Tòa thoái thác trách nhiệm với người bị oan

Lẽ ra sau khi có bản án phúc thẩm tuyên năm công dân vô tội, tòa này phải chủ động phục hồi danh dự cho các công dân. Đằng này, một lần nữa họ thoái thác trách nhiệm, từ chối nhận đơn một cách trái pháp luật…

Như Pháp Luật TP.HCMtừng thông tin, ngày 1-6, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm đã tuyên năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản. Đây là vụ án mà báo và nhiều chuyên gia tâm huyết như PGS Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND Tối cao) tốn rất nhiều giấy mực để mong công lý được thực thi.

Nội dung vụ án đơn giản: Vì quen biết, cả nể, kiểm lâm Phan Tiến Dũng đã để bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa khúc gỗ trắc chết khô khối lượng 0,123 m3. Sau đó, cả năm người bị các cơ quan tố tụng huyện Đắk Hà khởi tố, truy tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản.

Theo pháp luật hình sự hiện hành, xử hình sự năm công dân này là hình sự hóa vi phạm hành chính. Bởi lẽ họ cưa cây gỗ trắc đã chết khô trong rừng tự nhiên, là tài nguyên, không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra nên không thể xử họ về tội trộm cắp tài sản được. Nếu có xem xét thì chỉ có thể xem xét họ về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Thế nhưng muốn xử họ về tội này đòi hỏi khúc gỗ mà họ cưa phải từ 5 m3 trở lên. Do đó, chỉ có thể xử phạt hành chính đối với họ.

Dù pháp luật hình sự đã quy định rất rõ như trên nhưng hai lần xét xử sơ thẩm, TAND huyện Đắk Hà vẫn quyết kết án năm công dân. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm, tuyên năm công dân không phạm tội, đình chỉ vụ án là điều tất yếu vì pháp luật và công lý không thể bẻ cong.

Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định các cơ quan làm oan phải chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan. Theo khoản 1 Điều 42 luật này, khi người bị oan đến nộp hồ sơ yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại, cơ quan làm oan phải tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho họ… Cạnh đó, Điều 43 luật này còn quy định rõ trường hợp không thụ lý hồ sơ thì tòa phải nêu rõ lý do.

Thế nhưng thêm lần nữa, TAND huyện Đắk Hà lại làm sai luật khi không những không chủ động phục hồi danh dự cho các công dân bị oan mà còn từ chối tiếp nhận đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại của họ bằng các lý do phi luật như tòa cấp trên đang mượn hồ sơ, chánh án có quyết định về tòa tỉnh xử án phúc thẩm… Thậm chí trả lời PV, chánh án tòa này tỏ thái độ bất chấp, nói người bị oan “có kiện đi đâu đó thì kiện”.

Suốt hai năm ròng rã, gia đình những người bị oan ăn không được, ngủ không xong. Khi TAND huyện chuẩn bị xử lưu động, cán bộ dùng loa rao khắp nơi để bà con đến nghe tòa giáo dục, răn đe. Con thơ của họ sợ hãi phải kéo áo cha: “Ba đừng đi tù, ở nhà chở con đi học”. Địa phương thì nhận xét gia đình có người vi phạm pháp luật nên chỉ đạt loại trung bình. Có gia đình không chịu nổi áp lực dư luận mà vợ chồng lục đục… Bao đắng cay, tủi nhục mà người bị oan phải gánh chịu, lãnh đạo TAND huyện Đắk Hà có thấu hiểu?

Dư luận đang trông chờ TAND tỉnh Kon Tum và TAND Tối cao có chỉ đạo quyết liệt, buộc lãnh đạo TAND huyện Đắk Hà phải tuân thủ đúng pháp luật chứ không thể cứ chây bừa với người bị oan như thế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm