Phạt xe thế chấp: Chờ Thủ tướng quyết định

Liên quan đến việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông không mang bản chính giấy đăng ký xe (cà vẹt xe), tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 20-7, Bộ Tư pháp cho biết đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

Dân hoang mang, dừng thế chấp

“Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục QLXLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng về vấn đề này” - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Cục trưởng Cục QLXLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho rằng việc CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo giấy đăng ký xe bản chính “là có cơ sở pháp lý”. Điều này căn cứ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46/2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận thực tế này khiến người dân hoang mang và có tình trạng nhiều người đang có ý định thực hiện phương thức thế chấp tại các tổ chức tín dụng để mua ô tô, xe máy đã dừng việc này lại.

Trong khi đó, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm quy định trường hợp tài sản thế chấp là máy bay, tàu biển, phương tiện giao thông thì bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy đăng ký các phương tiện này. Nói cách khác, các tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động cho vay thế chấp đối với phương tiện không được giữ đăng ký xe bản chính của bên thế chấp.

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng đã giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện thế chấp để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của họ, tránh rủi ro và nợ xấu. Trong một số trường hợp, họ yêu cầu người thế chấp làm đơn nhờ tổ chức tín dụng giữ hộ giấy tờ gốc chứ không quy định việc này trong hợp đồng nhận thế chấp.

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn. Ảnh: ĐỨC MINH

Pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất

Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cũng thừa nhận hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đang có sự chồng chéo, không đồng bộ. Chẳng hạn, BLDS quy định bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Còn pháp luật về chứng thực quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ pháp luật có quy định khác.

Cạnh đó, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo giấy đăng ký xe thì cũng có cách hiểu là không nhất thiết phải mang theo bản chính. “Pháp luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa bảo đảm rõ ràng, minh bạch để ai cũng hiểu giống nhau” - ông Sơn nhấn mạnh. Ông cũng thừa nhận: “Việc yêu cầu người dân phải tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là khó cho họ. Nếu tiếp tục xử phạt người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính thì có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa”.

Ông Sơn cho biết Bộ Tư pháp đã cân nhắc tất cả yếu tố để vừa bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước đối với giao dịch bảo đảm, giao thông đường bộ... Từ đó Bộ có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt cũng như giải pháp lâu dài. “Khi Thủ tướng xem xét, cân nhắc và quyết định, chúng tôi sẽ thông tin đến cơ quan báo chí sau” - ông Sơn nói.

Sắp công bố kết luận kiểm tra thi hành án vụ bầu Kiên

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Văn Lực đã thông tin về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc THA  phần dân sự của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Theo bản án (có hiệu lực từ tháng 12-2014), bầu Kiên phải nộp 75 tỉ đồng tiền trốn thuế để sung quỹ nhà nước. Cơ quan THA đã ra quyết định THA. “Quá trình làm việc, ông Kiên và vợ là bà Đặng Thị Ngọc Lan cũng như gia đình nhiều lần hứa hẹn, cam kết sẽ nộp tiền cho cơ quan THA để nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các thời hạn gia đình ông Kiên đưa ra, cam kết, hứa hẹn tự nguyện THA đều không thực hiện được, buộc lòng cơ quan THA phải áp dụng biện pháp cưỡng chế” - ông Lực thông tin.

Cụ thể, Chi cục THADS quận 10 (TP.HCM) đã kê biên và xử lý ba bất động sản của vợ chồng ông Kiên tại TP.HCM. Trong quá trình THA đã phát sinh khiếu nại, tố cáo của gia đình ông Kiên.

Ngay sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, tổng cục trưởng Tổng cục THADS đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh toàn bộ việc THA đối với ông Kiên. Hiện đoàn kiểm tra đã tiến hành thu giữ hồ sơ THA, kiểm tra hồ sơ THA, trực tiếp làm việc với lãnh đạo, chấp hành viên Cục THA TP.HCM và Chi cục THA quận 10… và các cá nhân, đơn vị liên quan.

“Theo kế hoạch, ngày 30-7 sẽ có kết luận. Đoàn đang hoàn thiện kết luận kiểm tra, dự kiến tuần sau sẽ công bố. Trường hợp gia đình ông Kiên không đồng ý với kết luận kiểm tra của Tổng cục THADS thì trách nhiệm giải quyết thuộc về lãnh đạo Bộ Tư pháp” - ông Lực nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm