Xử BS Lương: Chi thêm 12 triệu, 8 bệnh nhân đã không chết?

Tiếp tục phiên xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến tám người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, HĐXX tiếp tục điều hành buổi làm việc bằng các câu hỏi của LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

BS Hoàng Công Lương tại phiên xử ngày 17-5.

Bỏ thêm 12 triệu đồng cứu 8 người?

Mở đầu là phần hỏi-đáp giữa ông Thiệp và bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh.

.  LS Thiệp: Tại tòa, bị cáo có khai rằng được ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thiên Sơn, nói rằng kết quả xét nghiệm phải mất 15 ngày nhưng vì bệnh nhân rất nhiều và cũng ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nên cứ đưa vào hoạt động rồi mới mang mẫu nước đi xét nghiệm, có đúng không?

+ Bị cáo Bùi Mạnh Quốc: Cái đấy thì bị cáo xác nhận anh Tuấn có nói với bị cáo như vậy.

. Khi báo cáo xem xét, bị cáo đề xuất thay cả bốn màng lọc thẩm thấu ngược RO?

+ Dạ đúng!

. Nếu thay cả bốn màng lọc thì có cần dùng hóa chất để sục rửa?

+ Nếu thay cả bốn màng lọc thì bị cáo không cần dùng tới hóa chất để bảo dưỡng lại hai màng lọc kia.

. Thay hai màng có báo giá gần 50 triệu đồng, vậy nếu thay cả bốn thì báo giá là bao nhiêu?

+ Sẽ tăng thêm khoảng 10-12 triệu.

. Tức là chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu là có thể cứu sống 8 mạng người? Ông Thiệp đặt vấn đề.

+ Dạ!

. Tức là rất rẻ, chỉ 1,5 triệu/người! LS Thiệp tự nói.

Ngay sau đó, LS Thiệp tiếp tục đưa ra các câu hỏi đối với bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ phòng vật tư BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo này nói rằng nếu như việc sửa chữa, bàn giao xong thì phía công ty sửa chữa sẽ bàn giao cho mình, sau đó báo cáo lãnh đạo phòng.

Sơn tiếp tục khẳng định lời khai giống ngày làm việc đầu tiên của phiên xử, rằng từ khi được phân công về đơn nguyên thận nhân tạo, chưa một lần nào sửa chữa mà thấy có xét nghiệm AAMI (xét nghiệm nguồn nước có đảm bảo hay không - PV), bị cáo cũng không được cung cấp bất cứ hướng dẫn nào về quy định này.

Sơn nói thêm rằng từ trước đến nay, chưa bao giờ có trường hợp chưa sửa chữa xong. Công ty sửa chữa cũng không có cảnh báo nào về việc nếu chưa sửa chữa xong thì không được vào làm việc. Tất cả quy trình này bị cáo đều không có.

Các LS bào chữa cho ba bị cáo tại tòa.

Không nhận được bất cứ cảnh báo nào

Trả lời LS bào chữa cho mình, BS Hoàng Công Lương khai từ trước tới giờ chưa khi nào nhận được quyết định của lãnh đạo khoa hoặc lãnh đạo BV về việc phân công phụ trách đơn nguyên, cũng không có phụ cấp trách nhiệm nào.

Ngày 29-5, bị cáo đến cơ quan làm việc đúng với quy định của BV, tuân theo quy chế khám bệnh của Bộ Y tế ban hành. Tất cả những lần ra y lệnh đều đúng theo quy trình kỹ thuật đã ban hành của Bộ Y tế, điều này được thể hiện qua kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế sau khi sự cố xảy ra.

Tại thời điểm sửa chữa, bị cáo không hề biết sửa chữa hạng mục nào, sử dụng hóa chất ra sao. Bị cáo cũng không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ lãnh đạo khoa, lãnh đạo BV về việc chưa xét nghiệm AAMI nên chưa thể cho hoạt động hệ thống máy móc chạy thận.

“Bị cáo sẽ chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tử vong thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh của bị cáo, còn nếu ngoài chuyên môn thì bị cáo không chịu trách nhiệm” - bị cáo Lương nói.

Sau phần đặt câu hỏi cho thân chủ của mình, ông Thiệp tiếp tục đối chất với đại diện Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn.

Vị LS này đặt vấn đề việc Công ty Thiên Sơn “bán thầu” cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh có vi phạm quy định pháp luật? Đại diện công ty này cho rằng Công ty Thiên Sơn không hề bán hợp đồng cho bất cứ ai mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Còn vấn đề hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn với Công ty Trâm Anh có sai phạm hay không thì để xem xét sau.

Vị đại diện cũng khẳng định để xảy ra sự cố chạy thận khiến tám người chết nguyên nhân chính là do sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi cho chạy hệ thống lọc thận mà chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước. Việc này không chỉ khiến gia đình các nạn nhân mà ngay chính doanh nghiệp cũng bức xúc.

Đáng chú ý, tại phần xét hỏi của mình, LS Trần Vũ Hải, người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, đã bị HĐXX yêu cầu ngồi xuống với nhiều lý do. Khi vị này tiếp tục đưa ra các câu hỏi, tòa đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa ông Hải ra khỏi phòng xử, vị này mới ngồi xuống.

Tiếp đó, trong quá trình thực hiện quyền tố tụng, LS Lê Văn Thiệp tiếp tục đề nghị tòa yêu cầu mời LS Hải ra khỏi phòng xử. LS này bị nhắc nhở lần hai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm