Luật sư Eximbank muốn phán quyết của tòa trở thành án lệ

Các bị cáo gồm Hồ Ngọc Thủy (SN 1986), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1984), Trần Nguyễn Xuân Lan (SN 1981), Nguyễn Thị Thi (SN 1978), Cao Lan Phương (SN 1980) và Lương Quốc Anh (SN 1986), cùng là nhân viên Eximbank Chi nhánh TP.HCM) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: YC

Tại tòa, luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho Eximbank cho rằng đối với nghĩa vụ của Eximbank với bà Chu Thị Bình mong HĐXX cân nhắc. Lời khai nhận của các bị cáo làm sai quy trình, với tư cách pháp nhân thì Eximbank thừa nhận phải chịu trách nhiệm đối với sai lầm của sáu nhân viên.

Tuy nhiên, giao dịch giữa Eximbank với bà Bình là giao dịch dân sự thì phải thực hiện đúng như theo cam kết trong hợp đồng, nếu bên nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Ở đây cần xem xét đến trách nhiệm của bà Bình. Bà Bình sơ suất ký giấy ủy quyền khi ông Hưng đưa cho bà, trong khi giấy ủy quyền chưa điền đầy đủ thông tin nhưng bà vẫn ký để ông Hưng dựa vào đó chiếm đoạt tài sản nên mới xảy ra sự việc ngày hôm nay.

Vì vậy, LS Eximbank đề nghị xem xét bà Bình có sai sót như vậy thì trách nhiệm của bà Bình tới đâu, để cân nhắc đến quyền lợi của Eximbank. Việc VKS đề nghị Eximbank trả 100% cho bà Bình là không công bằng.

LS thừa nhận Eximbank có một phần lỗi nhất định. Với tư cách là người bị hại, Eximbank đã mau chóng liên lạc với khách hàng để có những thỏa thuận đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, điều đó thể hiện thiện chí, uy tín của Eximbank. 

Đối với quan điểm cho rằng do muốn giữ khách hàng lớn nên Eximbank có những sự dễ dãi để ông Hưng lợi dụng chiếm đoạt tài sản và việc Eximbank có những chỉ đạo sai trái là không đúng. Theo LS bảo vệ cho Eximbank, tính đến thời điểm này, Eximbank không có chỉ đạo trái pháp luật, quy định nội bộ của Eximbank cũng không có quy định nào như vậy. Vì vậy, việc yêu cầu Eximbank phải chịu toàn bộ tiền gốc và lãi là quá bất công cho ngân hàng.

Đáng chú ý, LS bảo vệ cho Eximbank hy vọng rằng phán quyết của HĐXX trong vụ án này sẽ trở thành một án lệ cho những vụ án về ngân hàng tương tự. LS mong muốn bản án mang một thông điệp "tin thì tin nhưng kiểm tra thì vẫn phải kiểm tra" cho cả nhân viên ngân hàng và khách hàng của ngân hàng, bởi hai bên đều phải có trách nhiệm. Các nhân viên đừng vì sợ mất việc mà nghe theo những chỉ đạo sai trái của cấp trên. LS đề nghị bản án phải phản ánh được những vấn đề trên.

LS Eximbank cũng bày tỏ sự thông cảm với nhân viên cấp dưới của Eximbank, đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Việc bà Bình ký không phải là nguyên nhân chính yếu 

LS bảo vệ cho bà Bình nhất trí với quan điểm của đại diện VKS. LS cho rằng bà Bình tin tưởng ông Hưng khi ông Hưng là phó giám đốc chi nhánh, một người có chức quyền trong ngân hàng chứ không phải một nhân viên bình thường.

Bà Chu Thị Bình (áo xanh) bên LS Phan Trung Hoài (LS bảo vệ cho bà). Ảnh: YC

Việc bà Bình có ký trên giấy ủy quyền nhưng chữ ký đó được lập theo sự chuyển giao mà hoàn toàn không có nội dung ủy quyền, các bị cáo cũng thừa nhận không biết bà Bình. Chữ ký trên hai giấy ủy quyền hay ủy nhiệm chi không phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến vụ án ngày hôm nay.

Bà Bình mở tài khoản hợp pháp, đã giao tiền cho Eximbank. Sau khi nhận tiền, Eximbank là người sở hữu số tiền đó, phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng, chịu trách nhiệm rủi ro đối với số tiền này. Các giấy ủy quyền là trái pháp luật, tất cả giao dịch rút tiền không do bà Bình yêu cầu cũng không ủy quyền cho ai rút, hồ sơ rút tiền là giả mạo nên việc bà Bình yêu cầu Eximbank trả là hợp pháp.

Đại diện bà Bình thì cho rằng bà Bình rất thiện chí khi đã có những buổi làm việc với Eximbank để thỏa thuận, giúp Eximbank lấy lại hình ảnh trước công chúng. Bà Bình cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.  

VKS giữ nguyên quan điểm

VKS cho rằng các LS thống nhất tội danh nên không trình bày thêm, về điều kiện, động cơ phạm tội của các bị cáo đã nêu trong bản luận tội.

Đối với phần dân sự, VKS cho rằng việc bà Bình ký vào giấy ủy quyền không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của ngân hàng. Và hiện nay bà Bình vẫn đang giữ bản chính sổ tiết kiệm nên VKS giữ nguyên quan điểm, đề nghị Eximbank trả cho bà Bình cả gốc và lãi.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là sai trái, rất hối hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX thông báo 15 giờ chiều nay sẽ tuyên án.

 

Tóm tắt vụ án

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 3-2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.

Đồng thời, Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên là các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt... tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank Chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỉ đồng.

Các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.

Tại tòa, VKS đề nghị xử phạt Thủy từ năm năm đến sáu năm tù; bị cáo Trâm và Thi cùng mức phạt từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lan, Phương, Anh cùng mức phạt từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm