Tòa phúc thẩm xử sai bị tòa cấp cao tuýt còi

Chị Bùi Nguyễn Cẩm Giang kiện đòi bà Nguyễn Thị Trang phải chịu trách nhiệm trả một nửa số nợ mà con gái bà (đã thành niên) vay của chị. Chứng cứ mà chị dùng để đòi nợ là giấy cam đoan trả nợ, có nội dung con gái bà Trang thừa nhận số nợ còn lại là 3,3 tỉ đồng và hẹn ngày trả. Giấy có chữ ký của bà Trang dưới phần “người viết giấy”, cạnh đó là chữ ký của một người làm chứng ở phần “người làm chứng”.
Tháng 2-2014, xử sơ thẩm, TAND TP Kon Tum tuyên bác yêu cầu của chị Giang. Theo tòa, giấy cam đoan trả nợ do người con viết thể hiện nội dung cam kết sẽ trả nợ. Tuy có chữ ký của bà Trang nhưng chỉ với ý nghĩa đôn đốc con gái bà trả nợ và làm chứng việc con đã trả được 2 tỉ đồng, chứ không thể hiện bà Trang cam kết sẽ cùng trả nợ với con. Giấy cam đoan này không có ý nghĩa của giấy chuyển giao nghĩa vụ dân sự theo Điều 315 BLDS. Như vậy, ai vay người đó trả.
con-vay-me-tra-no

Ảnh minh họa.

Tháng 6-2014, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Kon Tum cho rằng nếu chỉ mình người con vay thì sao trong giấy cam đoan bà Trang lại ký vào phần “người viết giấy” mà không ký phần “người làm chứng”. Giấy cam đoan trả nợ không thể hiện nội dung bà Trang ký để đôn đốc việc trả nợ hay làm chứng. Vì vậy, bà Trang phải có trách nhiệm trả một nửa số nợ theo yêu cầu của bà Giang là 1,65 tỉ đồng.

Pháp Luật TP.HCMngày 24-6-2014 đã có bài Con vay tiền, mẹ phải trả nợ”, phân tích rằng phán quyết của tòa phúc thẩm có sự suy diễn bất lợi cho bị đơn, kiểu như “sao không ký chỗ người làm chứng mà ký chỗ người viết giấy” hoặc “sao không ghi là tôi chỉ ký làm chứng”. Cam đoan trả nợ phải gắn liền với việc có tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ. Việc cam đoan đó phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Trong vụ này, ý chí chủ quan của người mẹ như trình bày là ký vào giấy cam đoan của con với ý chí đôn đốc con trả nợ và làm chứng việc con trả được 2 tỉ đồng. Bà thừa nhận có ký tên, có đọc nhưng không thấy liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của bà nên mới ký. Tòa phải xem xét đến cả giấy vay tiền và rõ ràng trường hợp này chỉ người con đứng ra vay. Trong giấy cam đoan trả nợ sau đó cũng không có dòng nào thể hiện việc người mẹ đồng ý nhận một nửa trách nhiệm. Mà trong giấy cam đoan chỉ thể hiện người vay thừa nhận trách nhiệm cá nhân thông qua đại từ nhân xưng là “tôi”. Như vậy, ai vay thì người đó có trách nhiệm trả…
Tháng 7-2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm với nhận định: Số tiền mà chị Giang kiện đòi là khoản vay giữa cá nhân con bà Trang đối với chị Giang. Bà Trang không vay mượn của chị Giang, bà cũng không cam kết cùng con trả nợ. Việc bà ký tên vào “giấy cam đoan trả nợ” chỉ với tư cách là người làm chứng việc con bà cam đoan trả nợ. Vì vậy, TAND TP Kon Tum bác yêu cầu khởi kiện của chị Giang là có căn cứ. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Kon Tum chỉ căn cứ vào việc bà Trang có tên và có ký vào giấy để cho rằng bà Trang có trách nhiệm liên đới và buộc bà Trang trả 1,65 tỉ đồng là không đúng.
Hiện TAND tỉnh Kon Tum đã quyết định đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm lại vào ngày 10-11 tới đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm