Xử vụ tàng trữ xác rùa biển: Liên tục gặp vướng

VKSND TP Nha Trang vừa có cáo trạng mới truy tố Hoàng Tuấn Hải (ngụ xã Phước Đồng) về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tàng trữ lượng xác rùa biển lớn nhất thế giới

Theo cáo trạng mới, tháng 11-2014, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại kho xưởng của Hải 5.056 kg cá thể rùa biển khô. Một tháng sau, công an tỉnh kiểm tra, phát hiện Hải cất giấu nhiều xác rùa biển tại khu vực chăn nuôi của một người dân ở xã Phước Đồng.

Khám xét, công an thu giữ được 4.383 xác cá thể rùa biển, 789 vỏ trai tai tượng khổng lồ (nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn và rất lớn) cùng nhiều phương tiện, máy móc phục vụ việc chế tác xác rùa.

Quá trình điều tra xác định: Dù không có giấy phép kinh doanh nhưng từ năm 2010, Hải đã mua xác rùa từ ngư dân với mục đích làm nguyên liệu chế tác thành phẩm mỹ nghệ để bán kiếm lời.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) xác định đây là vụ tàng trữ xác rùa biển với số lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Cơ quan chức năng giám định xác rùa biển thu giữ của Hải. Hải tại phiên xử sơ thẩm ngày 11-1-2018 (ảnh nhỏ). Ảnh: T.LỘC

Liên tục gặp vướng mắc

Quá trình tố tụng của vụ án sau đó liên tục gặp vướng mắc vì nhiều lý do.

Tháng 6-2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án nhưng bốn tháng sau thì tạm đình chỉ với lý do gặp khó khăn về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh.

Tháng 8-2016, VKSND Tối cao có công văn đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khẩn trương giải quyết vụ án vì đủ căn cứ khởi tố bị can đối với Hải về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo khoản 1 Điều 190 BLHS cũ (mức án cao nhất đến ba năm tù).

Hai tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa phục hồi điều tra, khởi tố bị can đối với Hải về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo khoản 1 Điều 190 BLHS cũ. Tháng 12-2016, CQĐT có kết luận điều tra, đề nghị truy tố Hải. Tháng 3-2017, VKSND TP Nha Trang có cáo trạng truy tố Hải theo điều khoản này.

Tháng 5-2017, TAND TP Nha Trang trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 10 vấn đề cả về tố tụng lẫn nội dung vụ án. Một tháng sau, CQĐT có kết luận điều tra bổ sung, cơ bản giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu. Tiếp đó, VKSND TP Nha Trang có công văn giữ nguyên cáo trạng truy tố Hải.

Xác định khung hình phạt theo yêu cầu của tòa

Trong quyết định đưa vụ án ra xử sơ thẩm sau đó, TAND TP Nha Trang nêu rõ Hải có thể bị xét xử theo khoản 2 Điều 190 BLHS cũ (trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mức án cao nhất đến bảy năm tù).

Xử sơ thẩm hồi tháng 1-2018, tòa trả hồ sơ, đề nghị CQĐT, VKS vận dụng Thông tư liên tịch số 19/2007 (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS cũ về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản) và Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) để xem xét trách nhiệm hình sự của Hải theo khoản 2 Điều 190 BLHS cũ.

Theo tòa, tuy thời điểm Hải phạm tội chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn và đây là loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn nên không thể định giá được nhưng số lượng tang vật thu giữ được đặc biệt lớn. Hành vi của Hải ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, hình ảnh nước ta trong công tác bảo tồn.

Trong cáo trạng mới, VKSND TP Nha Trang truy tố Hải theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS cũ với tình tiết tăng nặng định khung là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đây là điều khoản truy tố theo đúng yêu cầu điều tra bổ sung của tòa.

Chưa có hướng dẫn

Trước đây, ENV từng nhiều lần kiến nghị xử Hải theo khoản 2 Điều 190 BLHS cũ bởi trong vụ án, số lượng đối tượng bị tác động cực kỳ lớn, hành vi của Hải đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên...

Trong một văn bản trả lời ENV, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa từng cho rằng việc xử lý Hải theo khoản 1 Điều 190 BLHS cũ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong kết luận điều tra bổ sung lần thứ nhất (tháng 6-2017), CQĐT cho rằng vào thời điểm hành vi phạm tội của Hải bị phát hiện thì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về căn cứ cấu thành khung hình phạt của Điều 190 BLHS cũ. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, hiện chưa có thông tư hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thủy sản. Các văn bản pháp luật xử lý vi phạm về động vật hoang dã trong lĩnh vực thủy sản không có quy định về số lượng cá thể để xác định thế nào là số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn (yếu tố định tội, định khung hình phạt). Cũng chưa có thông tư liên tịch về các tội phạm trong lĩnh vực thủy sản để xác định hành vi của Hải có gây hậu quả nghiêm trọng hay không...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm