Nga, Trung Quốc phản pháo Mỹ tại LHQ

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 72 đang diễn ra ở New York (Mỹ) được Nga và Trung Quốc (TQ) dùng như một cơ hội thách thức “trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo”, theo nhận định của hãng tin CNN (Mỹ). Các bài phát biểu của giới lãnh đạo ngoại giao Nga và TQ tại kỳ họp chỉ trích thái độ thù địch của chính phủ Mỹ với Iran và Triều Tiên, cũng như cách Mỹ tiếp cận các vấn đề thế giới.

Thách thức “trật tự Mỹ”

Phát biểu tại kỳ họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị không bỏ qua cơ hội cảnh báo: Quá trình toàn cầu hóa cũng như các nền kinh tế mới nổi sẽ đẩy Mỹ khỏi vị thế cường quốc đứng đầu thế giới.

“Tiến trình tạo ra một trật tự thế giới đa cực là một xu hướng khách quan. Đây là điều mà mỗi nước cần phải thích nghi, bao gồm cả những nước từng ở vị thế cao hơn nước khác” - Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh. Thông điệp của ông Vương Nghị mang văn phong ngoại giao hơn: “Chúng ta sống trong thời kỳ có xu thế hướng tới một thế giới đa cực, đang chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn về bối cảnh quốc tế và cán cân quyền lực”. Ông Vương kêu gọi LHQ trở thành trung tâm của trật tự thế giới và “các quốc gia có thể bình đẳng, có thể xử lý các vấn đề toàn cầu cùng với nhau”.

Thông điệp thách thức của Nga và TQ với “trật tự Mỹ” là khá rõ ràng. Ngày 18-9, cả hai nước đều từ chối ký vào tuyên bố của ông Trump kêu gọi LHQ cải cách nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Phát biểu tại kỳ họp ngày 19-9, ông Trump nói nhiều về chủ quyền, rằng đó là nền tảng của quan hệ quốc tế và hành động tập thể. Tuy nhiên, ông Trump lại gửi đi thông điệp đe dọa các quốc gia mà Mỹ không có thiện cảm như Venezuela, Triều Tiên, Iran. Ông Lavrov ngày 21-9 đã cáo buộc ông Trump kích động bạo lực ở Venezuela. Ông nhấn mạnh lập trường của Nga là cộng đồng quốc tế cần khuyến khích các bên ở Venezuela hòa giải và thỏa hiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Ảnh: REUTERS

Đứng về phía Iran, Triều Tiên

Cả hai nhà lãnh đạo ngoại giao Nga và TQ đều không hài lòng với việc Mỹ liên tục đe dọa Triều Tiên. Đặc biệt, vào ngày 19-9, ông Trump đã không ngần ngại đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. Ông Lavrov chỉ trích rằng “cuồng loạn quân sự” không chỉ sẽ gây bế tắc mà còn tạo ra thảm họa. Cả Nga và TQ đều kêu gọi Mỹ quay trở lại bàn đàm phán, đánh giá đây là con đường duy nhất giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai nước đều là thành viên “câu lạc bộ hạt nhân” và đều là láng giềng của Triều Tiên. Nắm trong tay quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, Moscow và Bắc Kinh thường xuyên khiến chính quyền Washington đau đầu trong tìm kiếm đồng thuận trừng phạt Triều Tiên.

Bên cạnh đó, ông Lavrov và ông Vương Nghị cũng lên tiếng chỉ trích lập trường của Mỹ trong vấn đề Iran. Nhiều nước đã cùng Nga và TQ đồng loạt lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran trước sự công kích và vận động của Mỹ đòi thương lượng lại hoặc hủy bỏ. Nga và TQ là hai trong số các thành viên nhóm P5+1 cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân tranh cãi của mình đổi lấy giảm nhẹ trừng phạt. Mỹ muốn thương lượng lại, cho rằng thỏa thuận hiện tại quá nhân nhượng Iran, không phục vụ quyền lợi an ninh Mỹ, hạn chế khả năng làm áp lực lên Iran của Mỹ. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 19-9, Tổng thống Trump nói thỏa thuận là “nỗi xấu hổ” của Mỹ. Đầu tháng này, Mỹ trừng phạt 11 cá nhân và công ty Iran bị cáo buộc ủng hộ quân đội Iran và liên quan đến các vụ tấn công mạng các ngân hàng Mỹ.

Trước Đại hội đồng LHQ ngày 21-9, ông Lavrov chỉ trích việc Mỹ đơn phương trừng phạt Iran là “không đúng luật và hủy hoại nỗ lực tập thể của thế giới”. Ngày trước đó, 20-9, ông Lavrov tuyên bố Nga sẽ cương quyết bảo vệ thỏa thuận vì nó có được sự ủng hộ từ cả khu vực và quốc tế. Về phía TQ, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng thỏa thuận Iran dù không hoàn hảo nhưng nếu Iran bị hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo ông, căng thẳng hiện tại ở bán đảo Triều Tiên cho thấy thỏa thuận hạt nhân Iran là vô cùng quan trọng.

Mỹ muốn dùng thỏa thuận hạt nhân để ép Iran bỏ ủng hộ Hezbollah và Syria, ABC News dẫn thông tin từ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster. Theo đó, quyết định của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran là một phần của việc tái sắp xếp chính sách của Mỹ với Iran. Nếu Iran muốn thỏa thuận này được duy trì thì chính quyền Tehran phải chấp nhận không tiếp tục hỗ trợ lực lượng vũ trang Hezbollah (Lebanon) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo quy định của Quốc hội Mỹ, cứ mỗi ba tháng chính phủ Mỹ phải báo cáo Quốc hội về quá trình tuân thủ thỏa thuận của phía Iran. Các thanh sát viên hạt nhân LHQ xác nhận Iran tuân thủ tốt thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Trump từng đe dọa sẽ không chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận trong lần báo cáo tiếp theo vào tháng 10 tới. Nếu điều này xảy ra, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định có khôi phục các lệnh trừng phạt Iran vốn đã được tạm ngưng theo nội dung thỏa thuận 2015 hay không.

_______________________________

128 nước ký vào tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ LHQ cải cách để giảm chi phí và xử lý hiệu quả hơn các vấn đề toàn cầu. Tuyên bố này muốn có hiệu lực phải được ít nhất 130 nước ký. Nga và Trung Quốc nằm trong số các nước từ chối ký.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm