Tổng giám đốc buôn lậu xăng bị đề nghị 13-14 năm tù

Ngày 11-12, Tòa án Quân sự Quân khu 5 tiếp tục phiên xét xử vụ buôn lậu gần 5.000 m3 xăng qua cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. 

Tại phần luận tội, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như trong cáo trạng và đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: 

Bị cáo Lê Thị Thảo, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Miền Núi (Thanh Hóa), mức án 13-14 năm về tội buôn lậu; 24-30 tháng tù về tội đưa hối lộ. Ngoài ra, Thảo còn bị cấm kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu 3-4 năm sau khi mãn hạn tù. 

VKS đề nghị xử phạt Đỗ Thị Thục, nguyên thư ký tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Miền Núi, 12-13 năm tù về tội buôn lậu, 6-24 tháng tù về tội đưa hối lộ, cấm kinh doanh xăng dầu trong vòng ba năm sau khi hết hạn tù; bị cáo Chu Văn Hiền và Trịnh Khắc Thuyên 5-6 năm tù về tội buôn lậu.

Bị cáo Hoàng Tiết Kiệm (SN 1966, cựu phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa) bị đề nghị từ bốn năm đến bốn năm sáu tháng tù; Lê Quý (SN 1969, cựu phó trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Cam Ranh, Đồn biên phòng cửa khẩu Nha Trang) 6-24 tháng tù treo về tội nhận hối lộ. 

VKS đề nghị xử phạt Nguyễn Đức Tiến từ 1-1,1 tỉ đồng và Đào Xuân Thắng từ 500-700 triệu đồng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bị cáo Lê Thị Thảo tại tòa. 

Tranh luận tại tòa, LS của Thảo chưa nhất trí với quan điểm của VKS đối với bị cáo về tội danh đưa hối lộ. Theo LS, sau khi tàu Sunrise 689 bị bắt giữ, Thảo đã chủ động khai báo với cơ quan chức năng về hành vi đưa 320 triệu đồng cho Kiệm. Do đó, HĐXX cần cân nhắc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này của Thảo, đồng thời trả lại cho bị cáo số tiền trên.

LS của Thục thì cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo là người khởi xướng, xúi giục Thảo mua lô hàng là 5.000 m3 xăng dầu là không có cơ sở. Theo LS, Thục với tư cách là trợ lý của tổng giám đốc chỉ có vai trò giúp sức khi là người tiếp nhận, cung cấp thông tin và làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Quá trình điều tra, khai báo tại tòa, Thảo cũng thừa nhận lô hàng trên là do bị cáo dùng tiền cá nhân để mua, Thục không góp phần, không được hứa hẹn ăn chia lợi nhuận nên không thể đánh đồng vai trò của Thảo và Thục trong vụ án. 

LS cũng cho rằng không có cơ sở để nói Thục là người chủ mưu khi các công việc quan trọng trong quá trình mua, bán lô hàng đều do Thảo là người trực tiếp thực hiện. 

Đơn cử, quá trình trao đổi, thỏa thuận với ông Eng (quốc tịch Singapore, chủ lô hàng gần 5.000 m3 xăng) tại phòng làm việc của Thảo ngày 24-7-2017, Thục có mặt nhưng không được tham gia trao đổi, thỏa thuận hay quyết định mua hàng hay không.

"Bị cáo Thảo là tổng giám đốc, từng lăn lộn nhiều năm trong nghề, trong khi Thục chỉ mới thì đảm nhận vị trí thư ký tổng giám đốc thì không hà cớ gì Thảo lại để cho Thục xúi giục mình" - LS nhận định. 

Về số tiền 10 triệu đồng Thục đưa Quý, quá trình điều tra và xét xử, bị cáo đều khẳng định là tiền bồi dưỡng cho anh em. Tại tòa, Quý khai nhận bị cáo tạo điều kiện cho tàu Sunrise 689 vào cảng trái luật là do Kiểm nhờ, không phải vì nhận 10 triệu đồng. 

Ngoài ra, LS cũng đề nghị HĐXX xem xét việc Thục tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc giải mã các thông tin, ký hiệu, tạo điều kiện cho vụ án sớm được sáng tỏ. 

Trạnh luận tại tòa, LS của Kiệm và Quý cho rằng VKS đề nghị mức án đối với hai bị cáo là hơi nặng và đề nghị HĐXX cân nhắc để đưa ra mức án phù hợp. 

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 7 giờ 30 sáng 12-12.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm