Vụ Phương Nga: Miễn tội nhưng sợ đã... giam lố

Ngày 14-1, VKSND Tối cao cho biết đã nhận được báo cáo của VKSND TP.HCM về vụ án Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung về việc Công an TP.HCM đề nghị chuyển tội danh đối với hai cô từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

VKS yêu cầu CQĐT xem xét kỹ việc miễn trách nhiệm hình sự

Theo kết luận điều tra bổ sung của Công an TP.HCM, hành vi của các bị can có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS 1999. Tuy nhiên, CQĐT đã đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can theo hướng miễn trách nhiệm hình sự do tội danh này theo luật mới đã có thay đổi về cấu thành tội phạm, tức phải có yếu tố làm giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới cấu thành tội.

Sau khi nghiên cứu đề nghị của Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án cho Công an TP.HCM.

Theo VKS, hồ sơ cho thấy vụ án rất phức tạp về chứng cứ để tiếp tục truy tố Phương Nga và Thùy Dung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, hai bị can có hành vi sử dụng tài liệu “di chúc” và “giấy xác nhận” có đóng con dấu của doanh nghiệp tư nhân, được làm giả bằng phương pháp in màu, nộp cho CQĐT nhằm chứng minh có việc thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Yên (được Nga thuê) mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi. Do vậy, hành vi của Phương Nga và Thùy Dung có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên việc CQĐT Công an TP.HCM đề nghị thay đổi tội danh đối với hai cô là có căn cứ.

Tuy nhiên, theo VKS, do khoản 1 Điều 341 BLHS 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có khung hình phạt từ sáu tháng đến hai năm tù trong khi Phương Nga và Thùy Dung đã từng bị tạm giam hơn hai năm ba tháng. Thời hạn tạm giam đã vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều khoản này. Do đó, VKS đề nghị CQĐT thận trọng xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với hai cô.

Phương Nga bị cáo buộc đã lừa ông Cao Toàn Mỹ về việc mua bán nhà để chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại tòa Phương Nga khai là tiền tình cảm. Ông Mỹ thì đưa ra các chứng cứ về thỏa thuận mua bán nhà. Thùy Dung cũng thay đổi lời khai, cho rằng bị ép cung, dụ cung...

Cuối tháng 6-2017, TAND TP.HCM sau nhiều ngày mở phiên tòa xét xử vụ án này đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với chín vấn đề. Tòa cũng quyết định cho hai cô này tại ngoại.

CQĐT điều tra bổ sung rồi tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, sau đó thì gia hạn điều tra đến ngày 11-12-2018.

Phương Nga và Thùy Dung tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người bị hại cho rằng bị bỏ bớt lời khai

Mới đây, ông Cao Toàn Mỹ đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho rằng trong nhiều lần làm việc, điều tra viên của PC01 Công an TP.HCM bỏ qua các chi tiết trong lời khai quan trọng của ông.

Cụ thể là buổi làm việc ngày 2-10-2018, ông Mỹ viết bản tường trình có nội dung: “Vào thời điểm tháng 4-2013, tôi có nhờ cô Nga mua nhà ở quận 2, chứ không phải nhà số 7 như giấy xác nhận (của cô Nga nộp). Tuy nhiên, hai bên đã thống nhất nếu không mua được căn nhà này thì mua căn nhà khác ở trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3, có giá trị tương xứng với số tiền trên và phải có sự đồng ý của tôi”.

Tuy nhiên, điều tra viên đã bỏ qua chi tiết “vào thời điểm tháng 4-2013” và cho rằng bản tường trình này của ông Mỹ phủ nhận hoàn toàn giao dịch về căn nhà số 7 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM giữa ông Mỹ và Phương Nga.

“Thực tế thời điểm tháng 4-2013, tôi và cô Nga chỉ mới bàn về căn nhà ở quận 2, TP.HCM. Đến tháng 10-2013, chúng tôi mới có thỏa thuận về căn nhà số 7” - ông Mỹ khẳng định.

Ông Mỹ cho rằng việc làm của điều tra viên khiến ông lo ngại về tính khách quan của vụ án cũng như quyền lợi hợp pháp của người bị hại là ông. Vì vậy, ông Mỹ đã làm đơn đề nghị lãnh đạo Công an TP.HCM bố trí tổ công tác độc lập thẩm tra lại kỹ lưỡng các báo cáo, đề xuất, ý kiến của điều tra viên...

Miễn thì không xem xét có lố hay không

Việc chuyển tội danh cũng như thời gian tạm giam có lố so với mức hình phạt tối đa thì cũng không có vấn đề gì nếu căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Miễn trách nhiệm hình sự là có tội nhưng được miễn. Còn việc tạm giam là việc xảy ra trước khi có chuyển biến tình hình thay đổi về cấu thành tội phạm theo luật mới. Do không oan, không được bồi thường nên không đặt ra vấn đề lố hay không lố. Các cơ quan tố tụng vẫn giải quyết tình hình từ những tài liệu cung cấp mới…

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm