Quyền về hình ảnh của cá nhân đến đâu?

Mới đây trên một diễn đàn mạng, một thành viên kể: Một bữa trời nóng quá, anh ra quán ngồi uống nước mía. Có một người cầm máy ảnh đứng bên kia đường “giơ cái ống đen ngòm” chụp anh. Anh đang mải uống, tính cũng thoải mái nên kệ. Về nhà, anh lên mạng thì thấy một tờ báo đăng ảnh của anh, chú thích là người dân tìm đến những quán nước ven đường để giải khát trước cái nóng khủng khiếp...

Cô gái trong bức ảnh này từng khởi kiện vì bị đăng ảnh không xin phép. Ảnh: INTERNET

Không cần xin phép

Từ đó thành viên này đặt câu hỏi là có nên kiện tờ báo đăng hình ảnh của anh hay không vì chưa xin phép anh, chưa được anh đồng ý? Anh đọc BLDS 2005 thấy có Điều 31 quy định như sau: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Ngoài ra, Điều 38 BLDS 2005 cũng quy định về quyền bí mật đời tư...

Bàn về tình huống trên, nhiều ý kiến trong diễn đàn này cho rằng việc báo chí đăng tải bức ảnh của thành viên trên là không sai vì bức ảnh được chụp ngoài đường phố, nơi không có biển báo cấm hay hạn chế quay phim, chụp ảnh. Bức ảnh được đăng với mục đích phản ánh đời sống sinh hoạt của người dân, không chú thích cụ thể tên tuổi, địa chỉ nhân vật, cũng không mang tính bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân vật trong ảnh…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đình (Đoàn LS TP.HCM) cho biết ngoài các quy định của BLDS 2005, Nghị định 51/2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí) có quy định báo chí “không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó”, trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các buổi xét xử công khai của tòa, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án. Như vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 31 BLDS 2005 và quy định tại Nghị định 51/2002 thì việc báo chí đăng tải người dân đang tham gia sinh hoạt công cộng mà có chú thích rõ ràng, không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó thì không phải xin phép.

Sửa BLDS: Hai bổ sung đáng chú ý

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo BLDS (sửa đổi) đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn so với BLDS 2005 về tình huống này.

Cụ thể, khoản 2 Điều 31 BLDS hiện hành chỉ quy định trường hợp “vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác” thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân sẽ không cần cá nhân đồng ý. Trong khi đó, dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định chi tiết hơn là trường hợp hình ảnh được sử dụng vì mục đích quốc gia, dân tộc, lợi ích xã hội; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác… thì không cần sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh.

LS Nguyễn Văn Đình và LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) đều đồng tình với điểm mới nói trên của dự thảo. Theo hai ông, quy định như vậy là hợp lý bởi quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh phải bị giới hạn vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng. Trong trường hợp cá nhân tham gia hoạt động công cộng, việc sử dụng ảnh chụp không cần xin phép họ cũng hợp lý miễn là có chú thích rõ ràng và không xâm phạm danh dự, uy tín của họ.

Bên cạnh đó, dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh còn có điểm mới khác là việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nhiều chuyên gia đồng tình với việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, LS Nguyễn Duy Bình (Đoàn LS TP.HCM) đề nghị dự thảo cần giải thích rõ thế nào là “vì mục đích thương mại” bởi nếu không sẽ phát sinh tranh cãi, tranh chấp. “Ví dụ một tờ báo sử dụng hình ảnh của cá nhân vừa mang mục đích công cộng (tuyên truyền thông tin tới người dân), vừa mang mục đích thương mại (bán báo thu tiền) thì sao? Tương tự, một cá nhân, tổ chức đăng hình ảnh của một cá nhân lên trang web của mình vừa nhằm mục đích tuyên dương cá nhân đó, vừa mang mục đích câu view kiếm tiền bằng cách thu hút quảng cáo thì sao?” - LS Bình đặt vấn đề.


Một số vụ kiện về quyền hình ảnh

- Năm 2011, cô HTTT kiện một nhiếp ảnh gia cùng một số tờ báo vì đăng ảnh cô mà không xin phép. Tuy nhiên, khi tòa xử, cô T. đã rút đơn khởi kiện.

Năm 2003, cô T. làm mẫu cho một nhiếp ảnh gia chụp ảnh để quảng bá sản phẩm quê hương. Trong số đó, tấm ảnh cô đội nón lá trong vườn bưởi cười tươi đã đăng trên báo xuân năm 2004. Bức ảnh này còn được đăng trên một số báo. Đến năm 2009, cô T. phát hiện tấm ảnh này được đăng trên nhiều báo in, báo mạng, lịch treo tường và cả logo quảng bá bưởi, dịch vụ tiện ích điện thoại…, thậm chí có video clip chín phút quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của nước ngoài và phát trên nhiều quốc gia mà không thông qua ý kiến của cô. Cho rằng việc này đã ảnh hưởng đến cuộc sống và xâm phạm quyền lợi cá nhân, cô T. kiện yêu cầu các đơn vị đã dùng ảnh không được đăng tiếp và phải liên đới với nhà nhiếp ảnh bồi thường 200 triệu đồng…

- Cùng năm 2011, một ca sĩ đã kiện một spa đòi bồi thường 20.000 USD vì đã dùng hình ảnh anh thuê chụp (để phục vụ một album chưa phát hành) quảng cáo mà không xin phép. Ảnh của anh xuất hiện trên một số tờ rơi được phát trên đường để quảng cáo cho spa. Ngoài ra, spa còn in ảnh của anh thành poster lớn dựng ngay cổng ra vào.

Chủ spa thì nói là bạn của người chụp ảnh cho ca sĩ. Chủ spa đã mua lại bức ảnh trên với giá 20 triệu đồng để làm quảng cáo. Trước yêu cầu của ca sĩ, spa chỉ gỡ poster có hình ảnh ca sĩ xuống nhưng không đồng ý bồi thường vì đã trả tiền cho người chụp ảnh...

Tiêu điểm

Luật càng ngày càng chi tiết

Trước khi BLDS 1995 ra đời, pháp luật dân sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. BLDS năm 1995 đã quy định quyền đối với hình ảnh (Ðiều 31), quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm (Ðiều 33), quyền đối với bí mật đời tư (Ðiều 34).

BLDS năm 2005 đã bổ sung thêm nội dung mới so với BLDS năm 1995 là việc sử dụng hình ảnh của người dưới 15 tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện người đó đồng ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm