Nhật mua F-35 để xoa dịu Mỹ về thương mại

Kế hoạch chi tiêu quốc phòng năm năm tới của Nhật mà Thủ tướng Shinzo Abe đồng ý ngày 18-12 cho thấy trong năm năm tới Nhật sẽ đẩy mạnh chi tiêu quân sự. Cụ thể, các hạng mục Nhật sẽ mua vào trong thời gian tới là máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa tầm xa và các loại thiết bị quân sự tiên tiến khác.

Nhật là nước mua F-35 của Mỹ nhiều nhất

Theo kế hoạch, Nhật sẽ chi 4 tỉ USD mua 45 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, ngoài 102 chiếc F-35 đã đặt mua trước đó với tổng tiền đến 1.000 tỉ yen (8,8 tỉ USD). Với đơn hàng mới này, tổng số máy bay F-35 mà Nhật sẽ có là 147, vượt mặt Anh (138 chiếc), trở thành nước mua F-35 của Mỹ nhiều nhất. Hai tàu khu trục chở trực thăng lớn của hải quân Nhật, Izumo và Kaga, sẽ được nâng cấp để có thể chở được các chiếc F-35. Cụ thể, hai tàu này sẽ được gia cố thêm phần boong để chịu được sức nóng từ động cơ F-35 cũng như giúp F-35 cất cánh nhanh chóng.

Ngoài F-35, Nhật còn định mua hai hệ thống radar phòng không mặt đất Aegis Ashore để chống tên lửa Triều Tiên, bốn máy bay tiếp liệu KC-46 Pegasus nhằm mở rộng tầm bay của máy bay Nhật, chín máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye. Lo ngại chương trình tên lửa Triều Tiên, Nhật cũng sẽ mua tên lửa đánh chặn Raytheon SM-3 có thể phá hủy đầu đạn của tên lửa kẻ thù từ trên không.

Mục đích kế hoạch mua sắm này, theo như trong nội dung bản hướng dẫn chương trình quốc phòng 10 năm được Quốc hội Nhật thông qua hồi đầu tuần, là để hỗ trợ Mỹ đối phó Trung Quốc (TQ) ở Tây Thái Bình Dương. Bản hướng dẫn ghi rõ: Mỹ, TQ, Triều Tiên, Nga là các nước ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng của Nhật nhiều nhất.

TQ những năm gần đây tăng cường triển khai tàu, máy bay tuần tra các vùng biển gần Nhật. Triều Tiên thì vẫn chưa thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân hay phong tỏa chương trình tên lửa. Nga đầu tuần này cho biết đã xây dựng một số doanh trại chứa quân ở các đảo lấy từ Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo Reuters, kế hoạch này phản ánh rõ nhất tham vọng trở thành một sức mạnh khu vực của Nhật, trong bối cảnh TQ và Nga đang gây áp lực lên đồng minh Mỹ.

Một chiếc F-35B chuẩn bị hạ cánh thẳng đứng xuống tàu sân bay đổ bộ USS Wasp của Mỹ trên vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa (Nhật). Ảnh: REUTERS

Xoa dịu ông Trump về thương mại

Ngoài đối phó với các đối thủ trong khu vực, những chiếc F-35 cũng có thể giúp Nhật tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, theo Reuters. Nikkei cũng đồng tình ông Abe muốn dùng chuyện mua khí tài quân sự để làm Tổng thống Mỹ Donald Trump nguôi giận về chuyện Nhật thiếu hụt thương mại với Mỹ. Theo Bloomberg, có thể nhìn thấy rõ suy nghĩ này của Nhật qua chuyện Nhật thông báo nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng quốc phòng từ đồng minh Mỹ.

27.500 tỉ yen (tương đương 333 tỉ USD) là khoản chi Nhật dành mua thiết bị quân sự trong năm năm tới, cao hơn kế hoạch năm năm trước 6,4%. 

Với 68,86 tỉ USD thiếu hụt thương mại với Mỹ năm 2017 (số liệu từ Phòng Thương mại Mỹ), Nhật hiện là nước có số thiếu hụt thương mại lớn thứ ba thế giới với Mỹ, sau TQ và Mexico. Japan Times lo ngại Nhật sẽ là điểm nhắm đến tiếp theo của ông Trump sau khi đồng ý đình chiến thương mại với TQ. Xử lý thiếu hụt thương mại với các nước là một ưu tiên hàng đầu của ông Trump nhằm tiến tới mục tiêu tái thắng cử vào năm 2020, đặc biệt sau khi đảng Cộng hòa mất thế đa số tại Hạ viện về tay đảng Dân chủ.

Ông Trump luôn thúc giục Nhật mua thêm thiết bị quân sự hay hàng hóa từ Mỹ, đe dọa sẽ đánh thuế lên ô tô Nhật - một mặt hàng chủ lực của kinh tế Nhật. Gặp ông Abe tại hội nghị G20 ở Argentina đầu tháng này, ông Trump lần nữa nhắc lại khoản “thiếu hụt khổng lồ” giữa Nhật với Mỹ và mong muốn Nhật nhanh chóng có biện pháp cân bằng thương mại. Thời điểm này ông Trump cũng đề cập khả năng “Nhật sẽ mua một lượng lớn máy bay chiến đấu, có thể là F-35”. Trước đó, gặp nhau tại New York (Mỹ) hồi tháng 9, ông Abe đã nói với ông Trump rằng Nhật sẽ chi nhiều hơn cho quốc phòng, mua thêm khí tài từ Mỹ. Hai ông Trump, Abe đã đồng ý đối thoại về một thỏa thuận thương mại, bắt đầu từ tháng 1-2019.

Dẫn đầu phái đoàn thương lượng phía Mỹ là đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người có quan điểm rất cứng rắn về thương mại. Dẫn đầu phái đoàn phía Nhật là Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi. Theo Japan Times, chính phủ Trump khả năng lớn sẽ thúc giục Nhật tăng mở cửa các thị trường ô tô và nông nghiệp. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue từng kêu gọi Nhật giảm thuế nhập khẩu nông sản Mỹ. Mỹ cũng muốn Nhật mở rộng tiếp cận thị trường ô tô cũng như thúc giục các tập đoàn ô tô Nhật mở rộng sản xuất ở Mỹ nhằm tạo việc làm cho Mỹ. Chính sách Nhật không đánh thuế nhập khẩu với ô tô nước ngoài và các nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ yêu cầu Nhật nới lỏng các điều kiện an toàn và môi trường để ô tô Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường Nhật.

Nhiều nước có thể sẽ phản ứng

SCMP dẫn nhận định của nhiều nhà quan sát rằng kế hoạch nâng cấp tàu sân bay của Nhật có thể khiến TQ mở rộng các chương trình quốc phòng của mình. TQ hiện có hai tàu sân bay: tàu Liêu Ninh và tàu nội địa lớp 001A. đến năm 2030, TQ dự tính sẽ có ít nhất bốn đội tàu sân bay tấn công hoạt động.

Theo GS Carl Schuster tại ĐH Hawaii Thái Bình Dương và từng là hạm trưởng hải quân Mỹ, các tàu sân bay Nhật sau khi được nâng cấp có thể sẽ chỉ chở được 6-8 chiếc F-35. Trong khi tàu sân bay TQ có thể chở tới hơn 20 chiếc.

Chuyên gia quốc phòng Collin Koh Swee Lean tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) lo ngại kế hoạch của Nhật có thể gây phản ứng mạnh không chỉ từ TQ mà cả từ Triều Tiên lẫn Hàn Quốc, cũng như tăng thêm sự cạnh tranh hàng hải ở Đông Bắc Á.

Theo ông, các nước có thể sẽ tìm cách tăng năng lực đối phó thông qua củng cố quốc phòng, thậm chí đẩy mạnh các thỏa thuận quốc phòng và an ninh với các nước lớn ngoài khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm