Xử tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: Nhiều rắc rối

Theo nhiều chuyên gia, pháp luật về bảo hiểm còn những điểm chưa rõ, trong khi ngày càng có nhiều vụ người mua bảo hiểm bị công ty bảo hiểm từ chối thanh toán với lý do khai báo thông tin không trung thực, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng gay gắt…

Mới đây, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên hợp đồng bảo hiểm giữa ông NVC và một công ty bảo hiểm vô hiệu và bác yêu cầu đòi tiền bảo hiểm của người nhà ông C.

Cứ xơ gan là do nghiện rượu?

Giữa tháng 11-2010, ông C. ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với công ty bảo hiểm, mệnh giá sản phẩm chính là 500 triệu đồng. Ngày 6-6-2011, ông C. bị bệnh. Sau khi cấp cứu tại BV Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), bệnh của ông C. chuyển biến nặng, người nhà đưa về thì mất.

Sau đó, anh của ông C. (người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm) đã yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm từ chối với lý do: “Qua thông tin thu thập từ địa phương và cơ quan chức năng cung cấp thì ông C. là người nghiện rượu, uống rượu thường xuyên, liên tục nhiều năm trước khi tham gia bảo hiểm, tức là mâu thuẫn với thông tin ông C. khai tại hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy hợp đồng không có hiệu lực ngay từ khi giao kết”.

Không đồng ý, anh của ông C. khởi kiện ra TAND quận 1 (nơi công ty bảo hiểm có trụ sở) yêu cầu tòa buộc công ty bồi thường hơn 500 triệu đồng.

Xử tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: Nhiều rắc rối ảnh 1

Làm việc với tòa, đại diện công ty bảo hiểm trình chứng cứ là “biên bản xác minh nhân thân” do công an xã cung cấp với nội dung ông C. nghiện rượu từ năm 2005 cho đến lúc qua đời. Tại phiên xử, đại diện công ty bảo hiểm rút chứng cứ trên nhưng vẫn cho rằng ông C. nghiện rượu căn cứ vào bệnh án bệnh viện cung cấp.

Tranh luận, anh của ông C. nói bệnh án không nêu ông C. nghiện rượu từ lúc nào. Tại phiên xử, bác sĩ cũng xác định: “Không thể xác định được thời điểm nghiện rượu”. Hơn nữa, bác sĩ trình bày việc bệnh án ghi nhận ông C. nghiện rượu là căn cứ vào lời khai của người nhà bệnh nhân nhưng bác sĩ không xác định được người đó là ai. Chưa kể trước đó tòa từng có công văn hỏi bệnh viện là “bệnh nhân C. bị xuất huyết tiêu hóa trên do giãn tĩnh mạch thực quản, xơ gan có phải là hậu quả tất yếu của việc sử dụng rượu bia trong một thời gian dài hay không?”. Bệnh viện trả lời: “Chưa đủ dữ liệu khẳng định nguyên nhân xơ gan là do rượu…”.

Dù vậy, tòa vẫn kết luận: Ông C. bị xơ gan nên ông là người nghiện rượu. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do ông C. mua vô hiệu nên bác yêu cầu khởi kiện của anh ông C. Sau phiên xử, phía nguyên đơn cho biết sẽ kháng cáo bởi “không phải ai xơ gan cũng do nghiện rượu”.

Bị HIV nghĩa là nghiện ma túy?

Tháng 2-2006, bà HTT mua bảo hiểm nhân thọ của một công ty bảo hiểm cho con trai, thời hạn đóng bảo hiểm 15 năm, giá trị hợp đồng 70 triệu đồng cho sản phẩm, kèm theo sản phẩm bổ trợ “chết và tàn tật” là 80 triệu đồng.

Một tháng sau, trên đường từ Vĩnh Long về Sa Đéc (Đồng Tháp), con trai bà T. chết vì tai nạn giao thông. Sau đó, bà T. yêu cầu công ty bảo hiểm xem xét đền bù quyền lợi bảo hiểm. Công ty bảo hiểm từ chối, cho rằng hợp đồng bảo hiểm trước đó đã vô hiệu, không có hiệu lực. Theo công ty này, trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm, bà T. đã không kê khai trung thực về tình trạng sức khỏe của con bà.

Không đồng ý, bà T. kiện đòi bồi thường 150 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm để nhận định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bà T. vô hiệu. Theo tòa, bà T. phải kê khai đầy đủ, khẳng định rõ “có” hoặc “không” các câu hỏi trong phần khai chi tiết về sức khỏe. Cụ thể, ở một câu hỏi “bạn đã, đang có sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện không?”, bà T. đánh dấu chéo vào ô “không”. Trong khi trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp ra thông báo con bà bị HIV. Như vậy bà T. đã vi phạm phần cam kết, khai không trung thực.

Tại phiên phúc thẩm, tòa nhận định bà T. mua bảo hiểm không phải vì mục đích kinh doanh nên đây chỉ là hợp đồng dân sự. Việc cấp sơ thẩm áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm là không phù hợp. Tòa phúc thẩm cũng cho rằng quy định ghi trong hợp đồng “nếu kê khai không trung thực... thì hợp đồng sẽ vô hiệu” là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ hợp đồng chỉ vô hiệu khi vi phạm các điều cấm của pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, án sơ thẩm còn có những vi phạm tố tụng khác nên tòa tuyên hủy án để xét xử lại.

Tự trang bị kiến thức

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ người mua bảo hiểm nhân thọ bị công ty bảo hiểm từ chối thanh toán vì cho rằng người mua khai báo thông tin về sức khỏe của bản thân không trung thực.

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, thị trường bảo hiểm đang ngày càng mở rộng và phát triển. Người dân thường mua bảo hiểm thông qua trung gian là người môi giới, đại lý bảo hiểm. Ngoài những trường hợp bị bệnh nan y, biết mình sắp chết, cố tình giấu giếm tình trạng sức khỏe để trục lợi, cũng có không ít vụ người mua bảo hiểm thiếu hiểu biết về pháp luật bảo hiểm. Người môi giới, đại lý bảo hiểm thì chạy theo doanh thu, lợi nhuận nên chỉ đưa những thông tin có lợi nhằm thuyết phục khách mua bảo hiểm mà không giải thích rõ về điều kiện, khả năng bất lợi… Người mua vì thế khai báo thông tin không đầy đủ nên khi có tranh chấp sẽ gặp thiệt thòi.

“Người mua bảo hiểm nên tự trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về bảo hiểm và pháp luật bảo hiểm, tìm hiểu thật kỹ các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm trước khi quyết định” - vị thẩm phán này nhấn mạnh.

Luật còn bất cập

Theo nhiều chuyên gia, pháp luật về bảo hiểm còn nhiều quy định chung chung, đặc biệt là thiếu quy định chi tiết về yếu tố lỗi vi phạm hợp đồng bảo hiểm của các bên.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật… Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự (luật gốc) lại hoàn toàn không có khái niệm đình chỉ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm giữa cá nhân và doanh nghiệp bảo hiểm là giao dịch dân sự. Một khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, một trong hai bên phải thông báo cho nhau biết trong thời gian luật định. Như vậy, hiểu sao về khái niệm đình chỉ hợp đồng? Doanh nghiệp bảo hiểm có được quyền đình chỉ hợp đồng bảo hiểm mà không cần báo trước?

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bổ sung: Khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định nếu doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng… Vậy nếu doanh nghiệp bảo hiểm cố ý không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ thì xử lý sao?

Quy định cụ thể

Pháp luật cần có quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty bảo hiểm và cả các bên hợp tác với công ty như người môi giới, đại lý. Cụ thể, phía công ty bảo hiểm phải cung cấp đủ các thông tin về sản phẩm bảo hiểm mà mình sẽ cung ứng cho khách hàng, giải thích đầy đủ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ cho bên mua bảo hiểm…

Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Doanh nghiệp “nắm đằng chuôi”?

Người mua bảo hiểm cũng có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật. Nhưng thực tế người mua bảo hiểm gần như không có đủ điều kiện để có thể kiểm tra về thông tin hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, với quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, thực tế doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có lợi nhiều hơn là khách hàng…

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm