Nhật đứng bên lề vụ Triều Tiên, tại sao?

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh quyết định ngừng thử hạt nhân-tên lửa, đóng cửa một điểm thử hạt nhân lớn của Triều Tiên thì Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sáng 21-4 lại thận trọng trước tuyên bố này.

Ông Abe cho biết ông xem tuyên bố của Triều Tiên là động thái tích cực hướng về phía trước nhưng bắt buộc phải tiến tới mục tiêu giải trừ hạt nhân có thể thẩm tra được.

“Tuyên bố này là động thái hướng về phía trước mà tôi muốn hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng là nó phải tiến đến sự giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể thẩm tra được. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó” - ông Abe nói với báo chí tại Tokyo.

Trong khi đó tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố giờ không phải là lúc giảm áp lực với Triều Tiên, mặc thông tin Triều Tiên quyết định ngừng thử hạt nhân-tên lửa.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thống nhất phải buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn hạt nhân. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thống nhất phải buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn hạt nhân. Ảnh: REUTERS

Họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, ông Onodera và ông Mattis đồng ý sẽ duy trì “tối đa áp lực” lên Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân-tên lửa.

“Chúng tôi xác nhận sẽ duy trì áp lực và trừng phạt để buộc Triều Tiên từ bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo một cách toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” - ông Onodera nói với báo chí sau cuộc gặp với ông Mattis tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hai ông Onodera và Mattis thống nhất rằng: Trong cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ yêu cầu ông Kim từ bỏ mọi tên lửa có khả năng bắn vào Nhật. Năm 2017, Triều Tiên đã ít nhất ba lần bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật, một số quả còn rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật.

Truyền hình Nhật đưa tin về vụ Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật ngày 15-9. Ảnh: REUTERS
Truyền hình Nhật đưa tin về vụ Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ Nhật ngày 15-9. Ảnh: REUTERS

Hai bộ trưởng cũng đồng ý rằng việc Mỹ duy trì năng lực ngăn chặn ở Bắc Á là điều sống còn, kể cả việc duy trì quân Mỹ ở Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Taro Kono ngày 20-4 cho biết ba nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc đã thống nhất hạn cuối cho Triều Tiên hoàn tất giải trừ hạt nhân là vào năm 2020. Mục đích quyết định này nhằm ngăn Triều Tiên dùng các cuộc gặp thượng đỉnh tới để trì hoãn thời gian phát triển thêm vũ khí hạt nhân.

Theo ông Kono, sở dĩ thời điểm 2020 được chọn vì sau thời điểm này sẽ có sự thay đổi lãnh đạo ở bộ ba đồng minh. Ông Trump sẽ đối mặt cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 11-2020, nhiệm kỳ năm năm của ông Moon sẽ kết thúc vào năm 2022.

“Chúng tôi muốn điều này được hoàn thành trong thời kỳ các chính phủ Trump, Moon, Abe” - ông Kono nói.

Ngoại trưởng Nhật Taro Kono lo ngại Triều Tiên muốn câu giờ để hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân. Ảnh: NIKKEI
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono lo ngại Triều Tiên muốn câu giờ để hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân. Ảnh: NIKKEI

Theo ông Kono, nếu mục tiêu giải trừ hạt nhân không đạt được trước khi ông Trump rời Nhà Trắng thì Triều Tiên sẽ được mặc định xem là một quốc gia hạt nhân.

Sự thận trọng của Thủ tướng Abe, Bộ trưởng Onodera, Ngoại trưởng Kono không có gì lạ nếu nhìn lại thái độ bên lề của Nhật trong khi Mỹ, Hàn Quốc tích cực sắp xếp các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên. Nhật trước giờ vẫn chủ trương ủng hộ chính sách tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Jong-un cuối tháng 3 sang thăm Trung Quốc, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuần trước, Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Song Tao cùng một đoàn nghệ thuật nước này sang Triều Tiên và được ông Kim Jong-un đón tiếp trọng thể. Mới đây, có thông tin ông Tập Cận Bình sẽ sang thăm Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-un thực hiện hai cuộc gặp thượng đỉnh với hai lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thanh sát tên lửa ICBM Hwasong-14. Ảnh: KCNA công bố ngày 5-6-2017
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thanh sát tên lửa ICBM Hwasong-14. Ảnh: KCNA công bố ngày 5-6-2017

Vài ngày trước Bộ trưởng Ngoại giao Ro Yong-ho sang thăm Nga, gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và diện kiến Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Hiện có đồn đoán sắp tới hai ông Putin và Kim Jong-un sẽ gặp nhau.

Mới đây, phía Mỹ công khai thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo, người đang được Thượng viện cân nhắc vị trí ngoại trưởng thay ông Rex Tillerson do chính ông Trump đề cử, sang Triều Tiên gặp ông Kim Jong-un bàn về cuộc gặp thượng đỉnh.

Trong khi đó phía Nhật và Thủ tướng Abe lại lặng lẽ. Gặp ông Trump trong chuyến thăm Mỹ mới đây, trong khi ông Trump hào hứng nói chính ông đã phái ông Pompeo sang Triều Tiên thì ông Abe còn nhắc nhở Mỹ ghi nhớ quan điểm của Nhật là Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược. Reuters nhận định ông Abe đang lo ngại ông Trump có thể bị lèo lái chệch hướng, không bám đến cùng mục tiêu, không bảo vệ được quyền lợi an ninh của Nhật khi gặp trực tiếp ông Kim Jong-un.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm