Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 1: Đụng tí là vi hiến

Hiến pháp Hoa Kỳ là bản hiến pháp lâu đời và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi ban hành (năm 1787) đến nay, cơ quan lập pháp Hoa Kỳ qua các thời đại đã sửa đổi, bổ sung thêm 27 điều “có tính giải thích và hạn chế” (gọi là Tu chính án) với mục đích “tránh việc vận dụng sai hoặc lạm dụng quyền lực”.

Dù vậy, không ít cơ quan, tổ chức Mỹ có những hành xử lạm quyền, khiến tòa án phải tuýt còi vì hành vi vi hiến đó.

Béo phì và tranh cử tổng thống

Gần đây, một số người dư cân bị giới chủ Mỹ sa thải không thương tiếc. Việc làm đó khiến dư luận xã hội bất bình và đã có nhiều đơn kiện gửi đến tòa án. Hầu hết những vụ phân biệt đối xử về trọng lượng có liên quan đến đạo luật Chống phân biệt đối xử với người khuyết tật (ADA). Nhưng cả đạo luật đó - cũng như luật của bang Connecticut - đều không công nhận béo phì là một khuyết tật. Cả ADA cũng như Luật Hội chợ việc làm của bang Connecticut đều thường chống lại những người sử dụng lao động coi béo phì là một tình trạng khuyết tật. Theo ADA, khuyết tật được định nghĩa là suy giảm về thể chất hoặc tinh thần làm hạn chế hoạt động một cách cơ bản.

Năm 2003, một người đàn ông béo phì kiện một nhà hàng ở Bridgeport vì đã không tuyển dụng anh ta. Thẩm phán liên bang Stefan Underhill đã chấp nhận thụ lý đơn kiện. Vụ kiện này đã tạo ra sự chú ý cả nước Mỹ. Năm ngoái, Ủy ban về cơ hội việc làm bình đẳng đã kiện một tổ chức ở New Orleans (bang Louisiana) vì đã đuổi việc một nhân viên béo phì, cáo buộc tổ chức này vi phạm ADA. Vụ kiện này hiện tòa cũng chưa xử.

Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 1: Đụng tí là vi hiến ảnh 1

 Tổng thống George H.W. Bush ký ban hành đạo luật Chống phân biệt đối xử với người khuyết tật năm 1990. Ảnh: whitehousehistory.org

Daniel Schwartz - luật sư của Công ty Luật Pullman & Comley cho rằng các vụ kiện về phân biệt đối xử với người thừa cân có thể trở nên phổ biến hơn trong thập niên tới. “Không có luật nào đặc biệt cấm phân biệt đối xử trọng lượng” - luật sư Schwartz nói - “Điều mà luật pháp cấm là sự phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật của con người”.

Các vụ kiện cáo nạn phân biệt đối xử trọng lượng sẽ còn rắc rối hơn khi người ta biết được hơn hai phần ba số người trưởng thành ở Mỹ thừa cân hoặc béo phì. Đồng thời, ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy họ bị phân biệt đối xử vì trọng lượng. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy có 81% phụ nữ và 65% nam giới ủng hộ các bộ luật xem việc người sử dụng lao động phân biệt đối xử về trọng lượng là trái với pháp luật.

Tóm lại, người béo phì chưa hẳn là người khuyết tật. Ngay cả người khuyết tật cũng không bị phân biệt đối xử theo luật định. ADA và đạo luật Nhân quyền năm 1964 đều có cơ sở từ khoản 1 Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ nhằm đảm bảo sự bình đẳng của con người. Trong khi đó, những người béo phì bị đuổi việc đều là những người đang lao động bình thường như mọi người khác.

Bức xúc trước nạn phân biệt đối xử với người béo phì, tờ Ctlawtribune còn “lôi” ông Chris Christie - Thống đốc bang New Jersey, người đang vận động tranh cử ghế tổng thống nhiệm kỳ tới - vào câu chuyện này. Sở dĩ có sự ầm ĩ này là vì ông Christie hơi béo. Tờ này đặt vấn đề: Liệu ông Christie “cân đối” để đảm nhiệm chức vụ cao hơn bởi vì nếu không, ông không thể “ngự” trong phòng bầu dục và không đủ sức khỏe để đáp ứng các công việc căng thẳng của một người lãnh đạo quốc gia! Đi xa hơn, tờ báo này viết: Nếu ông Christie là một người phù hợp với công việc của người lãnh đạo chính phủ, liệu ông có phân biệt đối xử về trọng lượng? 

Hiến pháp Mỹ - đụng là kiện - Bài 1: Đụng tí là vi hiến ảnh 2

"Tôi, Barack Hussein Obama long trọng thề rằng tôi sẽ trung thành thực hiện chức vụ tổng thống của nước Mỹ và sẽ dốc hết khả năng để giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp Mỹ". Obama nói tại lễ nhậm chức tổng thống. Ảnh: Internet

Xét nghiệm nước tiểu là vi hiến

Chuyện này xảy ra hồi giữa tháng 9 năm nay. Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU) nộp đơn lên tòa án liên bang kiện Trường ĐH Kỹ thuật Linn (TP Jefferson, bang Missouri) về việc xét nghiệm ma túy trái phép. Một số sinh viên mới nhập trường bị xét nghiệm dù họ không có dấu hiệu nghi ngờ hay việc làm sai trái nào. Sáu sinh viên dũng cảm đứng ra khẳng định nhà trường đã vi phạm Tu chính án thứ 4 của hiến pháp và đề nghị chấm dứt ngay sự xâm phạm vô lý này.

Số là ngày 7-9-2011, các nhân viên Trường ĐH Linn tập trung các tân sinh viên để lấy mẫu nước tiểu đem đi… xét nghiệm ma túy. Sinh viên nào từ chối thì không được học tại trường, sinh viên nào có kết quả dương tính sẽ phải kiểm tra một lần nữa sau 45 ngày và có nguy cơ bị đuổi học. Chưa hết, mỗi sinh viên còn phải nộp một khoản phí xét nghiệm 50 USD.

Làm việc với ACLU, Trường ĐH Linn cho rằng sinh viên của họ phải vận hành những loại máy móc nặng nề và rằng việc xét nghiệm ma túy là nhằm giữ cho sinh viên an toàn. ACLU khẳng định cách giải thích trên hoàn toàn không chấp nhận được. Sự thật là không có bất kỳ người nào trong số sáu nguyên đơn theo học ngành máy móc hạng nặng cả. Toàn bộ họ dự tuyển vào các chuyên ngành như điện tử, kỹ thuật điện và kỹ thuật thiết kế và chỉ muốn có thể đi học để lấy bằng chứ không phải để bị xét nghiệm như thể họ đã vi phạm pháp luật trầm trọng.

ACLU đề nghị Trường Linn bãi bỏ kiểu xét nghiệm ma túy vi hiến này, ngừng ngay việc phân tích các mẫu nước tiểu và trả lại cho sinh viên số tiền 50 USD. ACLU cũng cho biết vấn đề không chỉ giới hạn trong Trường ĐH Linn. Họ nộp đơn lên tòa án liên bang với mục đích không để tình trạng này xảy ra tại bất kỳ trường ĐH nào đang nghĩ mình có quyền kiểm tra thân thể sinh viên. Đó là một việc làm bất hợp pháp.

Chỉ vài giờ sau khi đại diện thường trực của ACLU khu vực Đông Missouri đệ đơn, tòa án liên bang ra phán quyết yêu cầu Trường ĐH Linn dừng ngay việc xét nghiệm nước tiểu khi sinh viên không có hành vi vi phạm hay biểu hiện khả nghi. Tòa khẳng định đó là việc làm vi hiến. Thẩm phán Nanette K. Laughrey yêu cầu rõ ràng: Dừng ngay việc phân tích mẫu nước tiểu đã lấy được, các công ty xét nghiệm ma túy không được công bố kết quả xét nghiệm. Ông Jason Williamson - luật sư cao cấp của ACLU nói: “Nhà trường đã thừa nhận việc xét nghiệm này là vi phạm quyền riêng tư cá nhân được hiến pháp bảo vệ”.

Ngành thuốc lá thắng kiện

Trong tự do ngôn luận (Tu chính án thứ nhất của hiến pháp) có quyền nói không với bất cứ điều gì. Đó là lập luận của tòa án đưa đến thắng lợi của ngành thuốc lá Mỹ vào đầu tháng 11 năm nay.

Số là chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất thuốc lá thiết kế các vỏ bao thuốc lá trên đó có in các hình ảnh về ung thư phổi, ung thư miệng, một em bé trong lồng ấp và một tử thi trên bàn khám nghiệm. Lý do: Để người hút thuốc ớn lạnh trước thông điệp thuốc lá có thể “gây bệnh tật, giết chết bạn và những người bạn yêu thương”. Ngành thuốc lá đã đệ đơn kiện lên tòa.

Thẩm phán Richard Leon kết luận rằng chính phủ đang đi quá xa và ban hành một án lệnh sơ thẩm. Theo thẩm phán, chính phủ đang buộc các nhà sản xuất thuốc lá “nói” cái điều mà họ phản đối. Thẩm phán giải thích đó là một nguyên tắc hiến định và phán quyết trên đã ngăn chặn việc cơ quan chính quyền buộc các công ty thuốc lá in những hình ảnh ớn lạnh trên vỏ bao thuốc lá.

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm