Tòa nhận định gì khi bác kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn?

Như đã phản ánh sáng nay (2-11), TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án bác toàn bộ kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi) cùng đồng phạm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái...

Kháng cáo của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cũng bị tuyên bác và tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX nhận định theo khoản 3 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhưng trong thực tế bị cáo Phấn có quyền sở hữu hơn 84% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín nhằm thao túng và sử dụng ngân hàng này như là công cụ phục vụ cho các lợi ích cá nhân của bị cáo.

Trong khoảng bốn năm điều hành tính đến tháng 9-2012, Ngân hàng Đại Tín đã bị thua lỗ nghiêm trọng, mặc dù hoạt động kinh doanh thua lỗ nhưng để có thể chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Bị cáo Phấn đã dùng cách thức sử dụng pháp nhân và cá nhân của nhóm Phú Mỹ thực hiện việc mua bán tài sản một cách lòng vòng, nâng khống giá trị tài sản mua bán để sau đó bán lại cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.

Ngoài cách thức nói trên, lợi dụng việc Công ty Phương Trang và nhóm công ty cá nhân có liên quan (gọi chung là Phương Trang) có nhu cầu vay tiền, bị cáo Phấn đã buộc công ty phải ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Sau đó bị cáo không giải ngân hoặc giải ngân không đầy đủ, đẩy số dư nợ cho Công ty Phương Trang.

Bà Hứa Thị Phấn trong lần ra tòa duy nhất. Ảnh: PLO

Thông qua kết quả điều tra, bị cáo Phấn thừa nhận đã chỉ đạo thu chi khống hơn 5.200 tỉ đồng, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện rằng số tiền giải ngân cho Phương Trang chỉ hơn 3.900 tỉ đồng. Mặc dù tại Văn bản số 15 ngày 20-3-2012, Công ty Phương Trang thừa nhận số tiền đã nhận giải ngân là hơn 4.500 tỉ đồng nhưng đây chỉ là một trong nhiều tài liệu trao đổi về những khoản dư nợ giữa hai bên với nhau, mà chưa xác định là văn bản cuối cùng trên cơ sở đối chiếu giữa hai bên.

Như vậy, có đủ căn cứ để kết luận các bị cáo Phấn và đồng phạm Loan phạm các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án, bị cáo Phấn là người chủ mưu, đề ra chủ trương và chỉ đạo bị cáo Loan tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền trong Ngân hàng Đại Tín và những người làm thuê trong công ty do bị cáo Phấn thành lập để thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng.

Bị cáo Loan là người trực tiếp nhận lệnh và triển khai thực hiện các chỉ đạo của bị cáo Phấn, bị cáo là người giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Như vậy, kháng cáo của bị cáo Phấn và Loan không có căn cứ chấp nhận.

Theo HĐXX, chiếc USB và 48 trang A4 tài liệu ghi lại cuộc trao đổi giữa bị cáo Phấn và một số lãnh đạo của Công ty Phương Trang do luật sư của bị cáo Phấn giao nộp tại phiên tòa sơ thẩm nhưng cho đến nay vẫn không có căn cứ xác định nguồn gốc của chứng cứ này nên theo khoản 2 Điều 87, 88 BLTTHS, tòa án không thừa nhận giá trị pháp lý của những tài sản này.

Đối với kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Ngô Thị Ngân (nguyên thủ quỹ chính Ngân hàng TMCP Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang), Trần Sơn Nam (nguyên thành viên HĐQT, tổng giám đốc TRUSTBank) và Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT TRUSTBank), HĐXX cũng tuyên bác.

Bác kháng cáo của người liên quan

Đối với kháng cáo của Ngân hàng CB, về việc đề nghị xem xét tính chất pháp lý của căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (hiện đã được sang tên và giao cho CB quản lý), tòa cấp sơ thẩm chỉ có thẩm quyền xác định số tiền mà bị cáo Phấn chiếm đoạt để buộc trả cho CB, không có thẩm quyền xác định tính chất pháp lý của hợp đồng mua bán giữa các bên nên không chấp nhận yêu cầu này của CB.

Cạnh đó, HĐXX nhận định qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì có căn cứ kết luận số tiền Công ty Phương Trang thực nhận chỉ hơn 3.900 tỉ đồng. Phương Trang cũng xác nhận chỉ nhận hơn 3.900 tỉ đồng, vì vậy từ năm 2012, Phương Trang đã tố cáo bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín về số tiền giải ngân khống. Đồng thời, lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo ngân hàng, các kết quả điều tra đối chiếu sổ sách, phương pháp truy ngược dòng tiền xác nhận số tiền này là đúng nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của CB yêu cầu Phương Trang phải thanh toán cho CB số tiền nợ gốc là 9.402 tỉ đồng và lãi phát sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm