Chính phủ Mỹ gần một tháng đóng cửa ra sao?

Chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa từ ngày 22-12-2018 và tính đến nay đã kéo dài gần một tháng, lâu kỷ lục trong lịch sử Mỹ. Tình trạng này chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt khi Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ vẫn chưa thể thống nhất được chuyện chi tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico.

Trong 3/4 chính phủ còn duy trì hoạt động có Bộ Quốc phòng và cơ quan bưu chính. Tuy nhiên, khoảng 800.000 nhân viên chính phủ còn lại, trong đó có các bộ An ninh nội địa, Giao thông… phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương. Các nhà thầu tư nhân làm việc với các cơ quan chính phủ cũng không được trả tiền. các công ty tư nhân hợp tác với các nhân viên chính phủ liên bang cũng chịu ảnh hưởng.

Cơ quan Phát triển nhà và đô thị, Bộ Nội vụ

Phần lớn trong 7.500 nhân viên cơ quan này được xác định có nhiệm vụ không quan trọng và chỉ có 340 nhân viên tiếp tục làm việc. Gần 1.000 nhân viên khác nằm trong tư thế có thể bị gọi làm việc bất cứ lúc nào nhưng không được trả lương.

Bộ Nội vụ dự tính gọi một số nhân viên đang phải nghỉ phép trở lại làm việc tạm thời, bằng các quỹ còn tồn từ năm ngoái. Cơ quan Công viên Quốc gia cũng đang thu hẹp hoạt động. Kế hoạch khẩn cấp của cơ quan này là vẫn mở cửa một số công viên, nhưng nhiều công viên bị đóng cửa hoàn toàn. Các công viên mở cửa sẽ không cung cấp các dịch vụ như nhà vệ sinh, dọn rác... Một số địa điểm cắm trại phải đóng cửa vì vấn đề vệ sinh. Một số lượng người tình nguyện dọn dẹp các công viên, theo tin từ truyền thông. Có xảy ra tình trạng hư hại trong một số công viên khi thiếu vắng lực lượng giám sát khách. Các công viên đang mất khoảng 400.000 USD/ngày vì thiếu nhân viên soát vé ở các cổng vào.

Tổng thống Trump đưa chính phủ Mỹ vào giai đoạn đóng cửa kỷ lục. Ảnh: GETTY

Thương mại, Tư pháp và Y tế

Cục Phân tích kinh tế và Cục Thống kê thuộc Phòng Thương mại chưa công bố số liệu ảnh hưởng của việc chính phủ đóng cửa đến GDP, lạm phát, thu nhập cá nhân,… nhưng dự kiến con số này không phải nhỏ.

Hệ thống tòa án Mỹ giữa tuần này nói có thể duy trì hoạt động đến ngày 25-1 và hầu hết tiến trình hoạt động sẽ vẫn được tiếp tục như đã lên lịch trước. Ban đầu hệ thống tòa án tính toán quỹ duy trì có thể sẽ cạn kiệt vào ngày 18-1 nhưng thời gian này đã được kéo dài thêm nhờ các nỗ lực lớn trong cắt giảm chi phí. Các vụ việc liên quan đến các luật sư đã nghỉ phép vì chính phủ đóng cửa có thể sẽ bị hoãn lại.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và một số cơ quan khác trực thuộc Bộ Y tế đã bị ảnh hưởng một phần vì tình trạng đóng cửa chính phủ. Một số lượng nhà thanh tra thuốc và thực phẩm phải nghỉ không hưởng lương, tuy nhiên FDA cho biết vẫn có thể ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (như xảy ra dịch bệnh từ thực phẩm). Một số dự án nghiên cứu khoa học phải chịu cảnh ngưng trệ.

Ước tính 1.100/1.800 nhân viên của Văn phòng tổng thống nghỉ phép, trong đó có phần lớn nhân viên của Văn phòng Quản lý và Ngân sách - cơ quan giúp thực hiện ngân sách và các mục tiêu chính sách

Bộ Nông nghiệp và Giao thông

Bộ Nông nghiệp Mỹ nói các nông dân Mỹ vẫn có thể nộp đơn xin hỗ trợ nhằm giảm nhẹ thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Riêng các nông dân đã nộp đơn vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ.

Chương trình hỗ trợ thực phẩm cho người Mỹ thu nhập thấp sẽ kéo dài đến tháng 2, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue nói tuần trước. Tuy nhiên tháng 3 thì chưa biết, tùy thuộc vào việc chính phủ có mở cửa trở lại hay không. Ủy ban Viễn thông liên bang, cơ quan quản lý các hệ thống truyền hình-phát thanh, đã ngưng gần hết hoạt động.

Hiện 20.400/55.000 nhân viên của Bộ Giao thông phải nghỉ không lương. Tuy nhiên, phần lớn trong 24.200 nhân viên của Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) và toàn bộ 2.700 nhân viên Cơ quan Cao tốc liên bang vẫn làm việc, được nhận lương từ các nguồn quỹ khác. FAA giữa tuần này cho biết sẽ gọi 1.700 thanh tra an toàn hàng không trở lại làm việc để đảm bảo an toàn hàng không của toàn không phận quốc gia.

Các cuộc thanh tra kiểm soát không lưu, điều tra tai nạn hàng không sẽ vẫn được tiếp tục, tuy nhiên các tiến trình nghiên cứu ra quy định hay kiểm toán đã bị hoãn. Cơ quan An toàn giao thông Quốc gia (NHTSA) đã cho nghỉ phép tới gần 60% nhân viên, ngưng các cuộc thanh tra an toàn ô tô và việc thông báo thu hồi xe bị lỗi. Cơ quan này cho biết sẽ thông báo các trường hợp nghỉ phép trở lại làm việc nếu thấy tình trạng an toàn giao thông bị đe dọa. Cuối tuần trước, một số kiểm soát không lưu và nhân viên ngành hàng không đã biểu tình trước trụ sở Quốc hội phản đối để xảy ra tình trạng đóng cửa chính phủ.

Sở Thuế vụ và Bộ An ninh nội địa

Gần 70.000 nhân viên của Sở Thuế vụ - tương đương 88% nhân lực phải nghỉ phép. Điều này ảnh hưởng việc khai thuế của người dân cũng như việc Sở Thuế vụ quản lý thu nhập chính phủ trước thời hạn cuối khai thuế thu nhập ngày 15-4. Ngày 15-1, Sở Thuế vụ Mỹ cho biết sẽ thông báo cho hơn 46.000 nhân viên đi làm việc lại để giải quyết công việc tồn đọng.

Chính phủ đóng cửa đã ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan Bộ An ninh nội địa giám sát: Hải quan và Bảo vệ biên giới, Thi hành nhập cư và Hải quan, Cơ quan An ninh giao thông, Bảo vệ bờ biển và Cơ quan Mật vụ. Gần 213.000 trong 245.000 nhân viên Bộ An ninh nội địa được xác định có “nhiệm vụ quan trọng” và đang phải làm việc không có lương cho đến khi luật ngân sách được thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm