Mỹ tái áp đặt trừng phạt, Iran đánh tiếng muốn đối thoại

Hôm nay 7-8, ba tháng sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính phủ Trump chính thức khôi phục trừng phạt với Iran.

Viết trên Twitter sáng 7-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các lệnh trừng phạt này "khắc nghiệt nhất tới giờ", cảnh cáo các nước "nếu làm ăn với Iran thì sẽ không được làm ăn với Mỹ", rằng trừng phạt sẽ còn "tăng lên một cấp độ khác vào tháng 11 tới".

Mỹ trừng phạt Iran, cảnh cáo EU

Hôm nay chỉ mới là vòng đầu tiên khôi phục trừng phạt Iran. Vòng trừng phạt này áp lên ngành công nghiệp sản xuất ô tô, giao dịch vàng và các kim loại quý khác của Iran. Vòng trừng phạt thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, với các lệnh trừng phạt áp lên lĩnh vực dầu mỏ Iran.

 
ông Trump đã chính thức tái áp đặt một phần các biện pháp trừng phạt vốn đã bị dỡ bỏ sau khi chính quyền cựu Tổng thống Obama ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: WSJ

Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 và chính thức tái áp đặt trừng phạt lên Iran từ ngày 7-8. Ảnh: WSJ

 

Theo CNN, cảnh cáo của ông Trump rõ ràng nhắm vào Liên minh châu Âu (EU), vốn muốn bảo vệ các doanh nghiệp EU đang làm ăn với Iran khỏi trừng phạt thứ phát từ Mỹ.

Chính phủ Trump đơn phương tái áp đặt trừng phạt lên Iran sau quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump hồi tháng 5. Thỏa thuận này được ký năm 2015, giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ - lúc đó dưới thời Obama, Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc).

Ngày 6-8, Ủy ban châu Âu và ba nước Anh, Pháp, Đức cho biết lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ và tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận với Iran. Các nước châu Âu ra tuyên bố chung khẳng định sẽ "bảo vệ các công ty EU làm ăn hợp pháp ở Iran khỏi ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Từ trước khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt lên Iran nhiều công ty quốc tế đã rút hoạt động khỏi Iran vì lo ngại Mỹ trừng phạt thứ phát.

Iran đánh tiếng muốn đối thoại

Tại Iran ngày 7-8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng quyết định của chính phủ Trump là đòn "chiến tranh tâm lý". Theo ông Rouhani, chính phủ Trump áp đặt trừng phạt và tăng chỉ trích Iran nhằm tranh thủ ủng hộ của người dân Mỹ trong bối cảnh Quốc hội Mỹ sẽ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

"Tôi tin họ muốn khuấy động một cuộc chiến tâm lý và tạo tư tưởng hoài nghi về người dân Iran trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Do đó, những tuyên bố của ông Trump là nhằm giành phần lợi thế cho chính quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội” - ông Rouhani nhận định.

Ông Rouhani cho hay Trung Quốc và Nga đã ám chỉ tới việc họ sẽ không tuân thủ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran dù chính phủ Trump từng đe dọa nước nào còn tiếp tục giao thương với Iran sẽ lãnh “hậu quả khủng khiếp”.

Một cửa hàng vàng và nữ trang đóng cửa ở Tehran (Iran). Ảnh: NYT

Tuy nhiên ông Rouhani cũng đánh tiếng rằng Iran sẵn sàng đối thoại với Mỹ để giải quyết khúc mắc.

“Tôi không đưa ra bất cứ điều kiện gì. Nếu chính phủ Mỹ sẵn lòng thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu đây là thiện chí, Iran sẽ sẵn sàng hoan nghênh đối thoại và đàm phán" - ông Rouhani trả lời phỏng vấn trên truyền hình chỉ vài giờ trước khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Iran.

Ông Rouhani cũng nói Iran muốn Mỹ thu nhỏ quy mô trừng phạt trước khi hai bên có thể bắt đầu đối thoại.

“Nếu một người nào đó kề dao vào tay kẻ địch hoặc đối phương trong khi đề xuất hai bên đàm phán thì câu trả lời là trước hết họ phải hạ dao sau đó mới ngồi vào bàn đàm phán được. Trong khi những lệnh trừng phạt của Mỹ lại đang nhắm vào chính trẻ nhỏ và người dân Iran” - ông Rouhani nói thêm.

Dù thế, ông Rouhani vẫn quan ngại về độ tin cậy của ông Trump khi vị tổng thống Mỹ này từng nhiều lần phá bỏ các thỏa thuận đã ký kết với nhiều quốc gia khác.

“Người tuyên bố sẵn sàng đàm phán trong ngày hôm nay lại chính là người từng rút khỏi nhiều cam kết quốc tế, từ hiệp định biến đổi khí hậu Paris cho tới những cam kết thương mại với các quốc gia khác” - ông Rouhani nói.

Phản ứng với đề nghị đối thoại của ông Rouhani, nói với CNN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng đề nghị này có thể chỉ mang tính "tuyên truyền".

“Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra hay đây chỉ là hành động mang tính tuyên truyền. Nếu Iran sẵn sàng thảo luận về những hành động của họ trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, tôi nghĩ Tổng thống Mỹ cũng sẽ sẵn lòng đàm phán” - ông Bolton cũng khẳng định ông Trump vẫn theo đuổi phương án sẵn sàng đàm phán với Iran và Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm