Nên minh định cách thực hiện quyền ghi âm ghi hình thay vì cấm

Viện dẫn nguyên tắc “dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm”, nhiều người cự nự liền “luật không cấm thì lấy quyền gì mà Hà Nội cấm”. Có người còn lấy hiến pháp ra để đặt vấn đề “cấm vậy là làm ảnh hưởng đến quyền giám sát của nhân dân” (dù chưa có cơ quan có thẩm quyền nào giải thích giám sát là được hay không được tự ý quay phim, chụp ảnh). Cạnh đó là đủ kiểu phản đối khác nhau như “bắt xin phép thì đố ông nào cho phép”, “làm việc đàng hoàng mắc gì phải ngại”…

Ông Nguyễn Hồng Điệp (đứng) tại buổi tiếp công dân khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: PLO.VN

Trong các ý kiến ngược lại coi bộ hơi bị ít, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho là “đến nhà người khác thì phải có phép tắc, nếu có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì cứ trao đổi với cán bộ tiếp công dân” (Ngay cả ý kiến này người dân cũng có phản hồi rằng nhà riêng khác với công sở.) Ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban Tiếp công dân trung ương) cũng có lý lẽ tương tự như nơi tiếp công dân thì không thể quay, chụp tùy thích…

Trước khi xét ai đúng, ai sai thì cần phải minh định là không có việc cấm chụp ảnh, quay phim, ghi âm ở nơi tiếp dân. Các bản nội quy của các tỉnh, thành và của Thanh tra Chính phủ đều không có câu chữ nào cấm đoán việc này. Tất cả chỉ quy định là những việc như thế phải được sự đồng ý của người có liên quan.

Như vậy, việc bàn luận chỉ nên tập trung ở chỗ “được đồng ý” là sao. Còn như cứ tiếp tục “cấm sai, cấm bậy” thì là đã nhầm lẫn, đã đẩy vấn đề đi quá xa, vì có ai cấm tiệt gì đâu.

Phải chăng “được đồng ý” là phải xin xỏ và có thể phần nhiều là không được cấp phép? Hay có một cách hiểu thứ hai, đó là sự thông báo, sự công khai với nhau khi chụp ảnh, quay phim, ghi âm để cán bộ tiếp dân có sự chủ động sắp xếp nhằm đảm bảo được trật tự ở chỗ tiếp dân. Kế đến là cả hai đều có những chú ý hơn để mọi hành vi, cử chỉ, lời nói đều đạt chuẩn mực, tránh việc người này bị người kia tùy tiện gí điện thoại vào sát mặt mà livestream (truyền tải video trực tiếp qua Facebook) chẳng hạn...

Thực tế trước giờ và theo phát ngôn của ông Điệp thì người dân vẫn được chụp ảnh, ghi âm… thoải mái. Theo giải thích của ông Chung thì người dân cũng sẽ không gặp khó khăn gì và vấn đề chỉ là hai bên nên thẳng thắn, minh bạch với nhau.

Vậy, nếu thực sự không có ý cản ngại các nhu cầu chụp ảnh, ghi âm chính đáng, vì sao các nội quy lại tạo ra cách nghĩ có sự hạn chế, xin-cho mà không phải là sự khẳng định về quyền ghi âm, chụp ảnh công khai và tuyệt đối không chấp nhận việc làm hại nhau? Ví dụ, sẽ có quy định mới thay cho quy định xin-cho đang có, kiểu như “Nhu cầu quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi tiếp dân cần được công khai và việc thực hiện không được làm ảnh hưởng đến công tác tiếp công dân. Đồng thời, việc sử dụng hình ảnh, nội dung ghi âm đó không được làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cán bộ tiếp công dân”.

Không chỉ đơn giản hóa vấn đề, một khi được quy định theo hướng tích cực ấy còn góp phần hạn chế sự quá đà của bên nọ hay sự từ chối thiếu cơ sở của bên kia.

Và tất nhiên, bất luận có “được đồng ý” hay chưa thì người dân đều không được “cắt xén nội dung buổi tiếp dân, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác” như một ý phát biểu của ông Chung. Những trường hợp làm sai dù là dân hay là cán bộ tiếp công dân đều bị chế tài theo các quy định hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm