Vụ TrustBank: Nữ bị cáo mang con thơ tới tòa có vai trò gì?

Sáng 8-5, trong phiên xử bị cáo Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm trong vụ thất thoát 6.300 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB), dù đã được tòa cho phép vắng mặt nhưng bị cáo Bùi Thị Kim Loan vẫn ẵm con chưa tròn 20 ngày tuổi tới tòa.

Dù HĐXX đã yêu cầu bác sĩ sản nhi có mặt để tiện việc hỗ trợ sức khỏe cho mẹ con bị cáo nhưng hình ảnh này vẫn khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Nhiều người cũng thắc mắc bị cáo này là ai, giữ vai trò gì trong vụ án?

Theo CQĐT, bị cáo Loan có vai trò vừa là kế toán Công ty Phú Mỹ vừa là thư ký của bị cáo Phấn - giữ vai trò truyền đạt ý kiến của bà Phấn cho các bị cáo khác, nhúng tay vào hầu hết quá trình lũng đoạn TrustBank gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tại nhà băng này. Do vậy, có thể khẳng định rằng nữ bị cáo này là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội của bà Phấn và đồng phạm.

Đối với việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho TrustBank để chiếm đoạt 1.105 tỉ đồng, bị cáo Loan đã thực hiện chỉ đạo của bà Phấn từ khâu chuẩn bị hồ sơ đề nghị thẩm định giá, hồ sơ mua bán căn nhà và yêu cầu Lâm Kim Dũng (giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang) thực hiện theo. Bị cáo Loan cũng chính là người yêu cầu TrustBank Chi nhánh Lam Giang thực hiện việc thu chi khống 990 tỉ đồng, qua đó giúp bà Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.105 tỉ đồng từ việc ký lại hợp đồng mua đi bán lại căn nhà 5 Phạm Ngọc Thạch giữa TrustBank với bà Phấn.

 Trong đại án này, cả gia đình bị cáo Loan gồm hai vợ chồng và con thứ ba cùng đưa nhau đến tòa

Ngoài ra, bị cáo Loan còn thay mặt bà Phấn chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên TrustBank thuộc Phòng Kế toán và Phòng Ngân quỹ tại chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang thực hiện việc thu chi khống không dùng tiền mặt, đẩy nợ khống cho Công ty Phương Trang khoảng 5.200 tỉ đồng.

Theo CQĐT, theo chỉ đạo của bà Phấn, bị cáo Loan đã đến TrustBank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang yêu cầu nhân viên lập 163 chứng từ thu, gồm 86 giấy nộp tiền và 77 phiếu thu.

Cụ thể, bị cáo yêu cầu nhân viên hai chi nhánh lập 86 giấy nộp tiền với tổng số tiền hơn 2.502 tỉ đồng. Trong đó có 28 giấy nộp tiền với tổng số tiền hơn 951 tỉ đồng do Loan trực tiếp ký nộp tiền vào tài khoản của Loan, năm cá nhân khác và một công ty. 58 giấy nộp tiền còn lại với tổng số tiền hơn 1.550 tỉ đồng do 19 cá nhân khác thuộc nhóm Phú Mỹ ký nộp tiền vào tài khoản của chính các cá nhân này, trong đó có bà Phấn.

Bị cáo còn yêu cầu nhân viên hai chi nhánh lập 77 phiếu thu với tổng số tiền hơn 1.673 tỉ đồng. Trong đó có 10 phiếu thu hơn 403 tỉ đồng do Loan trực tiếp ký nộp tiền trên phiếu thu để tất toán gốc 402 tỉ đồng và lãi gần 1,8 tỉ đồng của bảy khoản vay mà Loan đứng tên vay cho bà Phấn. 67 phiếu thu còn lại với tổng số tiền hơn 1.269 tỉ đồng do 19 cá nhân khác thuộc nhóm Phú Mỹ, trong đó có bà Phấn ký nộp tiền trên phiếu thu để tất toán gốc và lãi của 30 khoản vay của chính 19 cá nhân này (chủ yếu đứng tên vay cho bà Phấn).

CQĐT xác định trong quá trình điều tra, dù đã có chứng cứ rõ ràng nhưng đến thời điểm hiện tại, bị cáo Loan vẫn không thừa nhận việc yêu cầu hai chi nhánh lập và hạch toán khống 163 chứng từ thu, chỉ đạo nhân viên TrustBank chi khống tiền giải ngân của Công ty Phương Trang để cấn trừ 163 chứng từ thu khống trên, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang với số tiền lên đến hơn 5.200 tỉ đồng.

Quyết không vắng mặt, chỉ muốn hoãn phiên tòa

Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa liên tục hỏi bị cáo Loan có người nhà đi theo không, có ai giúp đỡ không... Bị cáo Loan cho biết gia đình không có ai đi cùng. HĐXX đã cho bị cáo ngồi tại chỗ để trả lời thẩm vấn. Chủ tọa thông báo những phần nào không liên quan đến bị cáo, HĐXX cho phép bị cáo vắng mặt để đảm bảo sức khỏe, đồng thời HĐXX cũng yêu cầu bác sĩ sản nhi có mặt tại tòa để chăm sóc sức khỏe cho mẹ con bị cáo.

HĐXX cũng cho biết rất chia sẻ về sức khỏe với bị cáo Loan nên đã cho thẩm phán, thư ký phiên tòa trực tiếp xuống nhà bị cáo (có luật sư của bị cáo chứng kiến) để xác định tình trạng sức khỏe sinh sản của bị cáo. Đồng thời, HĐXX sẵn sàng cho bị cáo xét xử vắng mặt nhưng bị cáo nhất định không đồng ý. Đó là quyền của bị cáo theo luật. Đặc biệt, HĐXX nhấn mạnh trong những ngày không liên quan tới bị cáo, HĐXX có thể cho bị cáo vắng mặt song bị cáo cũng không đồng ý.

Luật sư của bị cáo Loan nói do Loan sinh non nên mẹ và con đều rất yếu, không đủ sức khỏe tham dự tòa và đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa. Trả lời, HĐXX cho rằng việc lấy lý do sinh sản không phải là một trong những lý do hoãn phiên tòa. Để đảm bảo giải quyết vụ án, HĐXX đã yêu cầu có bác sĩ sản nhi có mặt tại phiên tòa này để đảm bảo sức khỏe của mẹ con bị cáo và khi cần, HĐXX cho phép bị cáo Loan được về phòng riêng. Thêm một lần nữa, HĐXX khẳng định: “Ngay tại buổi xét xử ngày hôm nay, nếu bị cáo đồng ý, sau phần thủ tục, những phần không liên quan bị cáo, HĐXX cho phép bị cáo vắng mặt”.

Theo cáo trạng, bị cáo Loan có ba con, con lớn SN 2006, con thứ hai SN 2014 và con thứ ba vừa sinh chưa đầy 20 ngày tuổi. Hồ sơ điều tra cho thấy một thời gian sau khi bị khởi tố, bị cáo Loan bất ngờ có bầu con thứ ba… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm