữ, cao hơn nhiều so với mức bình quân là 105 nam/100 nữ. Với việc bãi bỏ chính sách một con, người ta hy vọng câu chuyện cách biệt giới tính ở quốc gia này có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc bãi bỏ chính sách một con, vốn được đưa ra cách đây ba năm đã đến quá trễ. Điều gì sẽ xảy ra với đàn ông độc thân của TQ và đất nước này sẽ ra sao vào năm 2050 nếu các xu hướng nhân khẩu học không được giải quyết. Kể từ khi chính sách một con được áp dụng, tỉ lệ sinh giảm sút và nước này đang lão hóa với tốc độ vô tiền khoáng hậu.

Năm 1980, tuổi bình quân của TQ là 22 và điều này đã góp phần tạo động lực cho sự bùng nổ kinh tế đất nước. Ngày nay, con số tương ứng là 37 tuổi và đến năm 2050 nó sẽ tăng đến 49 tuổi. Hiện tại, 10% dân số TQ có tuổi từ 65 trở lên nhưng đến năm 2050, tỉ lệ này tăng lên đến 26%, cao hơn hầu hết các nước phát triển. Số lượng lớn những người độc thân sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, chứ không đơn thuần là cuộc cạnh tranh khốc liệt của “những người đàn ông tồn kho” trong nỗ lực “đưa nàng về dinh”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm