Hàn Quốc giục Mỹ kết thúc chiến tranh Triều Tiên

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm thứ Sáu tuần trước (12-10) trước chuyến thăm đến châu Âu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết quá trình phi hạt nhân hóa của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ “bao gồm mọi thứ”, kể cả việc giải giáp tất cả vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng đang sở hữu, nhưng Triều Tiên cần Mỹ hành động tương xứng.

“Triều Tiên sẽ từ bỏ hạt nhân”

“Ông Kim nói sẽ từ bỏ hạt nhân để phát triển kinh tế. Quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc ngừng việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, chấm dứt việc sản xuất vũ khí hạt nhân, tháo dỡ các cơ sở phát triển tên lửa, giải giáp tất cả vũ khí và vật liệu hạt nhân hiện có. Tất cả đều sẽ được thực hiện” - Tổng thống Moon mô tả.

Phía Hàn Quốc cũng thúc giục Washington hành động trước các động thái thiện chí của Bình Nhưỡng. “Triều Tiên đã ngừng tất cả hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân duy nhất của nước này, đang tháo dỡ các cơ sở thử nghiệm tên lửa hạt nhân, đồng thời hứa tiến hành các bước tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có các hành động tương xứng” - ông Moon nói thêm.

Người đứng đầu Hàn Quốc cho rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên, xảy ra vào năm 1950 và tạm dừng bằng hiệp định đình chiến từ năm 1953 đến nay, sẽ là một tuyên bố chính trị quan trọng cho thấy Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ thù địch với Bình Nhưỡng kéo dài nhiều thập niên. “Tiến đến quá trình chấm dứt chiến tranh như vậy chính là một động thái tương xứng mà Mỹ nên làm” - ông Moon cho biết.

Nhận định của ông Moon thống nhất với quan điểm chính quyền Bình Nhưỡng. Triều Tiên lâu nay luôn xem hạt nhân là “hộ mệnh” của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh tình hình chiến tranh vẫn tiếp diễn và Washington có thể sử dụng quân đội tại Hàn Quốc, cùng các đồng minh khu vực, tấn công chế độ của Triều Tiên bất kỳ lúc nào. Thiết lập lại hòa bình thông qua một hiệp định đa phương, bao gồm liên Triều, Mỹ và Trung Quốc, là một nhu cầu mang tính sống còn mà Bình Nhưỡng theo đuổi để đổi lại cam kết phi hạt nhân hóa.

Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Moon Jae-in gặp nhau hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS

Hòa bình là vấn đề thời gian

Washington cho đến nay vẫn luôn né tránh yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên. Mỹ khẳng định cuộc chiến này chỉ kết thúc khi Triều Tiên đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ thù địch Mỹ-Triều vẫn còn đó, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có khen ngợi ông Kim Jong-un là người hùng và hành động can đảm. Washington hiện có đến 28.500 binh sĩ đóng quân ở Hàn Quốc nhằm đề phòng các hành động tấn công từ Bình Nhưỡng.

Tăng trưởng kinh tế Triều Tiên đạt khoảng 3,7% trong năm 2017. Điều này cho thấy Triều Tiên đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế mà không chịu phụ thuộc vào nước khác.

GS RI GI-SONGViện Kinh tế  thuộc Học viện
Khoa học xã hội
 

Dù vậy, Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ lạc quan, cho rằng việc ký kết hiệp đình hòa bình, chấm dứt cuộc chiến năm 1950 chỉ còn là “vấn đề thời gian”. Ông Moon tin rằng thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều lần thứ hai, dự kiến diễn ra ngay sau bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kết thúc, sẽ mang lại những kết quả ấn tượng thông qua việc hai bên sẽ thống nhất những quyết sách lớn, đồng thuận về lộ trình cụ thể phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cùng với đó là các giải pháp hành động tương xứng đến từ Washington.

Tổng thống Hàn Quốc cũng bác bỏ các suy đoán rằng quan hệ Mỹ-Hàn Quốc đang rạn nứt. Tổng thống Trump trước đó trả lời báo chí về việc Hàn Quốc đang thảo luận đến việc nước này nên “hành động linh hoạt” để gỡ bỏ một số cấm vận đối với Triều Tiên. “Seoul sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của chúng tôi” - ông Trump khẳng định. Giải thích về câu trả lời của người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Moon cho rằng: “Các phát biểu của Tổng thống Trump có nghĩa rằng Hàn Quốc phải phối hợp một cách chặt chẽ với Mỹ. Hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ có thể diễn ra sau khi lệnh trừng phạt (của Mỹ và Liên Hiệp Quốc) nhằm vào Triều Tiên được xóa bỏ và các ngoại lệ được cho phép” - ông Moon nói. Hàn Quốc cũng cho biết nước này đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế với Triều Tiên ngay khi có thể.

Ông Moon cũng cho rằng các vấn đề về quyền con người ở Triều Tiên chỉ có thể được cải thiện thông qua đối thoại liên Triều chứ không phải bằng các biện pháp gây áp lực từ quốc tế. “Cách thiết thực nhất để cải thiện quyền con người với dân chúng ở Triều Tiên là thông qua hợp tác Bắc-Nam và giữa liên Triều với cộng đồng quốc tế, đồng thời Triều Tiên trở thành “quốc gia bình thường” sau khi bước nào quá trình mở cửa” - ông Moon lý giải.

Tổng thống Trump lạc quan nhưng không kỳ vọng thái quá

“Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc gặp lần hai giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump trong một, hai tháng tới” - Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông John Bolton, cuối tuần qua thông báo. Ông Bolton nhấn mạnh rằng Triều Tiên cần phải phi hạt nhân hóa “hoàn toàn và không thể bị đảo ngược”. Theo vị này, nếu Bình Nhưỡng làm được điều đó, nước này có thể bước qua cánh cửa Tổng thống Trump đang mở sẵn kể từ thượng đỉnh Singapore, tương lai có thể sẽ rất khác cho người dân Triều Tiên. Ông Bolton cho biết ông Trump “lạc quan” sẽ không kỳ vọng thái quá về quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, hàm ý Washington sẽ không dễ dàng để Triều Tiên mặc cả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm