Vì một ông nhiều chuyện, vác đơn đi kiện người lạ

Mới đây, TAND huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã xử sơ thẩm vụ bà ĐTMD yêu cầu bà NTT phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.

Trong đơn khởi kiện, bà D. trình bày: Bà không biết mặt, cũng không quen biết bà T. Khoảng tháng 9-2017, bà được ông MVQ kể lại rằng bà T. nói bà có quan hệ tình cảm với ông A., thường hẹn với ông A. đi phòng trọ...

Theo bà D., sự việc này hoàn toàn không có. Bà T. đã dựng chuyện nói xấu xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà, làm tinh thần của bà suy sụp, ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Nay bà yêu cầu bà T. phải xin lỗi công khai bà tại xã và ban ấp nơi bà cư trú, đồng thời bồi thường danh dự, nhân phẩm cho bà với số tiền 14 triệu đồng.

Trong khi đó, bà T. trình bày rằng bà có quen biết ông MVQ qua việc làm ăn. Khoảng tháng 9-2017, ông MVQ có gọi điện thoại hỏi bà là trước đây có nghe chuyện ông A. có quan hệ tình cảm với bà D. hay không. Bà mới trả lời cách đây khoảng vài năm bà có nghe chính miệng ông A. kể lại chuyện này trước sự chứng kiến của vợ ông A. cùng một số người khác.

Bà T. khai chỉ nghe sao nói vậy chứ không dựng chuyện nói xấu bà D., không làm nhục bà D. vì giữa hai người không hề có mâu thuẫn gì. Do đó, bà không chấp nhận xin lỗi công khai cũng như bồi thường thiệt hại cho bà D.

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, HĐXX nhận định: Chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa thể hiện bà D. chỉ nghe ông MVQ kể lại rằng bà T. có nói với ông MVQ là bà có quan hệ tình cảm với ông A. Ở đây, bà T. không nói trực tiếp với bà D. Giữa hai bà không quen biết, không có mâu thuẫn gì với nhau nên bà T. không có động cơ, mục đích nói xấu nhằm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà D.

Bên cạnh đó, bà D. cư trú tại thị trấn Đất Đỏ, làm việc tại xã Long Phước, còn nơi bà T. nói chuyện với ông MVQ qua điện thoại là tại nhà bà T. ở xã khác nên người ở nơi cư trú, nơi làm việc của bà D. không ai biết gì. Sự việc trên không ai biết, không có sự lan truyền mà do bà D. tự đi kể lại cho nhiều người khác. Hơn nữa, thông tin này xuất phát từ cuộc nói chuyện riêng qua điện thoại giữa bà T. với ông MVQ, không phải ở nơi công cộng, nếu ông MVQ không thuật lại với bà D., bà D. không khởi kiện bà T. thì không ai biết và cũng không ai quan tâm. Ông MVQ mới chính là người lan truyền thông tin, thuật lại cho bà D. nghe cuộc nói chuyện với bà T.

Theo quy định của pháp luật dân sự về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thì phải có hành vi trái pháp luật và có thiệt hại xảy ra. Như vậy, bà D. không nghe trực tiếp bà T. nói xấu mình, không chứng minh được thiệt hại đã xảy ra do lời nói của bà T. nên yêu cầu của bà về việc buộc bà T. xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại không được chấp nhận.

Từ các phân tích trên, HĐXX đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà D.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác...

Theo khoản 1 Điều 592 BLDS 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo khoản 2 Điều 592 BLDS 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm