Thấy gì từ chuyện áo quần của luật sư tại phiên xử Vũ 'nhôm'?

Trang phục mà HĐXX nhắc đến là quần âu màu đen, áo sơmi màu trắng, cà vạt màu xám lông chuột, đeo huy hiệu có hình biểu tượng logo của Liên đoàn LS trên ngực trái. HĐXX còn cho biết sẽ xem xét xử lý nếu LS nào vi phạm quy định tại Công văn 277.

Ngay sau đó, LS Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP.HCM), một trong 50 LS tham gia phiên tòa này, đã đăng ý kiến thể hiện sự băn khoăn trên Facebook cá nhân. LS Long cho rằng Công văn 277 có nội dung đề nghị tòa án các cấp chỉ chấp nhận các LS tham gia phiên tòa khi LS mặc đúng trang phục là lạm quyền vì tước đi quyền hành nghề của LS. Dòng trạng thái của LS Long đã thu hút hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ từ các LS đồng nghiệp.

Các luật sư  tham gia vụ án chỉnh tề trang phục trong ngày 4-12. Ảnh: PLO

Thật vậy, Công văn 277 yêu cầu các LS phải mặc trang phục đúng quy định theo tiêu chuẩn của Liên đoàn LS đã đưa ra là việc cần thiết. Nhưng nội dung về việc tòa sẽ không chấp nhận cho LS tham gia nếu vi phạm việc ăn mặc là đi quá giới hạn trong khuôn khổ một quy định về trang phục của liên đoàn.

Thực tế các bộ luật, luật về tố tụng hiện hành không có quy định nào tước quyền tham gia phiên tòa của LS nếu LS đó không mặc đúng đồng phục của ngành. Chưa kể ngày 15-11-2011, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 116 (về trang phục của LS khi tham gia phiên tòa) có nội dung chỉ chấp nhận tòa án các cấp tòa lưu ý, nhắc nhở, giám sát LS về trang phục. Công văn này không đề cập đến việc thẩm phán có quyền ngăn cản LS tham gia phiên tòa nếu mặc không đúng quy định.

Vì vậy, một phần nội dung của Liên đoàn LS VN trong Công văn 277 nêu trên đang vi phạm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Nói cách khác, việc chấp nhận hay không chấp nhận LS tham gia phiên tòa phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng chứ không phải vào một công văn nội bộ.

Một nữ LS từng là thẩm phán TAND Tối cao kể có lần bà bước ra ghế chủ tọa nhưng khi nhìn xuống không thấy LS đâu cả mặc dù vừa nghe thư ký báo LS đã có mặt. Khi bà hỏi thì một phụ nữ bụng bầu khá to đứng dậy và vị LS ấy đang mặc một chiếc đầm bầu. Thấy vậy, bà cho LS ngồi xuống và tiếp tục tham gia phiên tòa. “Nếu theo công văn của Liên đoàn LS Việt Nam thì tôi không cho nữ LS ấy bào chữa sao? Nếu thấy vi phạm thì tòa chỉ cần nhắc nhở hoặc kiến nghị, tước quyền bào chữa là trái luật” - vị LS nói.

LS Trịnh Vĩnh Phúc dẫn chứng câu chuyện xảy ra cách nay hơn hai năm khi một LS thuộc Đoàn LS TP.HCM tham gia phiên tòa ở tỉnh Đắk Lắk. Do phiên tòa kéo dài ngày, không kịp chuẩn bị áo sơmi trắng dài tay nên LS này đã mặc sơmi ca rô ngắn tay sẫm màu có thắt cà vạt và đeo huy hiệu LS.

Sau đó, LS này bị tòa ra văn bản gửi Đoàn LS TP.HCM kiến nghị xử lý kỷ luật vì ăn mặc không đúng chuẩn. Thời điểm đó, LS Phúc là người được đoàn LS phân công xử lý sự việc. Sau khi xác minh, ông đã có tờ trình gửi ban chủ nhiệm đoàn LS ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại và có văn bản trả lời tòa án vì lý do đề nghị xử lý là không thỏa đáng...

Liên đoàn LS Việt Nam cần sửa đổi lại một phần nội dung Công văn 277 theo hướng tòa án chỉ nên có quyền lưu ý, nhắc nhở nếu LS vi phạm cách ăn mặc tại tòa. Việc tước quyền tham gia của LS tại phiên tòa phải thỏa các điều kiện mà pháp luật quy định chứ không “khơi khơi” vì lý do áo quần của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm