Tù tại nhà: Tâm lý của con thế nào nếu nhìn cha trong lồng sắt

Đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Vân (đại biểu Cà Mau) bên hành lang Quốc hội sáng 14-11, liên quan đến đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Vân khẳng định vấn đề tù tại gia rất mới đối với Việt Nam nên đề xuất này cần được nghiên cứu thận trọng, trong đó phải đánh giá tác động của vấn đề này lên xã hội.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng cần đánh giá kỹ các tác động của đề xuất. Ảnh: VIẾT LONG

Cụ thể, cần tính đến yếu tố tác động về kinh tế, tiết giảm chi phí cho Nhà nước khi tập trung xây dựng các trại giam; tiết giảm chi phí cho bộ máy quản lý trại giam và gắn giáo dục gia đình với phạm nhân…

Đặc biệt, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh đến những tác động về mặt đạo đức, tâm lý xã hội, như đặt trong mối quan hệ thành viên với người phạm tội trong gia đình.

“Chẳng hạn, người cha là phạm nhân bị giam trong lồng sắt, có ảnh hưởng gì tới các con đang đến tuổi hình thành nhân cách? Ngược lại, tình cảm người cha, người mẹ hàng ngày nhìn con cái giam cầm trong chính không gian gia đình nhà mình như thế nào?…” - ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề.

Theo vị đại biểu, từ lâu không gian gia đình là nơi tác động đến các hành vi đạo đức, nhân cách con người. Nên khi trở về nhà ai cũng thấy ấm áp, hạnh phúc. “Nhưng nếu áp dụng, khi ta trở về nhà lại có một không gian giam cầm riêng đặt trong không gian đấy thì xem nó tác động đến tâm lý, đạo đức, giáo dục của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ không?…” - ông Lê Thanh Vân nói.

Trước đó, trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Theo ông Phớc, tất cả tội phạm nhẹ hay nặng đều được đưa vào các cơ sở giam giữ và ngân sách nhà nước phải chi một khoản không nhỏ. “Đề xuất tù tại gia để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước. Tù tại gia áp dụng với những tội phạm ít nghiêm trọng cũng có tác dụng về giáo dục, anh phải xấu hổ với cộng đồng, với làng xóm xung quanh và bản thân gia đình cũng phải có trách nhiệm với anh trong việc giáo dục con cái” - ông Phớc nói.

Theo ông Phớc, nếu đưa biện pháp tù tại gia vào luật thì cần quy định rõ trường hợp nào, mức án nào áp dụng; trường hợp nào, mức án nào thì không… “Tôi nghĩ những tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với cha mẹ, anh em…, nói chung là những tội ít nghiêm trọng thì có thể áp dụng. Còn với những tội nghiêm trọng trở lên thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội. Những tội nhẹ thì làm thế để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, mặt khác nó có tác dụng răn đe, đánh vào tâm lý tự trọng trước xã hội” - ông Phớc nhấn mạnh.

Ông Phớc cũng đề xuất nếu áp dụng biện pháp tù tại gia thì có hai cách quản lý như: giam giữ trong nhà sắt rồi giao cho gia đình chăm sóc, đến bữa ăn cho ăn, còn giám thị sau này định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để trốn thì gia đình phải chịu trách nhiệm. Hoặc gắn chip vào người, giới hạn người bị tù chỉ được đi lại trong một phạm vi nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm