Vụ nổ súng: LS nói các bị cáo bị kích động mạnh

Chiều tối 3-1, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt Đặng Văn Hiến, người trực tiếp nổ súng khiến ba người chết, 13 người bị thương, án tử hình. Cùng về tội giết người, tòa tuyên phạt bị cáo Ninh Viết Bình 20 năm tù, Hà Văn Trường 12 năm tù. Bị cáo Đoàn Văn Diện lãnh chín tháng tù về tội che giấu tội phạm. Bị cáo là người của Công ty Long Sơn là Nghiêm Xuân Thiên Sửu (cựu phó giám đốc) lãnh sáu năm tù, Phạm Công Thiện (cựu trưởng quản lý) lãnh bốn năm tù, cùng về tội hủy hoại tài sản.

Người thân các bị cáo phản đối

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của bị cáo Hiến có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, giết người hàng loạt, truy sát nạn nhân đến cùng nên cần có bản án nghiêm khắc.

Ngay sau khi HĐXX tuyên án, người thân các bị cáo đã la hét, phản đối tòa vì cho rằng mức án là quá nặng, chưa đúng người, đúng tội. Sau đó họ đã tràn ra trước sân tòa buộc lực lượng bảo vệ phải đóng cửa, cho các bị cáo lên xe đi cửa sau để về nơi giam giữ.

Trong thời gian nghị án, những người thân nhóm bị cáo này cũng chửi bới hai bị cáo là người của Công ty Long Sơn khiến cảnh sát tư pháp phải can thiệp giữ trật tự. Các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo cũng can ngăn, giải thích và đề nghị người thân bị cáo bình tĩnh. Mẹ bị cáo Trường giơ tay xin HĐXX được phát biểu nhưng không được nên bật khóc: “Ức lắm, tôi dự tòa hai ngày nay mà không được nói một lời nào. Tài sản thì bị người ta phá hủy, con thì đi làm thuê, làm mướn giờ thì bị tù tội...”.

Phần tranh luận trong buổi sáng 3-1 diễn ra khá căng thẳng khi các LS đề nghị tòa áp dụng yếu tố phạm tội khi tinh thần bị kích động mạnh với các bị cáo tội giết người. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh vẫn bảo lưu quan điểm theo đề nghị là phạt bị cáo Hiến án tử hình, Bình tù chung thân và Trường 15-16 năm tù.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đ.DŨNG

Tại tòa, bị cáo Hiến khẳng định gia đình mình sống tại khu đất trước khi Công ty Long Sơn xuất hiện. Sau đó công ty này nhiều lần huy động người đến cưỡng chế, san ủi cây trồng của người dân mà không được bồi thường, họ kêu cứu thì không ai giải quyết. Tòa hỏi, bà Mai Thị Khuyên (vợ bị cáo Hiến, là người liên quan) nói: “Công ty Long Sơn đã đẩy gia đình tôi vào đường cùng” rồi bật khóc.

Bị cáo Bình thì khai: Sửu đã nhiều lần tổ chức đưa công nhân đi cưỡng chế, san ủi cây trồng của dân. Có lần Sửu tuyên bố trước người dân là: “Ủi trắng, không đền bù gì hết”. Theo Bình, cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng việc san ủi nhưng bị cáo Sửu không làm nên người dân buộc phải chống trả. Khi bị cáo Bình dứt lời, những người dân dự khán vỗ tay khiến HĐXX nhắc nhở phải giữ trật tự.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ

Có tám LS bào chữa cho các bị cáo, trong đó sáu LS bào chữa cho bốn bị cáo là nông dân. Các LS này đã đưa ra nhiều quan điểm bào chữa tranh luận với đại diện VKS về tính chất và mức độ phạm tội.

Theo LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), cáo trạng quy kết các hộ dân xâm lấn, tranh chấp đất với Công ty Long Sơn là không đúng. Vì người dân sinh sống trước khi công ty được giao đất năm 2008. Trước vụ nổ súng chưa người dân nào bị chính quyền địa phương lập biên bản hay xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm, tranh chấp đất.

LS cho rằng Công ty Long Sơn ngoài san ủi hoa màu còn tự ý vào nhà người dân hủy hoại tài sản khác nên đề nghị khởi tố tại tòa những người thuộc Công ty Long Sơn tội xâm phạm chỗ ở của công dân. “Trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn vì không có biện pháp giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên vốn dai dẳng. Nhưng tôi không thấy cáo trạng đề cập, đề nghị xử lý đối với những người liên quan” - LS Quynh nói.

LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết ông đã trực tiếp đi vào hiện trường sau khi xảy ra vụ án và thấy cuộc sống của người dân rất khó khăn và bị cô lập. Trong khi Công ty Long Sơn huy động hàng chục người nhiều lần uy hiếp, ủi trắng tài sản nên người dân phản kháng.

LS Hưng dẫn chứng: “Những người nông dân này đã bị dồn ép, phải sống trong hoang mang, lo sợ triền miên nên họ đã tìm cách phản kháng. Thậm chí sau khi gây án các bị cáo đã liên hệ với tôi để nhờ đưa ra đầu thú tại Bộ Công an mà không chịu đến công an địa phương vì mất niềm tin”.

Theo LS, cáo trạng truy tố bị cáo Hiến tội giết người có tính chất côn đồ là chưa đúng bản chất vì có nhân thân tốt, chưa từng phạm tội. Trong khi một mình bị cáo phải đối mặt với hàng chục công nhân có hung khí. Ban đầu Hiến chỉ bắn chỉ thiên nhưng nhóm công nhân vẫn tiến vào cưỡng chế và dùng đá ném tới tấp. Khi Hiến bỏ chạy vào nhà thì nhóm người này tiếp tục bao vây khiến bị cáo bị kích động mạnh, mất kiểm soát và phải nổ súng. Cuối cùng LS Hưng đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

LS Phương Ngọc Dũng (Đoàn LS Cần Thơ) thì đề nghị HĐXX xem xét không gian, thời gian xảy ra vụ án. Thời điểm công ty đi cưỡng chế là hơn 5 giờ sáng, khi mọi người đang ngủ nghỉ, đây chính là nguyên nhân khiến các bị cáo bị kích động, mất kiểm soát…

Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng các bị cáo phạm tội có tính chất rất nghiêm trọng nên giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo tội danh giết người, có tính chất côn đồ. Bị cáo Hiến phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội. Về hành vi hủy hoại tài sản, vị đại diện VKS cho rằng việc truy tố các bị cáo Sửu và Thiện là đúng người, đúng tội. Để chứng minh cho quan điểm của mình, KSV đã trích đọc nhiều lời khai của các bị cáo trong hồ sơ để dẫn chứng...

San ủi hoa màu thiệt hại 73 triệu đồng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tháng 2-2008, Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để làm dự án nông, lâm nghiệp. Giữa năm 2013, bị cáo Sửu mua lại dự án và để vợ đứng tên làm giám đốc. Do một số hộ dân trồng cây trên phần đất này nên giữa hai bên xảy ra tranh chấp, nhiều lần xô xát. Sửu gọi người trong công ty đến để họp bàn, chuẩn bị máy cày, xe ủi, áo giáp, gậy để san ủi vườn cây của người dân. Ngày 23-10-2016, Sửu cùng hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn chia thành hai nhóm vào san ủi, giải tỏa đất.

Thấy vậy bị cáo Hiến lấy súng ra ngăn chặn thì bị nhóm người cầm gậy, khiên chặn lại. Hiến bắn chỉ thiên một phát nhưng bị nhóm người cầm đá ném nên bỏ chạy vào nhà, rồi bắn tiếp. Bị cáo Trường (người làm công cho Hiến) hỗ trợ để tiếp tục bắn về đám đông. Tiếp đó, hai bị cáo Hiến, Bình mang súng lên rẫy điều để bắn tiếp. Về hoa màu mà người của Công ty Long Sơn gây thiệt hại là hơn 73 triệu đồng gồm 287 cây điều, 45 cây cà phê (có tuổi đời 7-11 năm tuổi) bị san ủi, hủy hoại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm