Viện cấp cao gặp luật sư vụ cưa gỗ khô

Ông Đinh Ngọc Kính, Viện trưởng Viện Hình sự VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, đã thông tin như trên tại buổi làm việc với luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cùng năm công dân vụ án cưa gỗ khô ngày 11-12.

Theo Viện trưởng Kính, hiện vẫn chưa có lịch xét xử giám đốc thẩm vụ án này: “Chúng tôi đã hối nhiều lần, yêu cầu xử trước tháng 11 nhưng không kịp, vì tính ra kháng nghị giám đốc thẩm tới nay đã bốn tháng rồi”.

Ngoài ra, ông Kính còn cho biết sắp tới đây phiên họp giám đốc thẩm sẽ có 11 thành viên là thẩm phán của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và có đại diện VKSND Cấp cao cùng tham gia. “VKSND Cấp cao không hứa hẹn điều gì nhưng sẽ ghi nhận tất cả kiến nghị của LS và cả năm anh (tức năm công dân bị truy tố oan trong vụ án này - PV)” - ông Kính nói với LS Hoan.

Tại buổi làm việc, LS Lê Văn Hoan đã nêu các vấn đề cốt lõi của vụ án. Thứ nhất, cả năm công dân đều thừa nhận hành vi cưa cây gỗ trắc khô với khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng trong rừng đặc dụng Đắk Uy là sai. Nhưng theo Thông tư 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử lý tội trộm cắp nếu là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Còn ở đây là rừng đặc dụng (tức rừng tự nhiên) nên phải xử lý ở chương liên quan tới rừng.

Luật sư Lê Văn Hoan (thứ hai, từ phải qua) cùng năm công dân tại trụ sở VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: KT

Do đó, hành vi của năm công dân không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nếu xử lý họ thì chỉ có thể xem xét ở hành vi khai thác trái phép (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng), mà muốn xử tội này thì đòi hỏi phải khai thác trên 5 m3. Vì thế, căn cứ Nghị định 157/2013 thì chỉ có thể xử phạt hành chính đối với năm công dân.

Thứ hai, năm 2011, TAND Tối cao có văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum (do Phó Chánh án Thường trực Đặng Quang Phương ký) hướng dẫn giá trị cây gỗ từ 50 triệu đồng trở lên thì xem xét ở hành vi hủy hoại rừng. Đối chiếu với vụ án này, với cây gỗ trắc đã chết khô trị giá chỉ hơn 19 triệu đồng thì cũng không thể xử lý tội hủy hoại rừng. Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cũng có văn bản khẳng định trường hợp này chỉ có thể xử phạt hành chính theo Điều 12 Nghị định 157/2013.

Cạnh đó, Công văn 34/BC-HKL ngày 2-8-2017 của ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy cho biết có một số người dân khác đã vào rừng này khai thác trái phép gỗ trắc hơn 20 triệu đồng nên chưa đủ để khởi tố vụ án. Từ đó ban quản lý này chỉ áp dụng Điều 12 của Nghị định 157/2013 để xử phạt hành chính.

Thứ ba, LS Hoan dẫn chứng một loạt bản án với hành vi tương tự xảy ra ở chính tỉnh Kon Tum nhưng chỉ xử lý tội khai thác trái phép chứ không phải tội trộm cắp tài sản. Điều đáng chú ý nhất là có một vụ án xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng, qua bốn cấp tòa gồm tòa huyện, tòa tỉnh Lâm Đồng, TAND Cấp cao và TAND Tối cao đều cho thấy chỉ có thể xử lý tội khai thác trái phép chứ không phải tội trộm cắp tài sản.

Vậy nên, nếu xử năm công dân tội trộm cắp tài sản thì Thông tư 19 ra đời để phân biệt rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng tự nhiên đã không còn ý nghĩa. Và liệu Tòa Tối cao có cần phải kháng nghị hủy những bản án vừa nói trên để xử tội trộm cắp tài sản cho thống nhất toàn ngành, dù biết rõ làm thế là sai luật?

Thứ tư, LS Hoan đề nghị VKSND Cấp cao lưu ý về Điều 383 BLTTHS 2015 để cho bốn LS cùng năm công dân được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Điều luật này quy định: “Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”.

Từ những phân tích trên, LS Hoan mong Viện và Tòa Cấp cao bác kháng nghị của TAND Tối cao, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum tuyên năm công dân vô tội.

Kết thúc buổi làm việc, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nói LS Hoan và năm công dân hãy yên tâm, tất cả ý kiến này Vks sẽ ghi nhận.

Căn cứ kháng nghị yếu ớt

Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, anh Phan Tiến Dũng là kiểm lâm. Tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì anh Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử hủy bản án này. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.

Ngày 26-7, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nội dung kháng nghị này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Đầu tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án. Phó chánh án TAND Tối cao đã giải trình nhưng viện dẫn không đúng quy định pháp luật đối với hành vi của năm công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm