Luật sư vỗ bàn 'bị đuổi' khỏi tòa, chuyên gia luật nói gì?

Chiều 26-6, trong phiên xử sơ thẩm vụ Trần Hữu Kiển (37 tuổi, nguyên trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư BT - Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 1 tỉ đồng tiền thừa kế của thân chủ, luật sư (LS) Đồng Hữu Pháp (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng là người bào chữa cho bị cáo Kiển) đã bị chủ tọa phiên tòa “mời” ra khỏi phòng xử án, không cho tiếp tục tham gia phiên tòa. Sau đó, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa đã yêu cầu luật sư Pháp rời bàn làm việc, ra khỏi phòng xử án.

Lý do, chủ tọa cho rằng LS đã vi phạm nội quy phòng xử án là đã vỗ bàn khi đang xét hỏi. Trước đó, LS Pháp đã nhiều lần bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nên hỏi đương sự những câu hỏi trọng tâm. 

Sáng hôm sau (27-6), luật sư Đỗ Thị Hoàng Yến (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, cũng là một trong bốn LS bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Kiển) đã đề nghị HĐXX cho LS Pháp trở lại phiên tòa để tham gia phần tranh luận bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, lời đề nghị này của LS Yến đã không được chủ tọa phiên tòa chấp nhận với lý do LS Pháp đã vi phạm nội quy phiên tòa là vỗ bàn trong khi đang xét hỏi và đã bị tòa không cho tiếp tục tham gia phiên tòa.

LS đã bị "mời" ra khỏi phòng xử án

Các chuyên gia luật nói gì về trường hợp này?

Quyết định của chủ tọa là đúng quy định

Theo LS Trịnh Văn Hiệp (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa được quy định tại Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính 2015 và đối với vụ án hình sự được quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015.

Khoản 2 Điều 256 BLTTHS 2015 quy định rất rõ: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.

Tại khoản 2 Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28-7-2017 của chánh án TAND Tối cao quy định: “Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự”.

Và Điều 4 của Thông tư trên có quy định lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành các quyết định của chủ tọa phiên tòa, HĐXX về việc buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử; tạm giữ người gây rối trật tự phiên tòa hoặc quyết định khác theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, bất kì ai làm ảnh hưởng đến việc xét xử, ảnh hưởng đến phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa đều có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phiên tòa.

Trong tình huống trên, LS Pháp vỗ bàn trong khi xét hỏi, có thái độ gây mất trật tự và không tuân theo sự điều hành của chủ toạ phiên toà là vi phạm nội quy phiên toà, việc chủ toạ yêu cầu LS Pháp ra khỏi phiên tòa là đúng theo quy định.

Theo LS Hiệp, không chỉ vậy HĐXX còn có quyền đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi LS đăng ký hoạt động có những biện pháp như: cảnh cáo, khiển trách hoặc xóa tên khỏi Đoàn LS… thậm chí đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề tuỳ mức độ vi phạm.

LS Hiệp cho rằng để phiên toà diễn ra thuận lợi, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho thân chủ, LS cần tuân thủ đúng nội quy, sự điều hành của chủ tọa phiên toà.

LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm của LS Hiệp. Tuy nhiên, đối với việc ngày hôm sau, một LS khác đề nghị HĐXX cho LS Pháp tham gia nhưng HĐXX không chấp nhận và không cho LS Pháp tiếp tục tham gia phiên tòa là không đúng.

Việc LS Pháp đập bàn, gây mất trật tự phiên toà là sai nên bị mời ra khỏi xử là đúng nhưng hành vi đó không đến mức tước đi quyền tham gia bào chữa của LS trong vụ án. HĐXX nên cân nhắc vấn đề này để vừa bảo vệ quyền bào chữa của LS vừa bảo đảm quyền được LS bào chữa của bị cáo trong vụ án.

Không đồng tình với quyết định của toà

Theo LS Phạm Công Hùng (Đoàn LS TP.HCM), thông thường khi diễn đạt ngoài lời nói thì người thuyết trình còn sử dụng thêm “ngôn ngữ cơ thể” của mình để làm cho người nghe dễ hiểu hơn và thuyết phục hơn. Và cái “vỗ bàn” nhẹ nhàng của luật sư khi tranh tụng là biểu hiện sự nhấn mạnh về một vấn đề quan trọng nào đó trong bài bào chữa.

Cái “vỗ bàn” của LS Pháp chỉ diễn ra một lần duy nhất, chưa bị chủ tọa phiên toà nhắc nhở lần nào và ngay cả vị LS ngồi bên cạnh cũng không cảm nhận được thì đó chỉ là sự diễn đạt ngôn ngữ cơ thể chứ không phải là hành vi vi phạm nội quy phiên toà.

Vì vậy, theo LS Hùng, LS Pháp không vi phạm nội quy phiên toà, việc chủ tọa buộc LS rời khỏi phòng xử án là sai. Và nghiêm trọng hơn khi chủ toạ sử dụng lực lượng cảnh sát để cưỡng chế đưa LS đang trên bục tranh tụng ra khỏi phòng xử án là rất phản cảm, vì vị LS đó không hề có thái độ chống đối đến mức phải cưỡng chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm